Người tu sĩ
Sư Nê & tấm lòng với bà con nghèo Khmer
17/03/2010 03:53 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 Đã mới trải qua hai mùa mưa-nắng ở xứ sở của vùng đất đỏ heo hút Lộc Ninh, đó là khoảng thời gian Sư Thạch Nê (sinh năm 1973) bắt đầu một cuộc hành trình dấn thân mới, khai mở ánh sáng từ bi cho ngôi chùa Retchamaha, mái nhà tâm linh của những người Khmer chân chất.

Những ngày đầu ngồi cầu nguyện dưới chân Phật, sư Nê cũng đã khóc, những giọt nước mắt cảm thông và thương cảm. Cảm giác đầu tiên của Sư Nê khi đặt chân đến ngôi chùa xinh đẹp, nhỏ nhắn này là sự hiếu kỳ của những người dân tộc từ các phum sóc xung quanh. Họ thấy lạ, ngôi chùa nhỏ, hoang vắng này rồi cũng có người đến thăm và ở lại. Từ sự hiếu kỳ đến sự kỳ vọng, tin tưởng đã giúp Sư Nê vững tin vào sự quyết tâm của mình. Sư Nê bắt đầu sắp xếp lại mọi thứ từ một ngôi chùa với quá nhiều bộn bề.

Chùa Retchamaha được Sư cả Toch Chap khai sơn vào năm 1931, là một ngôi chùa đặc trưng với lối kiến trúc của người Khmer đầu tiên của tỉnh Sông Bé (cũ). Chùa còn có tên khác là chùa Sóc Lớn, nay thuộc xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh (Bình Phước).

sune-2.jpg

Chùa Retchamaha còn gọi là chùa Sóc Lớn

Thuộc hệ phái Nam tông, chùa là nơi nuôi dưỡng niềm tin tâm linh cho bà con nghèo trong xã, tất cả chỉ có 12 gia đình người dân tộc S’tiêng và 720 gia đình người Khmer sinh sống trong vùng và trong các phum sóc hẻo lánh. Chùa cũng được xếp hạng di tích văn hóa cấp tỉnh vào năm 1994. Sau khi Sư cả viên tịch vì già yếu, chùa trở nên hoang phế và tồn tại nhờ sự trông nom của Trưởng ban quản tự Lâm Roi.

Bà con nghèo người dân tộc ở chùa Sóc Lớn hết sức tôn kính vị sư trẻ, ĐĐ.Thạch Nê bởi đã không ngại khó nhọc về trụ xứ mà không hề nề hà việc gì. Sư Nê đã tốt nghiệp trung cấp Pali, rồi tốt nghiệp hai trường Đại học Luật và Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM (ngành Xã hội học). Quê gốc ở Bạc Liêu, Sư Nê được xuất gia tại chùa Retchamaha (Bạc Liêu) và có 10 năm tu học tại chùa Pothivong (Q.Tân Bình, TP.HCM).

sune-1.jpg

Sư Nê và những chú tiểu

Cái khó nhất của bà con ở đây là họ không biết chữ, không nói được tiếng Việt, chưa tiếp cận được với đời sống cộng đồng rộng lớn bởi còn phụ thuộc vào lối sống trong phum sóc hạn hẹp, đời sống còn rất nhiều khó khăn với lối sống xưa cũ, cổ hủ. Để giúp bà con hòa nhập cộng đồng, Sư Nê bắt đầu từ việc… dọn vệ sinh. Sư cho xây lại phòng ốc, nhà vệ sinh ở chùa và buộc bà con đến chùa phải giữ vệ sinh chung. Bởi lẽ, Sư muốn bà con hiểu rằng khi đã có ý thức giữ được vệ sinh nhà cửa, bản thân thì đã bắt đầu tiến một bước đến đời sống văn minh hơn.

Việc thứ hai là dạy chữ Việt và Khmer cho người nghèo, cửa chùa rồi cũng ê a tiếng trẻ đánh vần, đọc chữ. Sư Nê mở những lớp học dành cho người lớn và trẻ em gồm hai thứ ngôn ngữ Việt và Khmer song song nhau. Tận tâm, cần mẫn với từng người một, có lúc Sư Nê cũng muốn bỏ cuộc nhưng rồi một lần nữa tự nhủ lòng phải cố gắng và cố gắng. Những buổi thuyết giảng Phật pháp "vỡ lòng" cho bà con, rồi dạy từng chút một cách ăn nói, cư xử, lối sống, làm ăn, cách sinh hoạt cộng đồng, cách làm nhà vệ sinh… tất tần tật bắt đầu từ con số không. Sư Nê cũng đã vận động Phật tử quen biết đến thăm và hỗ trợ cho bà con nghèo dân tộc ở đây về tinh thần cũng như vật chất. Có những đoàn từ thiện về Sóc Lớn thăm, tặng quà, khám bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bà con nghèo. Vì thế mà chùa Sóc Lớn ngày càng được bà con lui tới, vui với thầy và học đạo. Những ngày lễ, Tết, vọng…, Sư Nê tổ chức các nghi lễ trang nghiêm, giúp bà con về tu học, hành trì và thực hành làm việc phước thiện trong phum sóc với nhau.

sune-3.jpg

Bà con nghèo người dân tộc Kherme được chăm sóc sức khỏe

Chỉ mới gần 10 tháng trú xứ tại chùa Sóc Lớn nhưng tình cảm của bà con nghèo ở đây đối với Sư Nê thật sự sâu sắc và xúc động. Ông Lâm Roi thán phục: "Sư Nê còn trẻ, học nhiều mà chịu về đây giúp chúng tôi thì thật là hiếm thấy. Trước đây cũng có vài vị Tăng về đây nhưng rồi cũng không trụ nổi. Sư Nê ở luôn với chúng tôi thì thích lắm, ai cũng thương sư Nê chịu khó, giỏi giang và quyết tâm cao. Sư Nê thương Phật, thương chúng tôi nên Sư đã nói là Sư sẽ làm, chúng tôi rất phục".

Nhìn 30 chú tiểu vốn là những trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn được gia đình gởi vào chùa và được Sư Nê chăm sóc, cho đi học tại các lớp chính quy và tận tay Sư Nê chỉ dạy tử tế mới thấy hết sự tận tụy của một vị sư trẻ. Em nào cũng ngoan và biết nghe lời. Sư Nê cho biết: "30 chú là 30 kiểu nghịch ngợm khác nhau, tôi phải dùng mọi cách để áp dụng cho từng đứa một, thương cũng có lúc cho roi cho vọt mà. Đau đầu lắm, nhưng rồi đứa nào cũng có sự biến chuyển tốt, biết nghe lời, chăm tu và chăm học".

Dù là khoảng thời gian còn ngắn ngủi, thử thách phía trước còn nhiều nhưng những gì mà Sư Nê đã làm cho những người dân tộc quanh ngôi chùa nhỏ này là một nỗ lực rất lớn của bản thân. Những ngày khó khăn nhất của Sư Nê cũng đã trôi qua với sự tận tâm và lòng nhiệt thành. Ánh sáng từ bi cũng đã thấm đẫm ở một ngôi chùa quê rêu phủ. Ở đó, chúng tôi tin vẫn còn nhiều tấm lòng sẽ đến cùng với Sư Nê tiếp tục giúp bà con nghèo có điều kiện để tiếp xúc và hòa nhập vào cộng đồng. 

Bài, ảnh H.Diệu (Giác Ngộ)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch