Phật giáo Việt Nam
Kì 1 - Chùa Dâu ( Bắc Ninh )
Chùa Việt Nam - Chùa Dâu
Ánh ngọc
30/06/2013 02:20 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

“Dù ai đi đâu về đâu Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về Dù ai buôn bán trăm nghề Tháng Tư ngày Tám thì về hội Dâu.

Chùa Dâu còn có tên là Diên Ứng, Pháp Vân hay Cổ Châu, là một ngôi chùa nằm ở xã Thành Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30km. Chùa còn được người dân gọi với những tên gọi khác nhau như chùa Cả, Cổ Châu Tự, Duyên Ứng Tự. Đây là ngôi chùa được coi là có lịch sử hình thành sớm nhất ở Việt Nam mặc dù các dấu tích vật chất không còn, do đã được xây dựng lại.

Chùa nằm ở vùng Dâu, thời thuộc Hán gọi là Luy Lâu. Đây là trung tâm cổ xưa nhất của Phật giáo Việt Nam. Tại vùng Dâu có năm ngôi chùa cổ: Chùa Dâu thời Pháp Vân “mây pháp”, chùa Đậu thờ Pháp Vũ, “mưa pháp”, chùa Tướng thờ Pháp Lôi “sấm pháp”, chùa Dàn thờ Pháp Điện “chớp pháp” và chùa Tổ thờ Man Nương là mẹ của Tứ Pháp. Năm chùa này ngoài thờ Phật còn thờ các nữ thần.

Chùa Đậu tại vùng Dâu đã bị phá hủy trong chiến tranh nên pho tượng Bà Đậu được thờ chung trong chùa Dâu

 

Chùa được xây dựng vào buổi đầu Công nguyên. Các nhà sư Ấn Độ đầu tiên đã từng đến đây. Vào cuối thế kỷ VI, nhà sư Tì Ni Đa Lưu Chi từ Trung Quốc đến chùa này, lập nên một phái Thiền ở Việt Nam. Chùa được khởi công xây dựng năm 187 và hoàn thành năm 226, là ngôi chùa lâu đời nhất và gắn liền với lịch sử văn hóa, Phật giáo Việt Nam, được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử ngày 28 tháng 4 năm 1962.

 

Chùa cũng như nhiều chùa chiền khác trên đất Việt Nam, chùa Dâu được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Bốn dãy nhà liên thông hình chữ nhật bao quanh ba ngôi nhà chính: Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện. Tiền đường của chùa Dâu đặt tượng Hộ pháp, tám vị Kim Cương. Gian Thiêu hương đặt tượng Cửu Long, hai bên có tượng các vị Diêm Vương, Tam Châu Thái tử, Mạc Đĩnh Chi. Thượng điện để tượng Bà Dâu (Pháp Vân), Bà Đậu (Pháp Vũ) và các hậu cận. Các pho tượng Bồ Tát, Tam thế, Đức Ông, Thánh Tăng được đặt ở phần Hậu điện phía sau chùa chính. Một trong những ấn tượng khó có thể quên là những pho tượng thờ. Ở gian giữa chùa có tượng Bà Dâu, hay nữ thần Pháp Vân, uy nghi, trầm mặc, màu đồng hun, cao gần 2m được bày ở gian giữa. Tượng có gương mặt đẹp với nốt ruồi to đậm giữa trán gợi liên tưởng tới những nàng vũ nữ Ấn Độ, tới quê hương Tây Trúc. Ở hai bên là tượng Kim đồng và Ngọc nữ. Phía trước là một hộp gỗ trong đặt Thạch Quang Phật là một khối đá, tương truyền là em út của Tứ Pháp.

Bên trái của Thượng điện có pho tượng Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi, tượng được đặt trên một bệ gỗ hình sư tử đội tòa sen, có thể có niên đại thế kỷ XIV.

Giữa sân chùa trải rộng là cây tháp Hòa Phong. Tháp xây bằng loại gạch cỡ lớn ngày xưa, được nung thủ công tới độ có màu sẫm già của vại sành. Thời gian đã lấy đi sáu tầng trên của tháp, nay chỉ còn ba tầng dưới, cao khoảng 17m nhưng vẫn oai nghi. Mặt trước tầng 2 có gắn bảng đá khắc chữ “Hòa Phong tháp”. Chân tháp vuông, mỗi cạnh gần 7m. Tầng dưới có 4 cửa vòm. Trong tháp, treo một quả chuông đồng đúc năm 1793 và một chiếc khánh đúc năm 1817. Có 4 tượng Thiên Vương cao 1,6m ở bốn góc. Trước tháp, bên phải có tấm bia vuông dựng năm 1738, bên trái có tượng một con cừu đá dài 1,33m, cao 0,8m. Tượng này là dấu vết duy nhất còn sót lại từ thời nhà Hán.

Hội chùa Dâu là lễ họ diễn ra với quy mô rộng lớn của ba xã thuộc vùng Dâu – Luy Lâu (Thuận Thành) là Thanh Khương, Trí Quả, Hà Mãn với 5 ngôi chùa lớn thờ Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện và chùa Tổ thờ bà Man Nương là mẹ của Tứ Pháp.

Hàng năm, vào ngày 8/4 âm lịch được coi là ngày sinh của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni, nhân dân trong vùng lại nô nức, tưng bừng mở hội chùa Dâu. Đây là một lễ hội lớn, nổi tiếng đã đi vào câu ca dân gian:

“Dù ai đi đâu về đâu

Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về

Dù ai buôn bán trăm nghề

Tháng Tư ngày Tám thì về hội Dâu.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch