Phật giáo trong nước
Đôi dòng Thánh Mẫu với nhị Tổ Trúc Lâm
21/04/2015 10:24 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong dân gian Việt Nam, Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh ( quê Nam Định) là một trong bốn vị thánh Tứ Bất Tử. Bà đã được tôn phong là "Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của muôn dân".  Hằng năm cứ tới ngày 3.3 Âm Lịch, các Phật tử, con hương của Thánh Mẫu, cũng như nhân dân thường hay hành hương về chùa, về nơi di tích thờ Thánh Mẫu, tìm hiểu về  sử Thiền sư Pháp Loa, một thiền sư có công lao lớn, nhiều ý nghĩa giữa đạo và đời, có chủng tính tu hành từ vô lượng kiếp trước, kiếp này chỉ cần:  “nhìn thấy bông đèn tàn rụng xuống bỗng nhiên đại ngộ”.

Ngày giỗ Thánh Mẫu, nhiều chùa trong Nam không có lệ này. Riêng nhiều chùa miền Bắc mấy có. Về truyền thuyết chư Thánh mẫu thì nhiều, nhưng điển hình là Liễu Hạnh Công chúa (chữ Hán柳杏公主) là một trong những vị thần quan trọng của tín ngưỡng Việt Nam. Bà còn được gọi bằng các tên: Bà Chúa Liễu, Liễu Hạnh (柳杏), Mẫu Liễu Hạnh (母柳杏) hoặc ở nhiều nơi thuộc vùng Bắc Bộ bà được gọi ngắn gọn là Thánh Mẫu. Trong dân gian Việt Nam, Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh ( quê Nam Định) là một trong bốn vị thánh Tứ Bất Tử. Bà đã được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp nhiều Sắc, tôn phong là "Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của muôn dân".  Hằng năm cứ tới ngày 3.3 Âm Lịch, các Phật tử, con hương của Thánh Mẫu, cũng như nhân dân thường hay hành hương về chùa, về nơi di tích thờ Thánh Mẫu, lễ Phật dự lễ húy nhật Thánh Mẫu, người có công với nhân dân, dạy dân ở hiền làm lành lánh dữ, từ thiện, đắp đê, dệt vải, nuôi tằm. Lúc này đây, mượn ít thời gian, trước thắp hương cúng Phật, chư thánh hiền tăng, sau cúng mẫu, còn thời gian tìm hiểu về  sử Thiền sư Pháp Loa, một thiền sư có công lao lớn, nhiều ý nghĩa giữa đạo và đời, có chủng tính tu hành từ vô lượng kiếp trước, kiếp này chỉ cần:  “nhìn thấy bông đèn tàn rụng xuống bỗng nhiên đại ngộ”.

mau.jpg

Hình ảnh Mẫu Liễu Hạnh an tọa chính giữa với áo màu đỏ

Pháp Loa (法螺), 1284-1330 là một Thiền sư Việt Nam thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử. Sư là môn đệ của Trần Nhân Tông, là Tổ thứ hai của dòng thiền này ( nhị Tổ Trúc Lâm Yên Tử). Sư là người ấn hành Đại tạng kinh tại Việt Nam khoảng năm 1329 và đã để lại nhiều tác phẩm Thiền học và luận thuyết về các kinh Nhập Lăng-già, Diệu pháp liên hoa, Bát-nhã-ba-la-mật-đa.

Pháp Loa tên tục là Đồng Kiên Cương (同堅剛), sinh ngày 7 tháng Năm năm Giáp Thân (tức 23 tháng 5 năm 1284), quê ở hương Cửu La, huyện Chí Linh, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang (nay thuộc xã Ái Quốc, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Cha tên là Đồng Thuần Mậu, mẹ là Vũ Từ Cứu.

phap loa.jpg

Tượng nhị Tổ Trúc Lâm ( Pháp Loa)

Tương truyền, mẹ ông nằm mộng thấy dị nhân trao cho kiếm thần và sau đó mang thai. Trước đó bà đã sinh 8 người con gái, nên khi có ông, tưởng sẽ là gái nữa, nên thất vọng uống thuốc phá thai. Phá tới bốn lần mà thai không hư, vì thế khi sinh, ông được đặt tên là Kiên Cương, có nghĩa là "cứng rắn".

Sư còn nhỏ đã có chí khác thường, không nói lời ác, không thích ăn thịt cá. Măm 1304, Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đi khắp nơi trong nước, có ý tìm người kế thừa. Khi xa giá vừa đến thôn, Sư đỉnh lễ xin xuất gia, Trần Nhân Tông bảo ngay: "Đứa bé này có đạo nhãn, sau này hẳn là pháp khí" và cho theo về thụ giới Sa-di. Điều Ngự lại bảo Sư đến Quỳnh Quán học nơi Hoà thượng Tính Giác. Khi đã có sở đắc, Sư từ tạ trở về với Điều Ngự.

Có lần, Sư dâng ba bài tụng nhưng cả ba đều bị chê. Điều Ngự khuyên Sư phải tự tham. Sư vào phòng đầu óc nặng trĩu, thức đến quá nửa đêm, nhìn thấy bông đèn tàn rụng xuống bỗng nhiên đại ngộ. Điều Ngự thầm ấn khả cho Sư. Từ đây, Sư tu theo 12 hạnh Đầu-đà.

Theo từ Điển trên trang web. Hoalinhthoai.com ghi 12 hạnh đầu đà như sau: “1. Áo làm bằng mảnh vải rách khâu lại (hiện nay, chúng ta thấy có một số tăng sĩ thuộc hệ phái khất sĩ ở miền Nam Việt Nam, mặc áo vàng làm bằng hàng chục mảnh vải khâu lại, có thể là biểu trưng cho hạnh đầu đà này). 2. Chỉ dùng ba bộ áo. 3. Khất thực mà ăn (hiện nay, các sư ở những xứ theo Phật giáo Nam Tông vẫn giữ hạnh này). 4. Chỉ ăn một bữa vào giờ ngọ (trưa), hoặc ăn bữa sáng (lót dạ) và bữa trưa. (Hiện nay các sư Nam tông vẫn theo hạnh này, nhưng họ không ăn chay. Trái lại, các sư Bắc Tông thì ăn cả bữa tôi nhưng lại ăn chay). 5. Không giữ tiền bạc, hay chỉ giữ một số của cải tiền bạc rất hạn chế. 6. Sống độc cư. 7. Sống trong nghĩa địa. 8. Sống dưới gốc cây. 9. Sống ngoài trời. 10. Không có chỗ ở nhất định. 11. Ngồi ngủ, không nằm ngủ. Hạnh 4 chia làm hai cho nên thành 12 hạnh: a, ăn mỗi ngày một hay hai bữa (sáng và  trưa); b, Không ăn ngoài giờ quy định. Khi Phật còn tại thế, ông Ca Diếp là người tu hạnh đầu đà một cách nghiêm túc nhất. Ông được xưng tôn là “đầu đà đệ nhất”. Đời Trần, vua Trần Nhân Tông sau khi xuất gia cũng tu hạnh đầu đà và được gọi là Hương Vân đầu đà. Hạnh đầu đà không phải là hạnh bắt buộc đối vỡi mọi tu sỹ. Khi Phật còn tại thế, tu sỹ thừng ở thành chúng, thành đoàn thể. Số tu sỹ sống và tu cô độc một mình như ông Ca Diếp chỉ là số ít”. Phương pháp tu theo hạnh đầu đà này đã có từ thời Phật còn tại thế như: Ma Ha Ca Diếp, sau này ở Việt Nam ta có Trần Nhân Tông, Pháp Loa…

Năm sau, Điều Ngự đích thân truyền Giới Thanh văn và Bồ Tát cho Sư. Năm 1306, Điều Ngự cử Sư làm chủ giảng tại chùa Báo Ân. Tại đây Sư gặp Huyền Quang lần đầu tiên, lúc đó Sư mới 23 tuổi. Hai năm sau, Điều Ngự mất, Sư phụng mệnh đưa Xá-lợi về kinh đô và sau khi trở về núi, Sư soạn lại những bài tụng của Điều Ngự lúc ở Thạch thất và biên tập lại dưới tên Thạch thất mị ngữ.

Tháng 12 năm 1319, Sư kêu gọi Tăng chúng và cư sĩ chích máu in Đại tạng kinh hơn 5000 quyển. Vua Trần Anh Tông cũng tự chích máu mình viết Đại tạng kinh cỡ nhỏ. Sư chuyên giảng kinh Hoa nghiêm, mỗi lần giảng cả ngàn người nghe. Tiếc rằng về sau kinh này đã bị Trương Phụ thời nhà Minh phá hủy, ngày nay không còn.

Sư có nhiều đệ tử đắc pháp mà người để lại tên tuổi đến ngày nay trong thiền học và thi ca là Huyền Quang. Năm 1330, Sư lâm bệnh nặng, Thiền sư Huyền Quang thưa: “ xưa nay đến chỗ ấy, buông đi là tốt hay nắm lại là tốt?” Pháp Loa “ Thảy đều không can hệ”, Huyền Quang : “Khi thảy đều không can hệ thì thế nào?”, Pháp Loa: “Tùy xứ tát bà ha”. Tới tối mồng 3 tháng 3 đệ tử tới thỉnh bạch xin bài kệ, Sư viết:

萬緣裁斷一身閒。
四十餘年夢幻間
珍重諸人休借問。
那邊風月更邇寬

Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn
Tứ thập dư niên mộng huyễn gian
Trân trọng chư nhân hưu tá vấn
Na biên phong nguyệt cánh nhĩ khoan.

Muôn duyên cắt đứt, tấm thân nhàn,

Hơn bốn mươi năm cõi mộng tàn.

Giã biệt! Xin đừng theo hỏi nữa,

Bên kia trăng gió mặc thênh thang.

Viết xong, Sư ném bút an nhiên viên tịch, thọ 47 tuổi. Nhục thân Pháp Loa được đệ tử nhập tháp tại Chùa Thanh Mai (Thanh Mai Sơn).

Một số tác phẩm của Pháp Loa còn được lưu truyền:

1.    Đoạn sách lục;

2.    Tham thiền chỉ yếu;

3.    Kim cương đạo trường đà-la-ni kinh;

4.    Tán Pháp hoa kinh khoa sớ;

5.    Bát-nhã tâm kinh khoa;

Ngoài ra còn một vài bài kệ trước lúc tịch.

Pháp Loa còn đào tạo một thế hệ học trò xuất sắc hơn 30 người, nuôi dạy 15000 tăng ni, đúc trên 1300 pho tượng lớn nhỏ; Xây dựng hàng trăm chùa tháp, tiêu biểu là các trung tâm tôn giáo Yên Tử, Côn Sơn, Thanh Mai và Viện nghiên cứu Phật giáo Quỳnh Lâm. Những công tình này đều trở thành di sản văn hoá quý báu của dân tộc. Ông cho vẽ nhiều bộ tranh; bộ tranh tượng, khắc in bộ kinh Đại Tạng và giành nhiều thì giờ thuyết pháp, giảng kinh. Ông là người thừa kế, phát triển thiền phái Trúc Lâm lên đỉnh cao, ngày nay vẫn còn hưng thịnh.

           Cuộc đời của thiền sư là một tấm gương về: xiển dương đạo pháp và phục vụ nhân sinh. Quốc sư viên tịch ngày 4 tháng 3 năm Canh Ngọ (1330), trụ thế 47 tuổi, 23 tuổi đạo. ( Tuổi đời là số tuổi sống ở trên đời. tuổi đạo được tính từ khi vào đạo tu hành, hoặc tính từ khi thụ giới đàn).  Thượng Hoàng Minh Tông ngự bút đặc phong là Tịnh Trí Tôn giả và đặt tên tháp là Viên Thông. Năm 1978 nhân dân địa phương đã góp sức cùng tăng ni phật tử cả nước phục dựng lại ngôi chùa Thanh Mai.

Lễ hội truyền thống chùa Thanh Mai diễn ra vào ngày mất của Pháp Loa, trong 3 ngày, từ 19 đến 21/04/2015 (Tức 1 đến 03/03/ Âm Lịch), với nhiều nghi lễ như giảng kinh, chay đàn, mộc dục...           

Tóm lại, người xưa thường nhắc:

 “ Cha ta là Phật Thích Ca.

 Mẹ ta là Phật Bà Quán Thế Âm

 Tháng 8 giỗ cha, tháng 3 giỗ mẹ”, Bởi vậy, với một số ý trên liên hệ giữa ngày húy nhật mẫu với húy nhật thiền sư Pháp Loa. Nguyện dâng 5 phần hương cúng Phật, lịch đại tổ sư, chư Thánh mẫu, chư vị hữu công với đất nước, sống một lòng thanh tịnh thân tâm, tốt đời, đẹp đạo.

Nguyện đem công đức này.

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sinh

Đều trọn thành Phật đạo”( trích Kinh Pháp Hoa)

Dẫn một giai thoại thiền liên hệ nhân ngày giỗ Thánh Mẫu: Có một Thiền sinh vào một thất ( nhà nhỏ) hỏi, thưa Thầy: “ Ngày giỗ Thánh Mẫu với ngày giỗ thiền sư Pháp Loa có gì khác nhau?”. Sư phụ đáp: “ trà”. Thiền sinh: “Con cần phải cúng gì ạ?” Sư phụ đáp: “ trà”. Vậy thì câu đáp của sư phụ “trà” lần trước với “ trà” lần sau có gì khác không? Chúng ta có thể hiểu ngày giỗ và cúng với người đã khuất như thế nào cho được lợi ích nhất trong xã hội ngày nay?

IMG_3380.JPG

Phật tử Hà Nội với Phật tử chùa Làng Diềm lễ Phật - Tổ - Mẫu

IMG_3375.JPG

Phật tử đang tọa Thiền nhớ công ơn chư Thánh Tổ tu hành tinh tiến 

( ảnh chụp ngày 03/03/ Ất Mùi)

                                                                                 

                                                                     Quảng Hợp

Tài liệu tham khảo:

1.      Thích Thanh Từ: Thiền sư Việt Nam, TP HCM 1995.

2.      Nguyễn Huệ Chi (chủ biên): Thơ văn Lý-Trần, tập II, quyển thượng, Hà Nội 1988.

3.      Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận I-III, Hà Nội 1992.

4.      http://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%A1p_Loa

5.      http://phatgiao.org.vn/trong-nuoc/201504/Hai-duong-Tuong-niem-Thien-su-Phap-Loa-va-khai-hoi-chua-Thanh-Mai-17832/

 

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch