Nghệ thuật sống
Con không trốn chạy khổ đau
23/09/2014 10:22 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

      Đã hằng hà sa số kiếp rồi ta vẫn mãi trôi lăn trong vòng luẩn quẩn của luân hồi sinh tử khổ đau. Bị vô minh che lấp nên ta không thấy được đâu là sự thật về khổ, đâu là nguyên nhân dẫn đến khổ, khổ đau có thể chấm dứt hoàn toàn không dư sót và con đường dẫn ta đi đến bến bờ của giải thoát.

     Con đường của giác ngộ là con đường tầm cầu và hành trì Tứ Diệu Đế. Đây là bốn chân lý vi diệu được Phật Thích Ca ,bậc thầy của loài trời và loài người, đã thấu hiểu sâu sắc và dạy cho chúng sanh hiểu về tứ thánh đế.

      Cách đây hơn 2500 năm, vị thái tử Tất Đạt Đa, con của vua Tịnh Phạn, khi du hành thị sát quanh kinh thành đã chứng kiến những khổ đau của cuộc đời. Ai sanh ra cũng đều phải già, phải bệnh và phải chết. Cho dù là dân thường hay hoàng tộc cũng đều phải như thế. Cuộc đời người rất ngắn ngủi, chưa tới một trăm năm, cho dù hơn một trăm năm cũng không sao mà khỏi chết được. Hằng hà sa số bệnh, và không ai là không bị bệnh cả. Ai rồi cũng già nua, ốm yếu, gầy gò và cuối cùng là trở về với mồ sâu. Thấy vậy cho nên vị thái tử luôn mang trong mình một khao khát tầm cầu sự giải thoát. Chàng đã âm thầm ra đi tìm chân lý, để lại phía sau danh vọng bậc nhất, tài sản bậc nhất, vợ đẹp, con thơ, chàng nhất định ra đi cho đến khi khám phá ra sự thật vi diệu.

       Sau lối tu khổ hạnh ép xác, ép tâm nhưng không dẫn đến kết quả có thể chấm dứt khổ đau, chàng đã rời bỏ lối tu khổ hạnh. Ngồi dưới cội bồ đề, chàng phát nguyện mạnh mẽ: “Hôm nay tôi vì chúng sanh đau khổ nguyện ngồi dưới gốc cây này cho đến khi chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nếu chưa được toại nguyện thì dù tan xương nát thịt quyết không đứng lên”. Sau 49 ngày kiên trì thực tập, cộng với sự hun đúc phước báu của hằng hà sa số kiếp trước, ngài đã đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nhờ trí tuệ vượt lên trên tam giới ngài đã thấu rõ về Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế. Suốt cuộc đời còn lại của mình, Phật đã dành hết để dạy cho chúng sanh biết về tứ diệu đế và các phương tiện đi đến con đường giải thoát chấm dứt hoàn toàn sinh tử luân hồi. Có bao nhiêu tài sản Phật đều chia sẻ hết cho chúng sanh mà không che giấu một điều gì, tài sản của thánh đế, tài sản của sự giải thoát mà không một tài sản nào trong thế gian có thể sánh bằng. Cho đến hơi thở cuối cùng, Phật cũng vì chúng sanh mà độ thêm một vị sa môn đi theo con đường của chánh pháp.

      Sự thật đầu tiên là chân lý về Khổ : “Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.”  Các pháp thế gian đều bị sự chi phối , đàn áp của vô thường. Cái gì sanh ra rồi cũng sẽ không còn nữa . Các pháp đều vô thường, thành trụ hoại không, không có ngã nào riêng biệt gọi là ta cả, nếu có ngã riêng biệt thì ta sẽ không già, không bệnh và chết, không bị chi phối bởi sanh diệt, vô thường. Người đời còn vô minh che lấp nên sự thật về khổ chưa hiểu được sâu sắc, và đầy đủ. Ví như hoàn cảnh khó khăn, hay không hợp với ý người thì người cho là khổ. Còn nếu cuộc sống sung túc, dư dả thì người đắm chìm và không thấy được sự biến hoại có thể dẫn đến khổ đau. Nếu sự giàu sang không vô thường thì sao lại có tỷ phú phá sản, qua một đêm đã trở về bàn tay trắng. Nếu không có vô thường thì người nghèo sẽ nghèo mãi. Cái người đời cho là hạnh phúc không bền vững, chỉ lát nữa đây nó chấm dứt thì phiền não, khổ đau lại biểu hiện.

       Sự thật thứ hai là chân lý về nguyên nhân dẫn đến khổ đau, “Chính là ái này đưa đến tái sanh, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái. Này các Tỷ-kheo, đây là Thánh Đế về Nguồn Gốc của Khổ.” Nguồn gốc của Tập đế là vô minh, tham ái, chấp thủ, hành uẩn và nghiệp. Đi đầu của nguồn gốc khổ đau là vô minh. Vì ta không nhìn thấy sự thật của các pháp nên ta có tri giác sai lầm về các pháp. Các pháp vô thường biến hoại sinh diệt liên tục, không có pháp nào có tự tính riêng biệt nên các pháp vô ngã, các pháp là sự biểu hiện của nhân duyên, pháp này sanh vì pháp kia sanh, pháp này diệt vì pháp kia diệt, vạn vật nương tựa nhau mà sanh khởi, hoại diệt, không có pháp nào có tướng riêng biệt nên vô tướng, các pháp vượt thoát mọi nắm bắt, mọi ý niệm nên không thể tác động hay diễn tả được. Ta đặt cho hợp tướng như thế này gọi là cây, hợp tướng như thế này là cái nhà, cái xe, cái này như vầy là đẹp, là xấu, cái này đang biểu hiện là còn, hết biểu hiện là mất… Hằng hà sa số ý niệm được đặt ra vì ta còn kẹt vào cái ta thấy, ta nghe, ta nếm, ta ngửi, ta xúc chạm, ta tác ý. Vì vô minh không thấy thật tướng của các pháp nên ta sanh lòng luyến ái, chấp thủ và tham cầu. Nghiệp vì thế còn sanh khởi nên ta còn tạo nhân sanh ra quả tái sanh nên cứ mãi đắm chìm trong luân hồi sanh tử.

       Sự thật thứ ba là Diệt đế. Khổ đau hoàn toàn có thể được diệt tận. Các nhân cho quả tái sanh không còn phát khởi, đi giữa thế gian nhưng không nhiễm đắm các pháp của thế gian. Thấy được thật tướng của các pháp ta buông bỏ hoàn toàn những tham ái, dính mắc và tham cầu. Các pháp vượt thoát mọi ý niệm và nắm bắt, không thể thay đổi tính vô thường và tác động thì có gì là vô ngã, vô tướng, vô thường, vô tác nữa. Ta thấy cái vô thường, vô ngã, vô tướng để buông bỏ, đối trị các tâm độc tham, sân, si, mạn, nghi, kiến, buông bỏ năm dục của thế gian, buông bỏ những vô minh, tà kiến bấy lâu nay của mình. Nhưng đến cái vô thường, vô ngã, vô tác ta cũng phải buông bỏ vì không thể dùng ý niệm mà nắm bắt các pháp được, chúng chỉ là dòng chảy của nhân duyên mà thôi.

      Ví như trời đang mưa ta bắt ngừng mưa đâu có được, hay là mưa nhiều nữa, lâu nữa đi cũng đâu có được. Mưa là cái tên ta đặt cho hợp tướng chất lỏng, nước. Mây cũng là tướng của nước, biển cũng là tướng của nước, sóng cũng là tướng của nước. Gặp thời tiết nóng nước bóc hơi thành mây, mây gặp lạnh thì đổ mưa, nước mưa lại quay về với đất và trôi ra sông, ra biển. Vòng biến chuyển của nhân duyên ta không thể tác động. Nhân duyên đã không thể nắm bắt thì ngã hay vô ngã, thường hay vô thường cũng chỉ là ý niệm ta đặt ra cho các pháp mà thôi. Vượt thắng mọi ý niệm, vô minh, tham ái, ta tiếp xúc được sự bình yên của thực tại. Ví như nhà cửa hôm nay không bụi bẩn ta cho là sạch sẽ, ngày mai bụi bẩn thì ta cho nó là dơ. Bụi bẩn bản thân nó đâu có muốn nó dơ hay sạch, nó chỉ là sự luân chuyển của nhân duyên mà thôi. Tại vì ta đặt ra ý niệm nên ta sanh ra sự phân biệt. Buông bỏ hoàn toàn ý niệm, ta quay trở về với tự tính thanh tịnh, bình yên của các pháp.

     Sự thật thứ tư là con đường đưa đến Khổ diệt: “Chính là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định”. Đây chính là tam học Giới, Định, Tuệ. Thực tập giữ Giới giúp ta tránh khỏi các nguyên nhân dẫn đến các đường ác đạo, người biết giữ giới là người biết đem lại sự bình an, hạnh phúc cho mình. Người sợ các quả do các nhân của việc phạm giới gây ra nên người nguyện giữ giới và luôn giữ cho thân tâm trong sạch. Ví như biết việc ngoại tình dẫn đến tan cửa nát nhà, con xa cha mẹ, vợ mất chồng nên người nguyện giữ giới bảo vệ tiết hạnh. Hay uống rượu bia làm ta mất tự chủ, về nhà đánh vợ, đánh con, hay đoạt cả sanh mạng người khác, rượu làm hư hoại gan, ảnh hưởng sức khỏe nên người nguyện giữ giới bảo vệ và nuôi dưỡng thân tâm. Biết tác hại của việc nếu mình làm như thế thì mình đừng có nên làm vậy, mặc nhiên làm thì khi hậu quả phát khởi thì hối hận cũng không kịp. Việc giữ giới không phải là ta ép buộc thân tâm ta phải theo một khuôn khổ, quy tắc mà ta thấy được lợi lạc do việc giữ giới mang lại nên ta nguyện ra sức mà hành trì và gìn giữ.

      Chánh niệm, chánh định, chánh tin tấn là tam học về Định. Chánh niệm là nhận diện đơn thuần sắc pháp và danh pháp mà không đặt vào bất cứ một ý niệm nào. Chánh niệm không chỉ giờ công phu mà chánh niệm 24/7. Phật cao một trượng, ma cao muôn trượng, đó là lý do tại sao ta thường nằm trong vùng bị thất niệm. Đã hằng hà sa số kiếp rồi ta chìm đắm trong tham ái, vô minh nên nội kết sâu dày, ta chỉ muốn được hưởng thụ, được thỏa mãn dục lạc mà không muốn buông bỏ, xả ly. Nghiệp sâu dày nên nó kéo ta đi ra khỏi vùng của chánh niệm. Khổ đau được thành tựu là thức ăn của Ma, nên Ma rất thích thú khi ta tạo nên nhân đưa đến quả khổ đau. Hành trì chánh pháp, ta phải có chánh tinh tấn. Tinh tấn mà hành trì 24/7, hành trì cho đến hơi thở cuối cùng. Chánh tinh tấn và chánh định phát khởi và có mặt từ khi ta bắt đầu có chánh niệm. Chánh niệm càng miên mật thì chánh tin tấn và chánh định càng biểu hiện rõ hơn và vững chãi hơn.

     Chánh tri kiến và chánh tư duy là tam học về Tuệ. Khi chánh niệm nhận diện về pháp, quán sát các pháp thì trí tuệ thấu hiểu chân tướng của các pháp cũng biểu hiện. Ta tiếp xúc được thật tướng của các pháp và quán chiếu về chân lý của tứ diệu đế. Cái thấy của trí tuệ giúp ta buông bỏ sự vô minh, tham ái bấy lâu, sáu tâm cực độc dẫn đến khổ đau là tham, sân, si, mạn, nghi, kiến được nhận diện và chuyển hóa cho đến khi không còn phát khởi nữa. Người tu không bịt mắt, bịt tai, hay như một con tằm chui vào kén trốn tránh. Người tu phải tự mình đi thẳng vào khổ đau, nhận diện và chuyển hóa khổ đau. Khổ đau nếu đè nén và trốn tránh thì khổ đau vẫn còn đó, và khi đủ nhân duyên nó lại phát khởi. Ở đời đau khổ quá ,ta chạy vào chùa. Vào chùa nhưng không lo tu, không buông bỏ các tâm bất thiện thì đến lúc nào đó lại thấy cái chùa cũng không đem đến bình an cho mình. Bởi vì khổ đau là ở ngay trong tâm, mình phải tự tu và tự chuyển hóa. Không ai tu dùm mình mà mình giải thoát được.

     Vậy nên cực lạc, niết bàn là ngay tại đây, ngay tại nơi này, biểu hiện 24/7. Nó là tự tính trong sạch, vắng lặng của tâm. Khi các nhân của sự tái sanh không còn biểu hiện thì ta không còn chìm đắm trong sanh tử nữa. Khổ đau phát khởi từ tâm , nên muốn chấm dứt nguồn gốc khổ đau thì ta phải dấn thân và thực tập buông bỏ. Sự trốn chạy từ Địa cầu đến cõi Cực Lạc không phải là con đường giải thoát, mà phải tự mình thực tập chánh pháp, bát chánh đạo, tứ diệu đế cho đến khi đạt quả vị giải thoát. Chánh pháp không phải là Niết Bàn, chánh pháp là con thuyền đưa đến Niết Bàn. Tiếp xúc chánh pháp thì Niết Bàn cũng đã bắt đầu biểu hiện nhưng ta phải chèo lái con thuyền chánh pháp cho đến bờ Niết Bàn.

     Phật Thích Ca đã bố thí và tu tập hằng hà sa số kiếp để rồi kiếp này thành đạo để cứu độ chúng sanh. Vì chúng sanh đau khổ mà hằng hà sa số Phật thề nguyện thành để cứu chúng sanh. Vậy nên được phước báu tiếp xúc chánh pháp mà ta không thực tập thì tội cho Phật lắm. Các vị A La Hán, các tổ, các thầy thực tập và duy trì chánh pháp để bảo tồn đến đời con cháu về sau. Nay ta học Phật pháp cũng được nhờ ơn của các vị tổ sư, thầy. Các bậc chân tu đều vì chúng sanh mà hoằng hóa phật pháp, ta không mau tu đi thôi. Cho dù về sau khi đức Phật Di Lạc thành đạo, hay hằng ha sa số Phật trong mười phương thành đạo thì các đức Phật cũng dạy về sự thật Tứ diệu đế, bát chánh đạo, mười hai nhân duyên, hằng hà sa số các phương tiện để chuyển hóa khổ đau. Nay có phước báu khi chánh pháp còn ta hãy mau thọ trì và thực tập. Chờ đến khi đức Phật Di Lạc ra đời thì lâu lắm.

An Long Minh http://sachminhthanh.wordpress.com/ Theo Phật Pháp Ứng Dụng

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch