Phật giáo Việt Nam
Mười bốn lý do để chấn hưng Phật giáo Việt Nam
Cư sĩ Quán Như
22/04/2010 00:11 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chưa bao giờ lời kêu gọi của Thái Hư Đại Sư từ thế kỷ trước về “Cách mạng Giáo Lý, cách mạng Giáo chế và Cách mạng Giáo sản” vang vọng thống thiết, phản ánh nhu cầu đổi mới cấp thiết hiện nay của Phật Giáo Việt Nam.

Cũng chưa bao giờ hành trạng của Cư sĩ Minh Tâm Lê Đình Thám của thập niên 30’ lại hiện ra chói lọi trong não trạng của những người con Phật Việt Nam một cách thiết tha và dục giã như tình hình hiện nay.

Mười Bốn Lý Do Tại Sao Phật Giáo cần đổi mới

1. Tăng ni và cư sĩ trong ngoài nước đã và đang nhiệt liệt ủng hộ nhu cầu đổi mới.

Trong cuộc hội thảo lịch sử Phật Giáo Trong Thời Đại Mới: Cơ Hội và Thách Thức năm 2006 tại Việt Nam, đã có rất nhiều tham luận hô hào cần phải canh tân đổi mới phương thức hành đạo và truyền đạo của Phật Giáo Việt Nam mà điển hình là Hòa Thượng Thích Hiển Pháp, trong nước, nhấn mạnh đến việc phác thảo một kế hoạch toàn diện nhằm chấn hưng Phật Giáo trên nền tảng dân tộc.

Sa Môn Mãn Giác, ở ngoài nước nên có một cái nhìn toàn cầu sâu sắc, đã nhìn Phật Giáo trong viễn cảnh của “một liều thuốc giải cho căn bệnh thời đại”.

Cư sĩ Minh Mẫn trong nước kết luận khẩn thiết trong một bài viết của mình rằng: “Phật Giáo Việt Nam phải can đảm đổi mới và đổi mới một cách toàn diện”.

Cư sĩ Hồng Quang ở quốc ngoại thì ‘ước mơ’ thay đổi Hiến chương, hiện đại hóa cơ cấu của giáo hội và Phật Giáo Việt Nam phải triễn khai mạnh mẽ nội dung Nhập Thế của mình.

Phần dẫn nhập của tác phẩm “Phật Giáo Trong Thế Kỷ Mới, Tại Sao Phải Chấn Hưng” đã mô tả ước vọng đổi mới Phật Giáo Việt Nam "như một cuộc thay da đổi thịt triệt để, một lần hóa thân toàn diện”.

2. Đạo Phật không bao giờ chấp nhận lòng tin mù quáng và giáo điều cứng nhắc

Nguyên tắc khế lý- khế cơ biến đạo Phật trở thành một dòng sông tâm linh uyển chuyển. Đạo Phật truyền bá đến đâu thu nhận và hội nhập văn hóa bản địa đến đó để làm giàu thêm cho kho tàng triết lý và đời sống tâm linh của người hành trì.

Từ ngữ Buddhism là do các nhà nghiên cứu Phật Giáo phương Tây đặt tên, bởi không như các tôn giáo độc thần khác, đạo Phật không có ‘ism’, không có giáo điều ‘muôn đời’.

Nhờ thế mà trong lịch sử phát triển, đạo Phật có nhiều tông phái, muôn màu muôn vẻ, bách hoa tề khai, đồng quy nhi thù đồ, tương kính, tương nhượng.

Nguyên tắc vô thường phản ảnh cho tinh hoa của triết lý dịch biến Đông Phương. Nếu không luôn luôn đổi mới thì đâu còn vô thường, nếu mất đi nguyên tắc vô thường, thì đạo Phật đâu còn là đạo Phật!

3. Phật Giáo trong quá trình tiếp cận, an vị rồi xiển dương trên đất nước Việt nam cùng với dân tộc Việt Nam, đã liên tục theo thời đại và lòng dân mà đổi mới để dần dần biến thành một đạo Phật Việt Nam độc đáo, vẫn giữ cốt tuỷ tinh hoa -khế lý- nhưng đồng thời tạo nên những nét đặc thù-khế cơ- không giống với bất cứ đạo Phật ở nước nào khác.

Đạo Phật trong lịch sử trưyền bá ở Việt Nam cũng đã nhiều lần đổi mới, thoát xác, thích ứng với từng thời đại.

4. Trong lịch sử hiện đại, chúng ta đã chứng kiến nỗ lực đổi mới của các vị tôn túc từ Nam ra Bắc trong thập niên 30

Không có nỗ lực đổi mới để đào tạo tăng tài, thường gọi là “Bảy Ông Trí”, thì Phật giáo Việt Nam đã không tồn tại được trước cuộc xâm lăng văn hóa của chính quyền thực dân bảo hộ và lực lượng tay sai bản điạ, và nhất là đã  không có cuộc vận động chống đàn áp Phật giáo vào năm 1963 tại miến Nam.

Sa Môn Mãn Giác đã bảy tỏ trong bài tham luận cho Hội thảo PGTTÐM rằng những nỗ lực đổi mới “là sợi chỉ trong suốt quá trình hiện đại hóa. Đó là quyết tâm tạo cơ duyên để phục vụ dân tộc trong ánh sáng đạo pháp và phục vụ đạo pháp trong điều kiện khế hợp của dân tộc”.

Những thánh tử đạo, những Phật Tử hy sinh trong các cuộc tranh đấu trong các năm 1963-1966 là những người đã ‘thương nước, thương đạo’.

Sa Môn Thích Mãn Giác còn nói rõ hơn: “Nếu không có các vận động đổi mới trên, Phật Giáo đã biến thành hội tương tế của những ông thầy cúng chỉ biết lo ma chay cầu đảo”.

Phật giáo có phần tín ngưỡng, tôn giáo nhưng cũng có phần trí tuệ. Phải lấy đoạn kinh Kalama làm  nguyên tắc để phát triển phần trí tuệ  hầu khỏi bị phần tín ngưỡng, trong đó còn quá nhiều mê tín, khuynh đảo.

Còn nếu cứ theo nguyên tắc ‘không biết mà tin’ mù quáng trong tín lý của các tôn giáo Tây phương thì đạo Phật có khác gì mấy tôn giáo độc thần ấy.

Gương truyền bá chánh pháp của Phật giáo Tây Tạng có thể cho chúng ta một bài học: hiện nay đồ đệ Đức Đạt Lai Lạt Ma không còn nhắc đến những chuyện huyền bí về việc đầu thai của các Lạt Ma nữa, mà nhấn mạnh đến niềm an lạc mà Phật Giáo có thể đem lại cho người hành trì ở đời này.

5. Trong thời kỳ quá độ của những năm vừa thống nhất đất nước, việc thành lập GHPGVN vào năm 1981 từ Nam chí Bắc là một nỗ lực đáng ca ngợi trong tinh thần hòa giải dân tộc và thống nhất tổ chức.

Tuy nhiên, kể từ khi quốc sách Đổi Mới đi vào hiện thực cuộc sống, và nhất là từ khi Việt Nam hội nhập vào cộng đồng nhân loại, chính chánh quyền cũng đã thấy những bất cập và đã liên tục đổi mới để hiện đại hóa đất nước, thì không có lý do gì GHPGVN lại cưỡng lại nỗ lực và xu thế đổi mới đó để kềm giữ Phật giáo trong tình trạng của một hội tương tế mà phần lớn “Phật Sự” chỉ lo ma chay, cầu an và cúng kiến để cầu ‘hồng ân’ của Chư Phật!

6. Nếu chính quyền xem Phật Giáo là người đồng hành trong vai trò quan trọng trong việc dựng nước và giữ nước như đã được chứng minh trong lịch sử, nhất là lịch sử chống thực dân và đế quốc, thì Phật giáo phải được đặt ở một vị trí  và phải có một trách nhiệm tương xứng, không phải chỉ ‘được’ dùng như một công cụ trong giai đoạn quá độ.

Muốn thế, chính giáo hội cũng phải tỏ ra xứng đáng đóng vai ‘đồng hành’, mà trước hết là  thành phần lãnh đạo giáo hội Việt Nam phải tỏ ra xứng đáng vai đồng hành, chứ không phải chỉ là những người cầu an, làm cây kiểng trang trí.

Cũng vậy, muốn đóng vai trò tích cực, một số chư Tôn đức và Phật tử đứng ngoài GHPGVN phải tỏ ra xứng đáng với lý do đứng ngoài, không phải hành động chỉ vì động cơ bất mãn cá nhân, hành tung vô đạo, sử dụng ố ngữ và làm công cụ cho các thế lực thần quyền và thế quyền ngoại bang đánh phá tổ quốc để đạt mục đích của riêng phe nhóm mình.

7. Theo thống kê dân số, hiện nay trong nước có hai phần ba dân số là thanh niên thiếu nữ thuộc thế hệ 7X, 8X và 9X, sinh sau khi chiến tranh chấm dứt.

Thế hệ nầy có hơn 15 năm sống trong nền kinh tế thị trường, tiếp xúc với tri thức tiến bộ của nhân loại và cởi lên làn sóng internet để tiếp nhận thông tin toàn cầu trong không gian cyberspace.

Thử hỏi có bao nhiêu phần trăm thanh niên thiếu nữ này chấp nhận triết lý và hành động ma chay cầu đảo của các thầy cúng? Nếu không hiện đại hóa, các thanh niên thiếu nữ trong các gia đình Phật giáo hoặc sẽ điền “KHÔNG” vào mục lý lịch tôn giáo, hoặc sống cuồng loạn như thể không có ngày mai, hoặc tệ hơn nữa sa vào âm mưu đổi đạo tập thể của Vatican tại các nước ở thềm lục địa Hoa-Ấn.

Trường hợp Tin Lành Dega ở cao nguyên và Đồng Tháp là thí dụ điển hình cho mục tiêu cải đạo nầy.

Nếu không đổi mới canh tân Giáo hội thì người dân và chính Phật tử nhẹ dạ hay thiếu sức mạnh tâm linh sẽ dễ bị lường gạt bởi các tay đại bịp như Vô Thượng Sư, các ‘thầy nhân điện’ hay thầy nước lã mà khước từ Giáo hội, thậm chí từ bỏ luôn cả Phật giáo.

Các giáo hội Phật Giáo Việt Nam ở các nước ngoài cũng có thể bị một số nguy cơ tương tự vì không đủ mặt bằng trí tuệ để đi vào dòng chính của tri thức bản điạ và vì áp lực kinh tế để nuôi sống Chùa.

Các thế hệ di dân thứ hai và kế tiếp, suy nghĩ và hành xử như người Tây Phương, “ruột trắng vỏ vàng”, sẽ không tiêu hóa nổi những hình thức mê tín dị đoan tương tự như trong các tôn giáo độc thần Ky Tô, đã bị thế kỷ Khai Sáng xem như tín ngưỡng còn rơi rớt ở thời Trung Cổ đen tối.

8. Số tín đồ và linh mục/ mục sư các tôn giáo truyền thống Ky Tô ở các nước Tây Phương càng ngày càng giảm sút, số lượng giáo dân đi lễ càng ngày càng thưa thớt; giáo đường phải đem bán và biến thành các cơ sở thương mại.

Một số lớn vẫn tin vào Chúa nhưng chỉ thờ Chúa ở trong lòng. Họ phủ nhận một giáo quyền bảo thủ thiếu đạo đức xã hội và bác bỏ thần học lỗi thời do giáo hội rao giảng, nhất là khi thần học này biến thành những đạo đức xã hội như cấm ngừa thai, cầm phá thai, cấm trợ tử…

Đạo quân ‘bất khả tri’ (Agnostic) ở Tây Phương càng ngày càng đông đảo, tương phản với thiểu số cuồng tín (fundamentalists).  Đối với đa số sinh hoạt tôn giáo như là sinh hoạt văn hoá,

Đạo Phật là một đạo phát triển nhanh nhất ở MỸ, ÚC và ÂU CHÂU. Nhiều Phật tử hay lấy sự kiện này để tự hào về tôn giáo mình nhưng không chịu tìm hiểu nguyên nhân.

Đối với các nước trọng tinh thần duy lý từ thế kỷ khai sáng, hai yếu tố quyến rũ nhất đối với người Tây phương là Thuyết Duyên Khởi, rất gần gũi với tinh thần khoa học và duy lý và đức tính khoan dung và độ lượng khi so sánh  với tôn giáo khác.

Thầy Nhất Hạnh gần đây đã giải thích những hình thức cúng kiến tổ tiên và luân hồi trong ánh sáng mới, vừa hợp lý và hợp tình và dĩ nhiên là phải khế hợp với triết lý vô ngã của Phật Giáo.

Rao giảng một thuyết hữu ngã là tà pháp, không phải là chánh pháp. Linh hồn là ý niệm nhị nguyên của các tôn giáo hữu thần, không phải ý niệm của Phật giáo.

9. Thái độ khoan dung của Phật Giáo là yếu tố thứ hai thu hút trí thức Tây Phương mạnh nhất. Đạo Phật là đạo hòa bình. Người Tây Phương đã ngán ngẫm những cuộc chiến tranh tôn giáo ở Rwanda, ở vùng Balkan, ở Bắc Ái Nhĩ Lan, ở Trung Đông.

Trong suốt lịch sử truyền bá, đạo Phật chưa bao giờ dính vào một cuộc chiến tranh phát khởi vì lý do tôn giáo. Trong vòng vài mươi năm qua, có ít nhất là hai Phật tử được giải Nobel Hoà Bình, Đức Đạt Lai Lạt Ma và lãnh tụ dân chủ  Miến Điện, Ang Sung Su Kyi và hai người khác được đề nghị ra tranh giải, Nhất Hạnh và Sulak Sivaraksa.

Sa Môn Mãn Giác đã gọi yếu tố này là ‘phương thuốc của thời đại’. Trong khi đó thì thật là ngán ngẩm khi nghe một vị sư Việt hải ngoại lớn tiếng ủng hộ chính sách chiến tranh của TT Bush vào năm 2003 và một vị sư khác tuyên bố ‘diệt những người ác không tạo nghiệp’.

Nói như vậy không phải hiện nay không có nhiều vị sa môn cổ võ cho chiến tranh chống Tamil Tigers ở Skri Lanka, có thể làm tan vỡ hình ảnh Hòa Bình của Phật Giáo.

10. Sau thế kỷ Khai Sáng, nhân loại đã tạo ra một số giá trị nhân bản như bãi bỏ chế độ nô lệ, mọi người bình đẵng trước pháp luật, tôn trọng nữ quyền, tôn trọng quyền của những người thiểu số, quyền được thoả mãn những nhu cầu căn bản như ăn mặc, nhà ở, giáo dục.

Trong giáo đoàn đầu tiên của Đức Phật có sự hiện diện của phụ nữ, người cùng đinh Untouchables, những người phạm pháp. Đồ tể một phút buông dao thành Phật thể hiện sự bình đẵng tuyệt đối của đạo Phật. Ai cũng có Phật Tính. Tuy đây chỉ là giá trị xã hội, nhưng nếu giáo pháp nào đi ngược với giáo pháp bình đẵng của Đức Phật, cần phải được xét lại.

11. Hiện nay những người truyền bá chánh pháp ở Âu Châu phần lớn là cư sĩ hay tu sĩ đã hoàn tục. Nhiều cư sĩ đệ tử của Đức Phật đã ‘giác ngộ’ như Duy Ma Cật ‘giác ngộ’ còn sớm hơn cả một số tăng già.

Không có gì chứng tỏ là những vị khoác tăng bào sẽ giác ngộ trước cư sĩ. Trong thời chấn hưng vào các năm 30, nhiều cư sĩ đã đứng trên bục giảng đào tạo tăng tài.  Giáo hội cần định chế hoá mối liên hệ giữa tăng và ni, giữa tăng già và cư sĩ để tránh tình trạng “cái ghế một chân”.

12. Hiện nay người ta đua nhau nói về thời đại toàn cầu hóa và hội nhập, mặc dù rất ít người hiểu rằng đây là thời kỳ mà Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng là thời kỳ có nhiều cạm bẫy nhất. Vì không có tài liệu nghiên cứu, nhiều người đã ‘hồ hởi’ khi Việt Nam được nhận làm hội viên WTO nhưng không thấy rằng toàn cầu hóa cũng có nghĩa là thời ‘tư bản hóa’ và nguy hại hơn hết, thời kỳ Ky Tô Hoá.

Để có khả năng cung cấp một giá trị tâm linh để chống đối cơn bão tiêu thụ của kinh tế thị trường, trong đó mọi giá trị nhân sinh hay tôn giáo đều bị thay thế bởi nguyên lý ‘tham lam là động cơ của phát triễn’, ‘ai cũng hành động vì tư lợi’, Phật Giáo không thể nào ù lì, vùi đầu trong cát như những con đà điểu.

Không có cái nhìn trung đạo về kinh tế, Phật giáo dần dần chỉ còn là tôn giáo hình thức như các tôn giáo độc thần Tây Phương hiện nay trong lòng xã hội Tây Phương.

Không nhấn mạnh đến yếu tố từ bi, trí tuệ hay ‘nhập thế’, trước hay sau gì Phật Giáo cũng biến thành một loại tín ngưỡng  của người chết (ma chay, cầu đảo) không còn là một triết lý sống sinh động nữa.

13. Phật giáo phải biết mình đứng chỗ nào trước những tiến bộ khoa học di truyền hay điện tử. Phật tử nên biết phải phản ứng thế nào trước khoa học tạo sinh trung tính (Cloning), về trợ tử để giúp những người bị bệnh trầm kha chết có phẩm cách?

Tăng già có nhận vào hàng ngũ của mình những người đồng tính luyến ái, một vấn đề hiện đang chia rẽ các tôn giáo độc thần Tây Phương?

Tăng già nghĩ gì về tình dục và nên có thái độ trung đạo nào đối các tăng ni chưa đủ nghiệp lực nên đã phạm giới?

Để trả lời những vấn nạn xã hội của thời đại chúng ta, những vấn nạn mà người dân và chính những Phật tử bị bế tắc và cần đến lời khuyên dạy của chư Tăng Ni, Giáo hội phải vận dụng đến lời dạy của Đức Phật như thế nào, phải huy động nguồn vốn tri thức của Cư sĩ chuyên ngành như thế nào?

14. Cuối cùng phải có cái nhìn vô tướng và tránh bệnh hình thức. Hiện nay ảnh hưởng phong trào ‘xưng danh’ ở trong nước, nhiều tăng ni dùng các danh hiệu như “Thượng Toạ, (Đại Đức) Tiến Sĩ. XYZ”. Đó là chưa kể các chức vụ dài dòng.

Sa Môn XYZ, Tỳ Kheo XZY nghe khiêm cung và nhẹ nhàng hơn. Đi theo vết chân Phật, hành trang thế gian và ngã chấp của tăng ni và cư sĩ càng ít càng tốt. Nói như Khổng Tử, ‘ta đi tìm lễ nhạc, mà chỉ thấy toàn chiêng trống!’. Lễ nhạc nhằm di dưỡng tinh thần. Chuông trống là dụng cụ kiếm ăn của đoàn sơn đông mãi võ.

Nói tóm lại, sự chọn lựa đã rõ ràng. Thời đại đổi mới, tổ quốc đổi mới, xã hội đổi mới, Phật tử đổi mới, do đó Phật giáo Việt Nam cũng phải đổi mới hay sẽ bị đào thải.

Đổi mới mà đúng hướng và bền vững thì gọi là tiến bộ, thì gọi là chấn hưng. Chỉ cần hàng giáo phẩm các giáo hội có ý chí đạo đức  (moral will) và sức mạnh trí tuệ trên một nền tảng tâm linh mà thôi.

Vì tâm thành và trăn trở trong tình trạng khẩn cấp hiện nay, nếu chỗ nào chúng tôi không giữ được ái ngữ, chúng tôi xin thành tâm sám hối.

Theo: Giaodiemonline

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch