Pháp Luận
Bình Đẳng Và Cấp Bực Trong Phật Giáo
Ban Biên Tập Thư Viện Hoa Sen
14/03/2012 09:48 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đức Phật triệt để chống sự phân chia giai cấp, ngài chủ trương tất cả mọi người đều bình đẳng, đều có Phật tánh. Không ai vừa sinh ra đã là người tôn quý, hoặc hạ tiện. Chỉ có công phu tu hành, chứng đắc, mới là cao hơn kẻ còn chìm đắm trong sông Mê bể Khổ.


Phật giáo đã chia ra hai loại đệ tử: Xuất gia và Tại gia. Đệ Tử Xuất gia, giữ 10 giới gọi là Sa Di, giữ 250 giới gọi là Tỳ khưu (Phái nữ giữ 348 giới gọi là Tỳ Khưu Ni.)

Đệ tử tại gia, giữ 5 giới, gọi là Ưu bà Tắc, phái nữ gọi là Ưu bà Di.

Cả hai hàng đệ tử, xuất gia và tại gia, đều có thể giữ Bồ tát giới, nếu tự nguyện thực hành Từ, Bi, Hỷ, Xả, Vô Ngã, Vị Tha, xả thân để cứu chúng sinh.

Hàng xuất gia từ giã thân quyến và thế tục, cắt tóc vào chùa, có nhiệm vụ hoằng dương Chánh Pháp, lãnh đạo tinh thần.

Hàng tại gia còn có gia đình và bổn phận đối vớI xã hội, có nhiệm vụ hộ pháp, cung cấp các nhu cầu, vật thực cho hàng xuất gia.

Mỗi bên đều có địa vị, nhiệm vụ và quyền hạn riêng biệt, không dẫm chân lên nhau mà trái lại phải kính nể, ủng hộ lẫn nhau. Đức Phật thường ví hai hàng đệ tử xuất gia và tại gia như hai cánh của con chim, có đủ cả hai thì mới hoạt động đắc lực được. Ngài nhấm mạnh tinh thần bình đẳng của hai hàng dệ tử, không phải chỉ có hàng xuất gia mới tiến tu và chứng ngộ, mà hàng tại gia cũng có những người đắc đạo như cư sĩ Duy Ma Cật, được tất cả các hàng Bồ tát, Thanh văn đều kính trọng ngợi khen.

Dĩ nhiên hàng xuất gia dễ tu, dễ chứng hơn hàng tại gia vì có đủ điều kiện thuận tiện tu hành, còn hàng tại gia thì còn nhiều chuyện ở đời phải lo: Tìm kế sinh nhai, dậy dỗ con cái, bổn phận công dân, tiếp đãi thân quyến, bạn bè, cúng dường chư Tăng… Thời gian dành cho việc tu hành đã không bao nhiêu, lại còn bị đời quyến rũ, thật khó tu hơn hàng xuất gia nhiều lắm. Do đó đã có câu:

      “Khó nhất là tu tại gia, khó nhì tu chợ, khó ba tu chùa.”

Vì đức Phật chủ trương bình đẳng nên các đệ tử của ngài đều dùng sáu chữ hồng danh: Nam Mô A Di Đà Phật để chào hỏi nhau, ví như con chùng cha, đều là anh em, không hơn không kém. Hàng xuất gia mỗi khi gặp nhau thường hỏi ai nhiều tuổi hạ ngồi trên (gọi là Thượng tọa), ai kém tuổi hạ thì ngồi dưới. Danh từ Thượng Tọa chỉ đặc biệt dành riêng để dùng cho các buổi họp, sau khi bế mạc thì không còn dùng nữa, các vị xuất gia chỉ nhận là Tỳ kheo mà thôi. Danh tử Tỳ kheo đã có đầy đủ sự cao quý của nó, qua ba định nghĩa: Khất Sĩ, Phá Ác và Bố Ma, hà tất gì không dùng, lại sử dụng những danh từ như Thượng Tọa, Đại Đức… chỉ làm tăng lòng tự cao, tự đại, mắc kẹt trong hình danh, sắc tướng của thế tục là nơi các ngài đã quyết tâm từ bỏ.

Hàng đệ tử tại gia, khi nói với hàng xuất gia, thường tôn xưng các Tỳ kheo là Thượng Tọa, Đại Đức để tỏ lòng tôn trọng, cung kính nhưng không biết rằng các hư danh đó có thể chạm lòng khiêm tốn của các vị chân tu, tránh kiêu mạn và chấp ngã. Các vị Tỳ kheo đạo cao, đức cả, với tinh thầm diệt ngã, vị tha, không ưng xưng là Thượng Tọa, Đại Đức, mà chỉ khiêm tốn nhận là Tỳ kheo mà thôi, mỗi khi nói chuyện với hàng tại gia, các ngài thường xưng là Bần Tăng, các ngài ít ký tên với các danh hiệu như Thượng Tọa, Đại Đức, chức vụ này nọ (Chủ tịch, Tổng vụ trưởng, Tiến sĩ Tổng vụ Trưởng v.v….) để diệt lòng ngã mạn, kiêu căng và cũng tránh sự ghen ghét của người đời.

Đức Phật chống cự phân chia cao thấp do gia cấp, do hệ thống cầm quyền, chống sự phân biệt chủng tộc, chống sự kiêu căn ngã mạn của những người có địa vị cao trong xã hội. Ngài chỉ chấp nhận sự hơn kém trong công phu tu hành chứng ngộ mà thôi. Trong Giáo hội của ngài có những đệ tử xuất thân từ những giới mà xã hội Ấn Độ lúc đó coi là giai cấp hạ tiện, như làm nghề hốt rác, đổ thùng, xấu xa, hèn kém; nếu những vị đó được đức Phật xác nhận là đã chứng quả A La Hán thì được ngồi trên và được các Tỳ kheo, Quốc vương, Đại thần lễ lạy, cúng dường. Trái lại, những vị xuất gia tu hành cầu danh không chứng đắc thì dù xuất thân từ giớI cao sang, quyền quý cũng phải ngồi dưới và tuân theo lời chỉ dạy của các bậc A La Hán

Về phía các đệ tử tại gia cũng vậy, một số đi chùa để mưu cầu danh lợi, chức tước, địa vị mà cuộc đời không đưa lại cho họ. Lấy cảnh chùa làm chỗ hội họp, vui chơi, mua bán, không phân biệt phải quấy, ủng hộ các vị Kiêu tăng phạm giới, không chú tâm vào việc sám hối cho bớt tội lỗI, nghiệp chướng tích lũy từ vô thỉ đến nay, không giữ giới luật, không tụng kinh trì chú cho ba nghiệp được thanh tịnh lại còn đem các mê tín dị đoan vào chùa như xin xâm, bói quẻ, lên đồng… thì thật là đã làm ô danh Phật giáo, sai lạc hẳn con đường cao quý của Đức Thế Tôn hướng về giác ngộ giải thoát.

Nếu những người có trách nhiệm lãnh đạo các hội đoàn Phật giáo mà không tự tu, tự giác, dùng bản thân làm gương mẫu cho người khác, thì hỏi làm sao còn hưóng dẫn cho người khác theo mình, nhất là giới thanh, thiếu niêm đầu óc còn trong trắng, có nhiệt tâm muốn tìm hiểu đạo Phật, nhưng không thể chấp nhận những người lãnh đạo mà không đủ tư cách.

Luật nhà Phật bình đẳng và công bằng, ai tu nấy chứng, ai chứng thì được giải thoát, không ai tu giùm người khác được. Những ai còn kẹt trong vòng danh lợi, tuy đã xuất gia nhưng chỉ mong có chùa to, tượng lớn, có địa vị quan trọng, có nhiều đệ tử cung phụng mà không chịu giữ gìn giới luật, chẳng thực hành Từ, Bi, Hỷ, Xả, Vô Ngã, Vị tha và những điều căn bản cội rễ của đạo Phật thì dù có che mắt được thế gian, sau khi mãn kiếp Ta Bà này, làm sao dám diện kiến Đức Phật là đấng Chánh Biến Tri?

Kính mong tất cả những người con Phật, dù xuất gia hay tại gia, hãy sáng suốt nhận định tính cách bình đẳng trong đạo Phật, mà tự tu, tự giác rồi giác tha, lợi tha; mỗi ngày hãy bỏ ra vài phút để tự hỏi: Ta đã làm những tội gì? Phạm giới gì? Đã tạo công đức nào? Giúp đỡ những ai…rồi thành tâm sám hối, từ bỏ các ràng buộc thế gian như tiền bạc, danh lợi, ăn ngon, ngủ ấm, sắc đẹp (Tài, Sắc, Danh, Thực, Thùy) gác ngoài tai những xưng tụng giả dối mà quyết tâm giữ gìn giới luât, giữ thân tâm trong sạch và làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.

Chỉ có vậy, chúng ta mới xứng đáng là Phật tử, là con của Phật.

(Không rõ Tác giả. Bài này do một Phật tử từ Texas gửi đến BBT)


Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch