Phật giáo Việt Nam
Những câu chuyện chung quanh ngôi Chùa Cổ công chúa đời Trần-Phần 1.
Đức Hạnh Lê Bảo Kỳ
17/04/2015 21:10 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hình ảnh ba bà cụ, cùng với những phẩm vật mang sắc thái tín ngưỡng tôn giáo thờ cúng Phật, Thánh, Tổ  tiên ở tay xách, vai mang của họ, làm cho tâm  ý tôi khởi lên những điều thắc mắc rằng; con đường này dành riêng cho tù, gia đình công an của trại mới có  quyền đi.

Một sớm mai nọ, tôi không nhớ ngày ta, ngày tây, chỉ  nhớ đầu năm 1984. Buổi sáng hôm ấy đầy dáng Xuân cả đất trời Nam Hà, khi tôi và hằng trăm tù nhân chính trị trên đường đến hiện trường lao động ở dải đất dài, mà hai bên toàn là núi đá vôi cao, thấp trùng trùng, điệp điệp. Người địa phương Ba Sao gọi là THUNG.

den-thai-vi.jpg

      Trên  đường tiến ra hiện trường lao động, mỗi người tù chính trị, chân bước một, bước hai, tâm có ý nghĩ riêng về số phận đời cải tạo của mình, được thấy qua các trạng thái riêng ở một số người, như thầm lặng đếm bước, đưa mắt nhìn trời quên bước đi, cất tiếng hát trầm buồn, bàn chuyện này, chuyện nọ hôm nay, ngày kia với nhau, phát ra tiếng cười khúc khích một cách tự nhiên, thoải mái, – nếu không nói là đã hết thời điểm khắt khe trật tự, đi có hàng lối.

      Riêng tôi dán mắt vào cảnh vật chung quanh xa, gần để thưởng ngoạn tiết xuân mênh mông qua những hiện tượng đầy dáng xuân trên xứ Bắc. Đó là những núi đá vôi cao ngất, đầu đội khăn hồng, do thần Thái dương vừa bước ra khỏi màn bình minh ban cho. Nhưng thân mình của núi lại mặc áo xanh đậm. Còn những núi thấp như đang dụm đầu nhau thì thầm với khói sương mong manh. Sương khuya đang vo tròn thân ngọc long lanh trên ngàn cây, cỏ nội. Không gian thung lũng, dưới đầm, xóm vôi Ba Sao, tất cả, dường như đang choàng thêm áo xám, mặc dù thần Thái dương phương Đông đã thức dậy với nét mặt đỏ ửng, nhưng đang còn ngự ở dưới trần, chưa lên Thiên đàng, nên cảnh vật chưa thấy ấm, còn đang se lạnh. Sỏi đá trên đường mặt mũi tái tê. Rừng mơ bên đường, đang đua nhau nở rộ hoa trắng như tuyết, lác đác trên cành có lá non xanh mơn mởn bên cạnh những nụ nâu ươm lộc.

    
  Tôi  đang chăm chú nhìn không gian bốn mặt, bỗng thấy có  bóng người đi cùng chiều bên cạnh phía trái, làm cho tâm ý tôi trở về thực tại, nhận ra đó là ba bà cụ có vóc dáng thấp và  gầy guộc, phục sức theo truyền thống xứ Bắc; đầu đội khăn mỏ quạ, áo dài đen tứ thân có thắt ở vạt trước, chân đi dép nhựt. Họ vừa đi vừa nói chuyện lí nhí trong lúc tay xách những oản xôi nếp, một con gà luộc tươm mỡ căng da, vai mang đèn nhang, nải chuối sứ chín vàng. Tất cả đều nằm trong bao ni lông. Họ đi nhanh, tù đi chậm, nên vừa thấy họ qua vài cái nháy mắt, họ đã ở trước mặt tôi một khoảng xa mươi mét.

      
Hình ảnh ba bà cụ, cùng với những phẩm vật mang sắc thái tín ngưỡng tôn giáo thờ cúng Phật, Thánh, Tổ  tiên ở tay xách, vai mang của họ, làm cho tâm  ý tôi khởi lên những điều thắc mắc rằng; con đường này dành riêng cho tù, gia đình công an của trại mới có  quyền đi. Cớ sao hôm nay lại có ba bà cụ mang những phẩm vật dâng cúng đình, miếu, không phải cúng chùa, cúng chùa đâu có cúng gà. Như vậy đình, miếu trong thung lũng này, ở chỗ nào mà quý cụ đây đến cúng bái? Do đó, sau ý niệm thắc mắc, đôi chân tôi tự động bước nhanh để đuổi kịp các bà ấy mà hỏi cho ra những điều thắc mắc.

      Khi đôi chân tôi ngang tốc độ song song với các bà, khiến cho đôi chân các bà bước chậm, rồi đưa mắt nhìn tôi trong im lặng.

      Để không bị mất cơ hội, tôi vội ngỏ lời:

– Xin chào quý cụ!

– Vâng, xin chào ông!

– Quý cụ ở đâu, đi đây?

– Các già chúng tôi ở ngoài Ba Sao cơ.

– Quý cụ đi vào Thung này, để làm gì?

– Vâng, các cụ già chúng tôi đi lễ chùa trong này đấy ạ!

– Ở đây mà có chùa sao, thưa quý cụ?

– Có chùa chứ. Chùa nhỏ lắm cơ! Chùa xưa của công chúa Huyền Trân, con gái của vua Trần Nhân Tông.

– Thưa quý cụ, đi lễ chùa cúng Phật, quý cụ có cúng gà luộc nữa sao?

– Không, chúng tôi cúng Phật, Bồ tát thì cúng oản xôi, chuối, hương hoa và các món chay. Còn cúng Tứ Thánh Thanh Văn thì cúng gà luộc, vì các Thánh ăn mặn. Các Thánh hộ Phật, hộ pháp hộ Tăng, Phật và Bồ Tát thì nói pháp cứu khổ chúng sanh.

  
    Đang nói chuyện ngon trớn, tôi vội vàng tách ra khỏi ba bà cụ một cách mau lẹ, không có lời chào tạm biệt, liền sáp nhập vào dòng người của đội đang sát bên cạnh phải tôi. Vì theo nội quy của trại; những tù nhân chính trị không được tiếp xúc với thường dân bên ngoài. Mặc dù lúc bấy giờ nội qui trại có nới lỏng, nhưng không phải vì thế mà đi quá trớn, do vậy tôi đành giã từ các bà, trở về hàng ngũ của đội, chứ còn định hỏi thêm nhiều chuyện nữa.

      Sau khi hòa nhập vào dòng người trong đội, tâm tư tôi quên thực tại ở đôi chân, không còn cái bước lang thang tự nhiên như mọi người chung quanh, tức là bước chậm hơn cái bước lang thang, gần như  đi thụt lùi. Bởi vì tâm tư tôi hoàn toàn quên thực tại, chỉ cứ thấy các vật phẩm cúng tế của các bà, chỉ cứ nghe lời của ba bà cụ nói: “Đi lễ chùa, ở đây có chùa, chùa nhỏ lắm cơ, chùa của công chúa đời Trần, cúng Phật và Bồ Tát bằng oản xôi, chuối…, cúng các Thánh bằng gà luộc…”

      Giữa giây phút thấy lại những hình ảnh phẩm vật và nghe lại lời nói của các bà, tâm tư tôi tự thầm trách mình, là tại sao lúc nãy ta không hỏi các bà, chùa ở trong Thung, chỗ nào? Tâm tư tôi liền than; ta xa chùa đã chín năm rồi. Biết bao giờ ta được về lại chùa xưa! Ta nhớ chùa như nhớ mẹ! Ta thèm chùa như thèm xôi nếp chấm chao kho. Hết than đến hy vọng. Tâm hồn tôi nói; sau cơn mưa, trời lại sáng. Hết cơn bĩ cực, đến kỳ thái lai. Thật sự chùa được có ở đây, thế nào ta cũng sẽ tìm thấy trong một ngày gần đây. Điều đó được xác định qua lời các bà nói đi lễ chùa và các phẩm vật ở tay xách, vai mang.

      Đang nghĩ ngợi về những điều mắt thấy, tai nghe ấy, chân tôi quên tránh mỏm đá quen thuộc ló ra ở khúc quanh con đường, nên bị vấp, may là nhẹ. Khi đó thầy Lê Thái Bình (1) cũng vừa đi tới bên phải tôi. Sau thầy Bình là các thầy Nguyên Lai (2), Huỳnh bá Hảo, Lê Quang Đức, thầy Khuê, … và ông đội trưởng Nguyễn Kim T, cựu đại tá BĐQ VNCH.

      Tôi và thầy Bình đi song song với nhau. Tôi nhìn thầy Bình nói lời trêu chọc:

– Tối về phòng giam thiền tọa hay hơn, mắc chi thiền hành ở đây, hỡi thầy Bình!

      Thầy Bình nhìn tôi mỉm cười, nói:

– Đâu có thiền thung gì ở đây.

      Nói xong, thầy Bình chìa ra cái bao cát, trong đó có một bộ quần áo xanh của trại cho tôi xem. Thầy nói luôn:

– Tôi đang suy tư tìm cách mãi tán bộ đồ xanh này ngay hôm nay. Bán cho dân, họ thích quần áo tù lắm. Bán để lấy tiền mua chút ít thức ăn tươi ở căn tin trại và này lại một số thuốc tây trị cảm cúm từ các ông Tướng tại nhà 3 khu F, để bồi dưỡng sức khỏe và trị bệnh cảm cho số anh em con bà Phước trong nhóm tù của tôi, vì tôi đã phát hạnh nguyện Bồ Tát rồi, mình phải thực hiện cho đến cùng, đừng bỏ anh em giữa đường, tội nghiệp họ là không có thân nhân thăm nuôi, nên mới dấn thân làm CHÀNH buôn bán đổi chác. Trước khi đem hiện vật đổi chác với dân, tôi phải suy nghĩ tìm cách, tìm lối cho kỹ lưỡng và an toàn, chứ đâu có thiền hành làm chi.

      Thầy Bình vừa ngưng, tôi chen lời:

– Thầy ôm bộ quần áo lồ lộ trên tay như vậy, không sợ cán bộ quản giáo và dẫn giải thấy hả? Họ thấy được, là thầy bị kỷ luật bởi tội buôn bán đổi chác theo nội quy đã định.

– Không sao đâu! Mấy ổng dư biết tôi làm CHÀNH lâu rồi, do vậy có khi mấy ổng nhờ tôi tìm mua dùm một số hàng cần dùng mà căn tin trại không có bán, chỉ có ở trong dân.

      Sau một vài giây phút ngưng nói, thầy Bình và tôi thầm lặng đếm bước song hành, đoạn thầy Bình quây qua tôi hỏi nhỏ:

– Khi nãy, tôi thấy thầy bám sát theo ba bà cụ Ba Sao, để hỏi gì vậy?

      Lời hỏi của thầy Bình, làm cho tôi phải nhìn lui xem hai cán bộ của đội có gần hay xa mình. Thấy hai ổng cách xa cả mươi mét, tôi liền nói khẽ:

– Thầy Bình biết không, ba bà cụ ấy mang vật phẩm có tính cách cúng tế ở miếu, ở đình. Thấy vậy tôi mới bám theo hỏi cho bằng được họ đi đâu. Các bà trả lời đi lễ chùa, có chùa trong Thung, chùa nhỏ, chùa của công chúa đời Trần. Tôi hỏi tiếp; đi đến chùa có lễ Phật, Bồ Tát là có cúng dường phẩm vật lên chư Phật, Bồ Tát. Cớ sao các bà cụ lại có mang theo gà luộc, để cúng ai vậy? Các bà trả lời cúng các Thánh THANH VĂN bằng gà luộc, còn cúng Phật và Bồ Tát thì bằng oản xôi, chuối. Thầy Bình nghĩ sao về vấn đề các bà cụ đem gà luộc đồ mặn vào chùa cúng các Thánh Thanh Văn?

      Thầy Bình đưa mắt nhìn ra xa trong bước đi thầm lặng qua vài giây, đoạn thầy mở lời:

– Thật sự suy cho cùng, các bà cụ Ba Sao miền bắc, đem đồ mặn vào chùa, cúng các Thánh Thanh Văn, là đúng theo sử sách Đạo Phật có hai hệ phái Bắc Tông Đại Thừa, Nam Tông Tiểu Thừa. Nếu không nói là; các chùa bắc tông Đại Thừa ở các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Tây Tạng, Mộng Cổ, Việt Nam… có cách thờ phượng thật bao dung đầy đủ chư Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Thánh Hiền, Long thiên Hộ pháp, Thần Hoàng… Qua đó cho ta thấy Đại thừa luôn luôn có tư tưởng rộng lượng, lợi tha, bao dung. Vì thế mà các phật tử Việt Nam miền bắc và Trung Hoa ở khắp nơi, ưa đem đồ mặn vào chùa, cúng dường lên các bàn thờ Thánh Thanh Văn, Thánh Hiền, Thần Hoàng các giới, là như vậy do thấy có thờ Thánh và do hiểu Thánh chưa phải là Phật, Bồ Tát. Chư Tôn Đức Tăng Ni ở miền bắc và Trung Hoa có thấy, biết phật tử đem đồ mặn cúng lên các bàn thờ chư Thánh, nhưng quý ngài không thể ngăn cản được bởi vì có thờ chư vị THÁNH các giới. Đã là THÁNH, thì cúng chay hay mặn không thành vấn đề. Vì Thánh hưởng cả mặn và chay, còn Phật, Bồ Tát hoàn toàn hưởng chay. Thôi thì việc ấy, ta tạm gác qua một bên. Điều quan trọng là bám theo sau các bà, để xem các bà đi vào hướng nào, là có chùa ở hướng đó, có phải không?

      Nghe thầy Bình nói như vậy, tôi liền đề nghị:

– Bây giờ tôi và thầy tiến lên phía trước đội mình và vượt qua đội kế để đuổi kịp theo các bà, ok hả?

      Nghe tôi đề nghị, thầy Bình cười trong lưỡng lự, rồi nói:

– Cũng được, nhưng mà lỡ ra bị mấy ông quản giáo của các đội ở trước thấy, chận lại hỏi, mình trả lời sao?

– Thì mình phịa ra; được quản giáo cử đi vô hiện trường trước để đem cuốc ra cho đội. Sắp đặt câu trả lời như vậy, để ngừa thôi chứ quý ổng không hỏi gì đâu. Mình có tấm lòng mong muốn thấy chùa, ắt sẽ có Long Thiên Hộ Pháp hộ trì cho. Thầy đồng ý với tôi điều đó hay không?

– Đồng ý chứ. Nói vậy chứ đâu sợ gì. Bây giờ tiến nhanh lên hả!

      Nói xong, thầy Bình liền sàng qua trái, hô lớn: một, hai, ba! Rồi bước nhanh làm cho tôi phải mất đến mấy giây mới đuổi kịp bước song hành với thầy. Thật  đúng như điều anh em từng nói thầy Bình chậm thì  như rùa, khi cần nhanh, thì nhanh như sóc, được thấy ở trạng thái thoát nhanh, ẩn núp cán bộ  tuần tra, trên đường vào dân tìm mối đổi chác. Cũng như lúc tĩnh tọa, tĩnh cả giờ không nhúc nhích như pho tượng.

      Tôi và thầy Bình qua khỏi số người đi đầu của đội, vượt luôn khỏi số người đi chót của đội trước, trong đó có hai cán bộ, nhưng họ không chận hỏi chúng tôi gì cả. Còn anh em ta, khi thấy chúng tôi xuất hiện bên cạnh, người này thì hỏi chúng tôi ở đội ông T sao đi đây. Người kia gọi thầy Bình đến gần, rồi hỏi hôm nay thầy đổi chác gì. Riêng Phạm Hữu Trung (Pháp Quang) bước nhanh tới bên thầy Bình, hỏi hôm nay có duyên sự độ sanh ở đâu mà đi nhanh vậy? Thầy Bình nói rằng; đi tìm chùa Công Chúa đời Trần.

      Nghe đến chùa, Phạm Hữu Trung ngưỡng mặt lên, miệng hỏi lia lịa: Chùa ở đâu hỡi Thầy, thầy đến chưa? Thầy Bình vừa cười khúc khích, vừa đưa tay chỉ vào hướng ba bà cụ đang đi ở  trước phía bên lề đường, cách xa hai chúng tôi cỡ  sáu mét, rồi nói: “các bà đang đi lễ chùa kìa thấy chưa? Họ đang xách oản xôi, chuối… vai mang nhang đèn đó, thấy không?” Bây giờ chúng tôi đang bám theo sau các bà đây nè, để biết các bà đi lối nào, là biết chùa ở hướng đó. Chứ chưa có biết chùa ở đâu cả!

      Lúc bấy giờ, hai chúng tôi giảm tốc độ, đi bình thường, bởi vì ba bà cụ ấy vẫn giữ cách khoảng sáu mét trước chúng tôi, có lẽ họ đã thấm mệt, cảm thấy nong nóng trong người, mặc dù không gian đang choàng thêm áo bởi tiết xuân buổi sớm se lạnh, nhưng vì thân già, đường xa, đi bộ  ắt phải nóng người, chùn bước.

      Đến khoảng đường cong cong chếch về hướng Tây Bắc, mà bên trái con đường là nương dâu của trại, nó đang tiếp nhận ánh nắng ban mai trước nhất, cho nên có tiếng chim nhỏ kêu ríu rít vang vọng như đón chào ngày mới, còn những chim lớn bay vòng trên cao để sưởi ấm.

      Tại khoảng đường cong ấy, đội trước và đội Phạm Hữu Trung, cả hai quẹo vào nương dâu để lao động. Mọi người trong bước rẽ vào, ai cũng đưa tay vẫy chào hai chúng tôi. Riêng Phạm Hữu Trung nhìn lui ra đường nói lớn: “Hai thầy tìm thấy được chùa, tối về kể cho con nghe nhé”.

      Trên khoảng đường cong cong lúc bấy giờ chỉ còn hai chúng tôi và ba bà cụ. Nếu không nói là, cảm thấy lẻ loi; cô đơn.

      Qua cảm nghĩ lẻ loi ấy, chúng tôi định đi lui, nhưng sợ mất dạng ba bà cụ, nên chi vừa đi chậm để đón đội, vừa dán mắt theo ba bà cụ.

Le Bao Ky

Tác giả Đức Hạnh Lê Xuân Kỳ 

 

      Đến khoảng đường cong, chếch hẳn về hướng Đông Bắc, mà hai bên nó là vườn mơ đang trổ hoa trắng xóa, chính là hiện trường lao động của đội Tuyên Úy Phật Giáo chúng tôi. Cũng là phần đất cuối cùng của thung lũng, hết đường bằng, chỉ có đường núi ra tận bến Đục, nhưng ngày xưa kìa, ngày nay không còn lối đi nữa, vì cây rừng cao lớn đã che kín đường Xưa. Tuy nhiên ai muốn ra bến Đục đi chùa Hương thì leo đồi, chen mình qua rừng cây. Theo lời của các tù hình sự thuộc diện rộng nói với chúng tôi như vậy.

      Sau khi thấy vườn mơ, biết gần đến láng của đội, thầy Bình liền nói:

– Còn hơn ba trăm mét nữa là đến láng của đội, mà sao ba bà cụ vẫn còn đi, chưa thấy rẽ vào đâu cả! Chẳng lẽ chùa ở gần địa phận vườn mơ này sao?

      Hai chúng tôi bảo nhau không đi nữa, có ý  chờ  đội ở sau tới, nhưng mắt không rời hình dáng ba bà cụ. Bỗng thấy ba bà rẽ vào lối mòn bên trái, lối mòn quen thuộc mà chúng tôi đã đi lại hơn một lần để chặt củi, kiếm rau rừng, phụ  thêm cho bữa ăn trưa thông tầm sau khi làm cỏ xong sáu gốc mơ, chỉ tiêu được quản giáo ấn  định.

      Lối mòn ấy ở giữa vùng hoang vu đầy cỏ tranh, cỏ đót, lau sậy cao ngất nghểu cúi đầu nở hoa xuân.

      Khi không còn thấy ba bà cụ, họ mất dạng sau những bụi lau, thầy Bình nói lời khẳng định:

– Như vậy, theo tôi thấy có chùa ở trên núi thấp bên cạnh rừng lau sậy đó. Bởi vì có lần, tôi đi kiếm rau rừng, tình cờ bắt gặp hai thằng tù hình sự diện rộng chăn dê của trại. Chúng cãi nhau tại lối mòn ấy, thằng này nói thằng kia gian xảo, thằng kia nói thằng nọ lường gạt. Thì một thằng nói lời thề rằng; tao mà lường gạt mày, tao sẽ bị Phật, Thánh trên chùa vật cổ cho chết.

      Hai chúng tôi tiếp tục chuyện trò với nhau một cách say mê, cho đến nỗi không biết mình đang đến đâu. Khi nhìn thấy mấy cây nhãn trước mặt đang đứng yên  đội nắng sớm trên đầu ngọn cây, lấp lánh qua lá, cành. Mới biết mình đang đến láng của đội từ  bao giờ, liền dừng chân, đứng dưới gốc nhãn chờ  đội đến. Chẳng mấy chốc đội đã đến. Những người đi hàng đầu, đó là các thầy Nguyên Lai, thầy Khuê, Trần Văn Diệu và giáo sư Nguyễn Đình Huy (giáo sư Huy cũng ở chung trong đội TUPG).

      Chỉ  có quý vị đi hàng đầu, mới thấy, biết hai chúng tôi rời khỏi đội, đi lang thang, tới láng trước, do vậy thầy Nguyên Lai liền mở lời:

– Hai tướng này đi trước chúng tôi lâu lắm, vậy kiếm được rau quả, đổi chác gì chưa?

      Thầy Bình chỉ cười khúc khích, còn tôi hỏi lại:

– Sau khi xuất trại, tôi thấy ngài đi cuối hàng, cớ sao bây giờ ngài đi hàng đầu?

– Cuộc đời cải tạo, mình phải tiến bộ lên (đi bộ lên mau ở truớc) để kiếm rau rừng chứ, đi chậm, đi sau thiên hạ đi trước nhổ hết còn đâu tới mình!

      Nói xong ngài Nguyên Lai rút ra từ trong cái bị vải một cây cải trời bự và non, chưa trổ bông, để chứng minh cho mục đích đi hàng đầu là như vậy.

      Sau khi ông đội trưởng Nguyễn Kim T báo cáo quân số đội lao động đầy đủ với hai cán bộ quản giáo và võ trang. Mọi người vác cuốc ra rừng mơ làm cỏ sáu gốc mơ theo chỉ tiêu được quản giáo ấn định cho mỗi người.

      Mới hơn ba mươi phút theo ước tính ở mặt trời qua khỏi  đỉnh núi cao nhất phía Đông, tôi không còn thấy thầy Bình cách tôi mười hai cây mơ theo hàng dọc. Thầy làm cỏ hôm ấy quá mau, làm mau để đi tìm chùa. Lần lượt mọi người vác cuốc vô kho, rồi tản đi khắp nơi. Người đi chặt củi, kẻ đi kiếm rau, kiếm quả trong rừng, bỏ mặc cho ông đội trưởng, hai ông cán bộ ngồi trong chòi tranh uống trà, hay cà phê, hút thuốc thơm có cán, nói chuyện đời, kể chuyện xưa, tích cũ. Tức là ông đội trưởng T kể chuyện rất hay.

      Riêng tôi hôm ấy không đi chặt củi, ngồi dưới gốc nhãn chờ thầy Bình mang tin chùa về. Bỗng chốc thầy Bình xuất hiện từ khu cỏ tranh phía Tây đến, với nét mặt thật vui, cùng với nụ cười trên môi. Thầy đi nhẹ đến bên tôi, ngồi xuống, đưa tay vỗ nhẹ lên vai tôi, nói khẽ: “Tôi tìm thấy chùa rồi. Chùa gần đây, ở hướng Tây, trên núi thấp, nhưng phải đi qua vùng cỏ tranh, cỏ đót, lau sậy, đường đi cong cong chếch về Tây Bắc. Tôi đã lên tận nơi qua hai từng cấp. Ba bà cụ đang còn trên đó, họ đang dâng cúng vật phẩm lên bàn Phật, bàn Thánh, quỳ gối chắp tay hướng lên, miệng vái lâm râm ra tiếng xuýt xoa, hít hà từng đợt. Nào, bây giờ tôi và thầy lên chùa nhé.”

      Thế  là tôi đứng lên một cách hăng hái vừa lúc thầy Bình quay mặt bước đi. Thầy Bình đi trước, tôi đi theo bén gót không hở bước. Chúng tôi đi giống như những người du kích; vừa đi thật nhanh, vừa lom khom dưới những ngọn cỏ tranh, cỏ đót, lách nhẹ qua các bụi phi lau, đưa tay vén sậy, vì sợ tốp cán bộ tuần tra phát hiện, chứ không sợ hai cán bộ của đội.

(còn nữa)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch