Đạo đức - Tâm lý học PG
Đạo Đức Phật giáo trong tương lai
15/09/2012 05:37 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Có thể nói trình độ văn minh của loài người ở thế kỷ 21 thật quá siêu đẳng và công bằng mà nói, sự phát triển văn minh ấy đã mang đến cho đời sống con người được nhiều tiện nghi vật chất và tạo được không ít kết quả tốt đẹp ở một số lãnh vực hoạt động. Nhưng bên cạnh những thành công tốt đẹp của xã hội văn minh ngày nay, điều thảm hại đến mức độ nhân loại đang gióng lên hồi chuông báo động rằng đạo đức của con người đang bị suy sụp trầm trọng và điều nghịch lý là văn minh vật chất càng lên cao thì đạo đức con người càng xuống thấp

giatricuocsong.gif

Nói cách khác, nhu cầu vật chất của con người càng tăng cao và càng được đáp ứng đã dẫn đến đời sống tinh thần càng bị sút giảm, vì tất cả mọi người chỉ lo tranh đua hưởng thụ cuộc sống vật chất.

Thật vậy, qua sinh hoạt của thế giới văn minh hiện nay, chúng ta thấy rõ sự tăng tốc cho đời sống vật chất đã tạo ra những xã hội luôn bất an, làm cho môi trường sống của nhân loại bị thu hẹp và phát triển rất nhiều thứ bệnh nan y được mệnh danh là căn bệnh của thời đại hoành hành dữ dội, cướp đi mạng sống của nhiều người ở độ tuổi rất trẻ. Sự thật hiển nhiên được thể hiện rõ nét rằng việc hiện đại hóa xã hội đã và đang liên tục gây ra những thực trạng thảm thương như vậy, tác hại không ít đến đời sống con người ở nhiều phương diện, đặc biệt là đời sống đạo đức đang là vấn đề bức bách của nhân loại. Đứng trước vấn đề nhức nhối này, thử nghĩ xem giới Phật giáo chúng ta có đáp án như thế nào?

Thiết nghĩ giáo pháp của Đức Phật để lại cho nhân loại nhiều đến mức kinh điển thường diễn tả là tám vạn bốn ngàn pháp môn để đối trị với tám muôn bốn ngàn phiền não trần lao của chúng sinh. Vì thế, không có khó khăn gì cho chúng ta trong việc lấy ra từ kho báu Phật pháp phương cách giải quyết căn bệnh của thế kỷ.

Để khắc phục tất cả những khó khăn và sự tác hại cho đời  sống con người như vừa nêu trên, chúng ta cần áp dụng tinh thần căn bản của Phật dạy cho con người trong cuộc sống hàng ngày rằng sự tri túc là chính yếu. Nghĩa là trước nhất tất cả đệ tử Phật cần hạn chế lòng ham muốn, cho đến triệt tiêu những ham muốn vô bổ và hãy sống thiết thực trong sự tỉnh giác, khi đó sẽ nhận thấy rằng nhu cầu vật chất không cần nhiều như người ta thường lầm tưởng. Xây dựng trên nền tảng của cuộc sống tri túc, không lao theo sự đua đòi hưởng thụ vật chất, là mỗi người đã góp phần không nhỏ cho việc giảm bớt sự phá hủy môi trường, giảm bớt sự cạnh tranh không lành mạnh; vì một khi tài nguyên bị khai thác cạn kiệt sẽ tiêu hủy môi trường sống bởi việc cung ứng những sản phẩm và dịch vụ chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất để thu lợi nhuận ngay trước mắt mà bất kể những tác hại to lớn cho sự sống của mọi người và của cả trái đất. Ý thức được sự nguy hại này, một chương trình gọi là “Giờ trái đất” kêu gọi mọi cá nhân và mọi quốc gia tắt bớt đèn thừa trong một tiếng đồng hồ vào ngày 28-3-09 từ 20g30 - 21g30 để ngăn chặn sự thay đổi môi trường và cứu lấy trái đất của chúng ta. Năm 2008, riêng tại Chicago và Bắc Illinois ở Hoa Kỳ, 60 phút tiết kiệm điện này đã giảm được 380 tấn khí CO2, Bangkok đã tiết kiệm được 73,34 MG điện, tương đương 41,6 tấn CO2

Thực hiện lời Phật dạy, mỗi người tự hạn chế lòng ham muốn phát xuất từ túi tham không đáy, để phát triển tâm từ bi, bảo vệ sự sống của muôn loài, cho đến sự sống của cỏ cây, của dòng nước, của đất đai, của không khí; vì suy cho cùng, thương yêu và bảo vệ sự sống của muôn loài một cách thiết thực chính là thương yêu bảo vệ cuộc sống của chúng ta, của cả mọi người.

Thiết nghĩ nếu phát triển được tinh thần thương yêu và bảo vệ sự sống cho cộng đồng nhân loại, chắc chắn rằng đó là phương pháp cứu vãn loài người chúng ta và hành tinh này một cách tốt đẹp nhất. 

HT.Thích Trí Quảng (GNO).

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch