Du lịch Tâm linh
Trục du lịch tâm linh “hội tụ kỷ lục”
29/11/2013 20:06 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hồ Tam Chúc thuộc huyện Kim Bảng (Hà Nam) có diện tích mặt nước rộng lớn tới 545ha, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ kỳ vĩ, ba mặt được bao bọc bởi dãy núi Thất Tinh hình tay ngai, dưới hồ có 6 ngọn núi đá mọc lên từ mặt nước. 

Một góc hồ Tam Chúc.

Với lợi thế địa hình thiên nhiên độc đáo, Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao được quy hoạch để trở thành một trọng điểm du lịch tâm linh. Một con đường nối thẳng từ Hương Sơn (Hà Nội) qua Tam Chúc đến Bái Đính (Ninh Bình) sẽ hình thành trong nay mai, kéo ngắn khoảng cách từ chùa Hương đi Bái Đính chỉ còn hơn 20km, để kết nối 3 khu du lịch tâm linh lớn nhất miền Bắc thành một trục du lịch mới.

Thêm một khu du lịch tâm linh lớn

Từ thị xã Phủ Lý, chúng tôi theo đường 21 đi khoảng 12km thì đến một vùng non nước bao la, bát ngát. Hồ Tam Chúc rộng hơn cả hồ Tây ở Hà Nội, diện tích tới 545ha (hồ Tây hơn 500ha). Nơi đây là vùng ngập nước núi đá vôi rất độc đáo, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, được bao phủ bởi truyền thuyết “Tiền Lục nhạc, hậu Thất tinh” tạo ra vẻ đẹp huyền bí. Trong lòng hồ có 6 quả núi giống hình cái chuông và xung quanh có 7 ngọn núi cao ứng với 7 ngôi sao sáng, là hình ảnh độc đáo của khu vực mà không nơi nào có được.

Tam Chúc nằm trong vùng in đậm nhiều dấu ấn di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: động Vòng, động Cô Đôi, chùa Thiên Phúc, chùa Bà Đanh, đền Lý Thường Kiệt, chùa Thi, Động Thủy, động Lim, động Đề Yêm, động Chùa, đền Lê Chân, chùa Ông, chùa Tam Giáo, chùa Kiêu, chùa Vân Mộng. Bên cạnh đó, Khu du lịch Tam Chúc còn nằm liền kề Khu du lịch chùa Hương Tích, chùa Tuyết Sơn, chùa Bảo Đài, chùa Cái và các di tích danh lam thắng cảnh khác của Hà Nội.

Những hạng mục đầu tiên của khu du lịch trọng điểm lớn nhất tỉnh Hà Nam đang bắt đầu được xây dựng tại Tam Chúc. Chúng tôi đi theo con đường mòn lên sườn núi Thất Tinh, chiêm ngưỡng một pho tượng Phật khổng lồ vừa mới được đúc tạo ngự sừng sững. 

Tam chuc 2.jpg

Pho tượng Phật khổng lồ ở Tam Chúc - Ba Sao (nặng 200 tấn)

Được biết, pho tượng Phật này nặng tới 200 tấn, và ngay khi vừa đúc tạo xong đã trở thành pho tượng bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á hiện nay, vượt kỷ lục của pho tượng Thích Ca 100 tấn ở chùa Bái Đính. Chỗ này trong thời gian tới sẽ hiện diện một ngôi chùa to lớn, với những ngọn tháp cao 150m, cùng nhiều hạng mục du lịch hoành tráng, được kỳ vọng sẽ thu hút lượng khách du lịch, vãn cảnh đông không kém gì Bái Đính.

Trong một lần gặp gỡ ông Đỗ Văn Hiến, Phó Chánh Văn phòng của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam, ông cho chúng tôi biết, quy hoạch Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao được UBND tỉnh phê duyệt với tổng diện tích 5.100ha, nằm trên địa bàn 2 xã Khả Phong và Ba Sao, mục tiêu thu hút 5,4 triệu lượt khách mỗi năm, ngày đông nhất có thể 3 vạn người (vào 3 tháng mùa xuân).

Điểm nhấn của dự án Tam Chúc là khu tâm linh được quy hoạch trên diện tích 146,15 ha trên sườn núi phía Tây. Trong đó, mặt bằng xây dựng chùa Ba Sao rộng 43,9ha, sẽ xây dựng các tòa tháp (gồm 1 tháp cao 150m, 2 tháp cao 100m bố trí đăng đối), nhà ăn chay, nội viện, tam quan ngoại, sân vườn, cây xanh, thảm cỏ theo bố cục đăng đối. Tổ chức đảm bảo không gian để Tăng Ni và nhân dân thập phương về dự lễ khai hội thường niên. Nơi đây địa thế cao, trên 40m so với mặt hồ, đặt khu du lịch tâm linh rất hợp phong thủy và phù hợp cảnh quan. 

Phía sau chùa Ba Sao dựa lưng vào dãy núi đá cao, phía trước là hồ nước mênh mông rộng lớn. Phần diện tích đất còn lại là triền đồi, núi thoải sẽ trồng cây xanh và vườn mơ bao khu vực chùa. Các Khu du lịch động Cô Đôi và chùa Thiên Phúc ở gần đó sẽ được trùng tu, tôn tạo và hoàn thành các công trình phụ trợ, bảo tồn các giá trị cảnh quan phù hợp với công trình di tích cổ.

Không gian mặt nước hồ Tam Chúc sẽ hình thành khu du lịch thắng cảnh 6 hòn Lục nhạc và tổ chức bơi thuyền lướt ván trên hồ. 

Sáu quả núi nổi lên trong hồ được ví như những quả chuông đều sẽ được xây chùa từng núi, đồng thời  xây dựng chòi ngắm cảnh và các bậc thang lên núi. Trên các quả núi bố trí chiếu sáng để tạo các đốm sao về ban đêm. Xung quanh hồ sẽ thiết kế dải trồng cây xanh với chiều rộng 100m, những đường đi dạo giữa cây xanh tạo thành một công viên khổng lồ bao quanh hồ. Khu bảo tồn di tích, rừng và cảnh quan thiên nhiên cũng đã được quy hoạch với diện tích 2.414, 5ha trên các đồi núi của dãy núi tay ngai. 

Nơi đây có các hang động và các di tích lịch sử cần được bảo tồn. Sẽ xây dựng tuyến cáp treo (công suất vận chuyển 720 khách/giờ) trên sườn núi Thất Tinh đưa du khách lên đỉnh núi cao nhất để chiêm bái chùa Phật và ngắm cảnh. Đồng thời sẽ xây dựng các tuyến xe ngựa phục vụ khách du lịch sinh thái rộng 7m; tuyến đi bộ ngắm cảnh rải sỏi, lát đá rộng 9m.

Khu trung tâm đón tiếp du khách được quy hoạch xây dựng ở phía Đông hồ Tam Chúc, để hình thành trung tâm dịch vụ trên diện tích 143,62ha. Tại đây sẽ xây dựng các nhà đón tiếp du khách, quảng trường, đài phun nước,  nhà bảo tàng, nhà hội nghị hội thảo, nhà hát ngoài trời, các nhà hàng ăn uống, bán hàng lưu niệm, bãi đỗ xe. Các dịch vụ nghỉ dưỡng cũng sẽ hoàn thành, với một khách sạn 5 sao, nhiều khách sạn 2-3 sao, cùng hệ thống rất nhiều nhà nghỉ đại trà với kiểu nhà nghỉ trang trại, nghỉ lều hoặc nghỉ với dân. 

Kết nối chùa Hương- Tam Chúc - Bái Đính

Khu du lịch hồ Tam Chúc có vị trí giao thông vô cùng thuận lợi, cách thị xã Phủ Lý khoảng 12km trên tuyến Quốc lộ 21A, lại tiếp giáp với Hòa Bình và điều đặc biệt là chỉ cách Khu du lịch Hương Sơn (thuộc Hà Nội) khoảng 3km đường leo núi. Được biết dự án Khu du lịch Tam Chúc là một trong những kế hoạch phát triển đầy tiềm năng, là gạch nối giữa Khu du lịch Chùa Hương với khu du lịch Vân Long, Hoa Lư, Tam Cốc Bích Động… tạo thành một quần thể các khu du lịch sinh thái vùng ngập nước.

suoiyen_chuahuong.jpg

Đường về chùa Hương

Liên kết phát triển tuyến du lịch chùa Hương (Hà Nội) - Tam Chúc (Hà Nam) - Bái Đính (Ninh Bình) là ý tưởng đã được Tổng cục Du lịch và các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình lên kế hoạch thực hiện.   

Ba điểm đến trong “trục du lịch tâm linh” có nhiều điều kiện thuận lợi về mặt địa lý và đều có tiềm năng phát triển du lịch. Một con đường thẳng nối từ chùa Hương sang Tam Chúc rồi đi thẳng đến Bái Đính đã được quy hoạch xây dựng, chỉ dài có hơn 20km. 

Trong tương lai, khi tuyến đường này hoàn thành, sẽ rút ngắn đoạn đường từ nội đô Hà Nội qua Hà Nam tới Ninh Bình chỉ còn 67km, giảm được 25km so với hiện nay nếu đi theo Quốc lộ 1. Đồng thời sẽ biến chùa Hương - Tam Chúc - Bái Đính trở thành tuyến du lịch tâm linh lớn nhất cả nước, hội đủ những kỷ lục của 2 ngôi chùa lớn nhất nước là chùa Bái Đính và chùa Ba Sao.

Tuy nhiên, một số người băn khoăn, chùa Bái Đính và Khu du lịch Tam Chúc, theo quy hoạch, nếu chỉ thu hút khách du lịch bởi yếu tố bề thế, tráng lệ với những kỷ lục “lớn nhất”, “độc đáo nhất” về tượng pháp, tháp và các công trình kiến trúc Phật giáo sẽ khó tránh khỏi tình trạng phát triển “nóng”, đồng thời cũng có thể sẽ phải đối mặt với khó khăn từ việc du khách chuyển sự quan tâm tới điểm đến khác có tượng lớn hơn, tháp cao hơn! 

Các chuyên gia cũng cho rằng, ngoài những yếu tố nêu trên, hiện nay việc quản lý tại các địa phương cũng còn phải nỗ lực nhiều để ngăn chặn tình trạng mất trật tự, chèo kéo, đeo bám và “chặt chém” du khách. Chưa kể đến hệ thống thông tin du lịch, thuyết minh viên còn yếu, các công trình phục vụ nhu cầu thiết yếu của du khách còn thiếu... Những yếu tố đó cần được khắc phục triệt để, đồng bộ để xây dựng nên những điểm đến tốt. 

Có như vậy, việc hiện thực hóa tuyến du lịch tâm linh chùa Hương - Tam Chúc - Bái Đính mới thành công.

Chương Phượng

Theo Giác Ngộ

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch