Pháp Luận
Những phẩm chất làm nên sự siêu việt của người tu Phật
Quảng Tánh
25/06/2011 11:47 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thọ trì tăng thượng giới học, thọ trì tăng thượng định học, thọ trì tăng thượng tuệ học. Ðây là ba hạnh Sa-môn cần phải làm. Vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học tập như sau: "Sắc bén sẽ là ước muốn chúng ta để thọ trì tăng thượng giới học...

Một thời Thế Tôn trú tạiVesàli, dạy các Tỳ-kheo:

Này các Tỳ-kheo, có ba hạnh Sa-môn cần phải làm. Thế nào là ba?

Thọ trì tăng thượng giới học, thọ trì tăng thượng định học, thọ trì tăng thượng tuệ học. Ðây là ba hạnh Sa-môn cần phải làm. Vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học tập như sau: "Sắc bén sẽ là ước muốn chúng ta để thọ trì tăng thượng giới học. Sắc bén sẽ là ước muốn chúng ta để thọ trì tăng thượng định học. Sắc bén sẽ là ước muốn chúng ta để thọ trì tăng thượng tuệ học". Như vậy, này các Tỳ-kheo, các thầy cần phải học tập.

Ví như, này các Tỳ-kheo, con lừa đi theo sau lưng đàn bò nghĩ rằng: "Ta cũng là con bò, ta cũng là con bò", nhưng nó không có màu sắc giống như con bò. Nó không có tiếng giống như con bò. Nó không có chân giống như con bò. Tuy vậy, nó vẫn đi theo đàn bò, nghĩ rằng: "Ta cũng là con bò, ta cũng là con bò". Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, ở đây Tỳ-kheo đi theo sau lưng chúng Tỳ-kheo, nghĩ rằng: "Ta cũng là Tỳ-kheo, ta cũng là Tỳ-kheo". Nhưng vị ấy không có ước muốn thọ trì tăng thượng giới học như các Tỳ-kheo khác. Vị ấy không có ước muốn thọ trì tăng thượng định học như các Tỳ-kheo khác. Vị ấy không có ước muốn thọ trì tăng thượng tuệ học như các Tỳ-kheo khác. Tuy vậy, vị ấy vẫn đi theo sau lưng chúng Tỳ-kheo, nghĩ rằng: "Ta cũng là Tỳ-kheo, ta cũng là Tỳ-kheo".

Do vậy, này các Tỳ-kheo, cần phải học tập như sau: "Sắc bén sẽ là ước muốn chúng ta để thọ trì tăng thượng giới học. Sắc bén sẽ là ước muốn chúng ta để thọ trì tăng thượng định học. Sắc bén sẽ là ước muốn chúng ta để thọ trì tăng thượng tuệ học". Như vậy, này các Tỳ-kheo, các thầy cần phải học tập.

(Kinh Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Sa-môn)

SUY NGHIỆM:

Khi Tăng đoàn ngày càng phát triển, gia tăng nhanh chóng về số lượng thì phẩm chất tịnh hạnh của Tỳ-kheo và Tăng đoàn nói chung, là điều quan yếu nhất mà Thế Tôn cùng các bậc Trưởng lão lãnh đạo Giáo hội luôn lưu tâm, bởi đó là nhân tố sống còn của mạng mạch Phật pháp.

Điều này thể hiện rất rõ ràng trong lịch sử hình thành và phát triển Tăng đoàn từ thời Thế Tôn tại thế cho đến ngày nay. Trong 12 năm đầu tiên, Tăng đoàn mới hình thành và hầu hết là những bậc Thánh thanh tịnh nên Thế Tôn cũng chưa thiết định các quy chế về giới luật. Về sau, người xuất gia ngày càng đông, tất nhiên có những người gia nhập Tăng đoàn, không vì mục tiêu giải thoát cao thượng nên hiện tượng “Con lừa đi theo đàn bò” bắt đầu xảy ra.

Thời Asoka, vị đại đế Phật tử hộ pháp nhiệt thành, chùa viện và đời sống Tăng sĩ rất sung túc nên người xuất gia vì lợi dưỡng tràn lan. May nhờ có La-hán Moggalliputta Tissa trợ duyên nên mới thiết lập được kỷ cương cho Tăng đoàn.

Phật giáo Việt Nam thời hậu Trần cũng vậy, không ít người nương theo hào quang của thiền phái Trúc Lâm (được triều đình tận lực bảo trợ) xuất gia mà không vì mục tiêu giải thoát. Tăng đoàn đông đến nỗi “Những người cắt tóc làm Tăng Ni nhiều bằng nữa dân thường” (Nguyễn Dữ-Truyền kỳ mạn lục) nhưng sau đó bị suy giảm và sụp đổ nhanh chóng. Không phải các Nho gia thời hậu Trần chủ trương bài Phật mà khiến Phật giáo suy yếu. Nguyên nhân chính là vì chướng nạn “Sư tử trùng” của Tăng đoàn thời bấy giờ.

Pháp thoại của Thế Tôn cùng những bài học lịch sử nêu trên vẫn còn nóng hổi tính thời sự với Tăng đoàn Phật giáo Việt Nam hiện nay. Những báo cáo thường niên của Giáo hội về số lượng chùa chiền được xây cất, trùng tu cũng như số lượng Tăng Ni trẻ xuất gia tu học trong và ngoài nước tăng trưởng liên tục là tín hiệu đáng mừng. Nhưng rõ ràng, không thể xem những yếu tố nặng tính hình thức đó là cơ sở cho tầm vóc Phật giáo Việt Nam hiện đại với nhiều thách thức, cụ thể là khả năng phụng hiến giải thoát, an lạc thiết thực cho đời sống dân sinh, xã hội và đất nước.

Hơn bao giờ hết, cốt tủy của sự tu học theo lời Phật dạy là thành tựu giới-định-tuệ cần phải phát huy, kiện toàn và Tăng, tín đồ Phật giáo phải xem đó là giá trị căn bản nhất. Con lừa đi theo đàn bò, cứ nghĩ mình là bò nhưng màu lông không giống, tiếng kêu cũng không đồng và chân cẵng cũng khác luôn thì lừa vẫn cứ là lừa. Thế Tôn cũng nói thẳng ra rằng, người gia nhập Tăng đoàn mà không hướng đến mục tiêu thành tựu giới học, định học và tuệ học thì cho dù tuổi tác, phẩm bậc hay chức vị gì đi nữa cũng không thể dự phần vào Sangha, nói chi đến làm hưng thịnh chánh pháp, lợi lạc quần sanh.

Do đó, giới-định-tuệ là những chuẩn tắc căn bản nhất cho phẩm hạnh và giá trị của người tu Phật. Hãy nhìn lại chính mình và nhìn vào Tăng đoàn qua lăng kính giới-định-tuệ để biết rõ mình là ai, nhằm xuất xử thuận với lý đạo, hợp với tình đời. Chỉ có giới-định-tuệ mới là những phẩm chất làm nên sự siêu việt của Tỳ-kheo. Không thể và không bao giờ nghĩ rằng mình là Tỳ-kheo, đi theo chúng Tỳ-kheo là mặc nhiên dự vào hàng Sangha, Thích tử.

Theo: DPNN

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch