Nghệ thuật sống
Tiêu diệt "Stress" bằng triết lí "Nhẫn"
02/12/2013 08:32 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong cuộc sống thường nhật, vui vẻ an lạc, tinh thần thoải mái luôn là một mong ước lớn lao nhất của con người. Tuy nhiên, trên thực tế, có những sự việc ngoài ý muốn hoặc bản thân tự tạo ra, gây bực bội, nóng giận trong lòng. Đôi khi vì không biết cách hóa giải nó nên thể hiện ra bằng hành động tiêu cực mà sau đó khiến chúng ta phải hối hận. Đó cũng là một dạng “khó chịu tâm hồn” theo quan niệm người hiện đại gọi là stress.

Nhẫn nhục là gì?

Trong giáo lý nhà Phật, “nhẫn” (hay “nhẫn nhục”) là một trong sáu cách tu để vượt qua bể khổ trần gian, ý nghĩa của nó nhằm chỉ sự tu dưỡng khiến bản thân và những người xung quanh đều đạt được sự thanh tịnh, yên ổn trong tâm hồn. Nếu một người không biết nhẫn nhục thì sẽ khiến bản thân và người xung quanh không đạt được trạng thái yên ổn. Có thể nói như vậy là do giáo lý nhà Phật tin rằng người không biết nhẫn nhục thì cái tâm “sân” (nóng giận hay tức giận), hận thù sẽ rất nặng. Khi tức giận và hận thù ngự trị thì trong lời nói, trong suy nghĩ, trong hành vi đều sẽ làm tổn thương đến người khác. Nhiều người do không nhận thức hết được triết lý chữ “nhẫn” trong giáo lý nhà Phật nên nhầm hiểu rằng: Nhẫn nhục chỉ là sự đè nén tức giận xuống một cách thông thường, là một biểu hiện của sự bất lực, nhu nhược, cam chịu, chấp nhận định mệnh. Vì vậy, nhiều người thà chết chứ không chịu nhục. Thế nên, đôi khi chỉ vì một va chạm giao thông nhỏ, một lời nói thiếu lịch sự, một ánh mắt thiếu thiện cảm, tranh chấp nhỏ trong gia đình… mà dẫn đến cãi vã, xúc phạm, thậm chí động chân động tay gây án mạng đau lòng hoặc gia đình tan vỡ, người trong nhà không nhìn mặt nhau… Những hành động và hậu quả trên đều là do sự tức giận, không biết cách nhẫn nhục mà ra cả. Tuy vậy, để hiểu và thực hiện được triết lý trong chữ “nhẫn” lại không hề đơn giản.

Vì vậy trong giáo lý nhà Phật mới nói: “Không có cái nhân nào gây ra cái nghiệp tội lỗi nặng hơn cái nhân nóng giận và hận thù, không có việc tu hành nào khó hơn là nhẫn nhục”. Hay “nhất niệm sân tâm khởi, bát vạn chướng môn khai”, do nóng giận được coi là ngọn lửa nghiệp chướng, nên mỗi khi phát tán ngọn lửa sẽ lập tức bùng lên, thiêu đốt tất cả. Mọi tội ác ngôn hành đều từ đó mà sinh ra, tức tự mở cánh cửa nghiệp chướng cho bản thân. Khi nóng giận có thể phạm tội ác tày trời, vi phạm quốc pháp nhân tình, tạo ra ác nghiệp. Vì vậy Phật mới nói: “Nóng giận là ngọn lửa trong lòng, có thể thiêu đốt cả rừng công đức”. Trong mỗi con người luôn tiềm ẩn, tồn tại cái tâm “sân”-nóng giận, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào khi gặp điều kiện thích hợp. Do đó, mỗi khi cơn nóng giận xuất hiện, chúng ta phải sử dụng lực “nhẫn” lớn nhất không để nó hoành hành. Ở đây, nóng giận là một trong những yếu tố gây đau khổ, nhẫn nhục là cách hóa giải, vượt qua những đau khổ ấy.

Với ý nghĩa trên, có thể hiểu rằng “nhẫn” trong giáo lý nhà Phật là dùng để đối trị với trạng thái tâm lý “tức giận” hay “sân”, là cách hóa giải nó tạo cho mình sự thanh thản, tự tại. Diễn giải một cách dễ hiểu nhất, nếu coi tức giận là một “căn bệnh” dễ phát tác thì “nhẫn” là một liều thuốc giải, một liệu pháp tâm lý hữu hiệu cho căn bệnh ấy. Nhưng tác dụng của liều thuốc giải tốt hay xấu, có triệt được tận gốc căn bệnh hay không lại nhờ vào việc sử dụng đúng cách các vị thuốc cần thiết.

Trong giáo lý nhà Phật, tức giận được chia làm ba loại là “thân” (thân thể), “khẩu” (lời nói) và “ý” (ý nghĩa). Về thân thể con người không muốn phải chịu đau đớn, bất kể sự đau đớn đó là do tự nhiên hay con người gây ra. Về ý nghĩ, chúng ta đều không muốn bị người khác khinh thường, muốn được người khác tôn trọng và yêu thương. Về lời nói, chúng ta đều không thích nghe những lời nói thô bỉ mang tính xúc phạm… Cũng có nhiều người trước mặt thì rất tốt, nói những lời nói hoàn toàn bình thường. Nhưng sau lưng lại nói những điều không tốt hòng tác động người khác suy nghĩ không tốt về một người nào đó. Đồng thời, đối với bạn bè, người thân của mình chúng ta đều không muốn họ phải chịu đau khổ. Nhưng đối với kẻ thù thì hoàn toàn ngược lại, chúng ta luôn hy vọng họ phải chịu đau khổ và bị trừng phạt. Những điều vừa nói trên đều là biểu hiện của sự tức giận cần phải hóa giải (dùng nhẫn) mới đem lại tinh thần vui vẻ thoải mái.

Tức giận, kẻ thù của sức khỏe

Theo giáo lý nhà Phật, tức giận là một kiểu phiền não, nó không có lợi cho con người, sẽ đem đến đau khổ và làm người ta mất đi sự yên định trong tâm hồn.

Có thể nói như vậy vì trong giáo lý nhà Phật cho rằng tức giận vốn dĩ đã là mặt trái, là cái xấu, nếu sử dụng tức giận để cải thiện hoặc thay đổi hoàn cảnh bi đát trong hiện tại tức là lấy cái tiêu cực để cải thiện cái tiêu cực. Như vậy không phải là một phương pháp đúng đắn. Theo quan niệm nhà Phật, tức giận mang lại rất nhiều hệ quả xấu, như những điều tốt đẹp chúng ta xây dựng trước đó, đôi khi chỉ vì một lần tức giận mà bị xóa sạch. Nhà Phật gọi đó là “thiện căn”. Tức giận khiến tâm hồn không được vui vẻ thoải mái. Chắn chắc trong cuộc sống mỗi người đều đã trải qua những cơn nóng giận và đều có thể cảm nhận được điều này. Cho dù là người thường xuyên giúp đỡ người khác, nhưng vì thường xuyên nóng giận thì đôi khi cũng không tránh khỏi bị người khác xa lánh, thậm chí lấy oán báo ân.

Tuy chúng ta đều biết tức giận là không tốt nên đôi khi muốn đối phó với nó, tức cần phải có nhẫn để tránh làm tổn thương người khác, cũng là làm lợi cho mình. Nhưng “nhẫn” như thế nào mới đúng cách? Nhiều người cố đè nén cảm giác tức giận vào trong lòng và cho rằng như vậy là đã “nhẫn” rồi. Nhưng đây thực chất lại là cách “nhẫn” chưa đúng cách.

Nhiều kết quả nghiên cứu cho rằng, kìm nén tức giận cũng có mặt trái của nó, gây tác hại không kém gì so với việc thể hiện tức giận ra ngoài. Kìm nén có thể làm tổn hại đến sức khỏe, tạo ra sự tấn công thụ động, đánh mất bản thân, vi phạm nguyên tắc sống, tổn hại đến công bằng xã hội… Ngoài ra, việc kìm nén khiến ta không thể hoặc không muốn biểu lộ sự tức giận sẽ dễ dẫn đến bệnh cao huyết áp. Trong các mối quan hệ thân thiết cũng không được tín nhiệm cao.

Có thể thấy, việc biểu lộ sự tức giận ra ngoài hay kìm nén nó vào bên trong đều có hại, vì thực chất cách chúng ta vẫn thường làm là nén tức giận xuống nên nó vẫn tồn tại chứ chưa thực sự được hóa giải, chưa tiêu tan. Trường hợp này tương đối nguy hại do nó giống như quả bom nổ chậm, do có thể kìm nén lâu ngày không được giải tỏa, lúc gặp duyên đến tức điều kiện chín muồi thì sức công phá càng lớn, mức độ sát thương càng mãnh liệt hơn.

Vì vậy dễ thấy nhiều trường hợp cho rằng mình đã nhẫn nhịn nhưng các mối quan hệ vẫn không được cải thiện. Thực chất “nhẫn” nhưng trong lòng chưa hóa giải được tức giận thì đó chưa phải là nhẫn, ngược lại tức giận sẽ được thể hiện ra ngoài theo nhiều cách, một trong những cách đó là “chiến tranh lạnh”. Tức khi bạn không ưa thích một ai đó, hoặc người đó trước đây xúc phạm đến mình, nay người đó đến hỏi bạn nhưng thái độ của bạn lại rất lạnh nhạt, thờ ơ, khinh khỉnh khiến người đó rất khó chịu nhưng không thể nói được ra. Ở đây có thể hiểu bạn đang dùng sự lạnh nhạt để tấn công người đó chứ không phải đang thực hiện chữ “nhẫn”. Nếu đối phương cũng sử dụng loại vũ khí này thì hy vọng cải thiện mối quan hệ gần như bằng không.

Chính vì vậy, để giảm bớt tác hại do sự tức giận gây ra, người xưa dạy rằng “một điều nhịn là chín điều lành”, hoặc “chữ nhẫn là chữ tương vàng, ai mà nhẫn được thì càng sống lâu”. Trong giáo lý nhà Phật, “nhịn” hay “nhẫn” được gọi là “nhẫn nhục”, thực chất nó là một phương pháp làm chủ bản thân (yếu tố bên trong) và ứng xử với tác động từ bên ngoài (yếu tố bên ngoài); tức hóa giải những yếu tố tiêu cực (nóng giận, bực tức, thù hận…) kẻ thù của tâm hồn. Từ đó hướng tới tích cực, tạo cho mình một tinh thần thoải mái, tự tại, duy trì các mối quan hệ khiến xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.


Diệu Hồng
theo daibi.vn

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch