Phật giáo & Tuổi trẻ
Thanh niên Phật tử và những vấn đề tâm linh
04/04/2010 01:13 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Xem hình

Có lẽ một trong những vấn đề khó khăn mà giới thanh niên hiện nay trên thế giới đang phải đối mặt chính là sự băng hoại những giá trị đạo đức và tâm linh của một số người thuộc thế hệ trẻ.

Tất nhiên quan điểm này có thể bị phản đối. Mỗi thế hệ trong mỗi giai đoạn lịch sử thường ưu tư về sự suy đồi các chuẩn mực đạo đức. Dường như chúng ta không khác gì cha ông mình.

Điều mà chúng ta dễ dàng nhận ra là xã hội ngày nay phát triển quá nhanh, nhanh hơn bất cứ thời điểm nào khác trong lịch sử. Những tiến bộ to lớn trên các lĩnh vực công nghệ, xã hội và kinh tế đã làm thay đổi không chỉ ở khía cạnh vật chất của nền văn minh mà còn thay đổi cách cư xử của con người đối với thế giới xung quanh mình.

Tri thức cùng những phương pháp để giải quyết những khó khăn trong cuộc sống đã khiến cho con người khó có thể tiếp nhận rộng rãi những tín ngưỡng đáng kính vốn đã ảnh hưởng tư duy nhân loại trong hơn sáu ngàn năm qua.

Khi nói rằng các chuẩn mực đạo đức và tâm linh đang bị băng hoại, chúng ta có thể cho rằng thế hệ đi trước đã không hiểu được con cháu mình đang nhìn cuộc đời như thế nào. Giới trẻ ngày nay không còn mang trong mình những niềm tin mê muội, lỗi thời xa xưa mà họ nhìn thế giới với một nhãn quan khác và dễ dàng thích ứng với cuộc sống mới.

Thế hệ cha ông không thể từ bỏ những giá trị quá khứ, còn thế hệ trẻ lại từ chối những giá trị nào không đưa mối quan hệ của họ với xã hội lên hàng đầu. Chúng ta cũng cần biết rằng sự bất đồng này giữa lớp già và trẻ hay “khoảng cách thế hệ” này là một hiện tượng tự nhiên.

Thực ra, sự đối kháng của giới trẻ đối với những tư tưởng lạc hậu rất cần thiết cho sự tiến bộ, vì rằng, dù muốn hay không chúng ta cũng phải tiếp xúc với những tư tưởng mới trên đà tiến hóa chung.

Song, giới trẻ cũng không nên cho rằng tất cả những quan niệm cổ xưa đều vô bổ. Trong vũ trụ này có những chân lý không bao giờ thay đổi. Điều duy nhất có thể thay đổi là phương cách thích ứng với những chân l‎ý ấy trong đời sống thường nhật của mình.

Cuộc sống ngày nay đương nhiên là ít gian khổ hơn trong quá khứ. Ngay đầu thế kỉ XX mỗi thế hệ đều chạy theo những khuôn mẫu căn bản như con theo gương cha. Riêng đối với những quốc gia nông nghiệp, nơi mà phần lớn dân chúng phải bám trụ vào ruộng nương của mình thì sự tiến bộ của xã hội diễn ra rất chậm chạp, tư duy và tư tưởng sống luôn bị rập khuôn trong một thời gian dài.

Ngày nay vì hậu quả của hai cuộc thế chiến cùng với những tiến bộ của khoa học và công nghệ, chúng ta không còn tin vào quan niệm ấu trĩ rằng: “Thượng đế đang ngự trên Thiên đường và mọi việc đều đã được an bài”.

Trước mối đe dọa về sự hủy diệt khủng khiếp của vũ khí hạt nhân, chúng ta không thể đảm bảo được tương lai của mình, và thậm chí có thể sẽ không có tương lai nữa. Ngày xưa người ta thường làm lành, tích đức để vun bồi cho hạnh phúc đời sau, còn ngày nay ai cũng cố gắng làm sao để đời sống của mình được đầy đủ nhất, để thỏa mãn những cảm xúc thấp hèn và để kịp tận hưởng những lạc thú trần gian.

Và như thế, quan niệm về kiếp sống vị lai không được minh định và đối với nền văn minh hiện đại, những gì không được chứng minh, kiểm nghiệm và lý giải rõ ràng thì không được chấp nhận.

Do đó giới trẻ không chấp nhận niềm tin của cha mẹ mình về kiếp sống tương lai vì họ cho rằng niềm tin như thế không hợp lý và thiếu thực tế. Đối với họ, điều hiện thực duy nhất là cuộc sống hiện tại, điều đáng đeo đuổi duy nhất là sự thỏa mãn cảm giác trong đời sống vật chất của mình.

Tuy nhiên, những sự thật trên cũng chưa đủ để nói rằng giới trẻ ngày nay suy đồi hơn hay yếu kém về mặt tâm linh hơn các thế hệ trước. Ngược lại, có lẽ hơn lúc nào hết trong lịch sử, nhờ sự phát triển của giáo dục giới trẻ ngày nay có nhiều lý tưởng và chí hướng hơn trong tinh thần phụng sự nhân loại. Chỉ cần xem buổi hoà nhạc “Yểm trợ châu Phi” gần đây chúng ta cũng phần nào thấy được tinh thần đó của giới trẻ trên khắp thế giới.

Song có một điều gì đó đã bị lãng quên. Giới trẻ có thể quá lý tưởng hóa và trong nhiều trường hợp chủ nghĩa lý tưởng này bị lệch hướng. Họ bị sa lầy bởi những giáo điều tôn giáo lầm lạc và sự sa lầy này quá trầm trọng đến nỗi họ bắt đầu cảm thấy nghi ngờ tất cả tôn giáo khác.

Trong khi tôn giáo trong quá khứ là một động lực hợp nhất lớn lao và luôn mang lại những giá trị tốt đẹp cho con người trong các lĩnh vực: nghệ thuật, điêu khắc, triết học, âm nhạc, kiến trúc v.v… thì lại có những nhà tôn giáo thiếu đạo đức đã lợi dụng tôn giáo vì mục đích ích kỷ của họ.

Chúng ta không thể phủ nhận những trường hợp hạch sách, ngược đãi tôn giáo, tham nhũng, sân hận, tham lam và đạo đức giả… tất cả những thứ này được thực hiện trên danh nghĩa cứu rỗi nhân loại.

Có lẽ điển hình rõ nét nhất của trường hợp này là bi kịch Jim Jones hay Guyana xảy ra cách đây vài năm. Kết quả là giới trẻ không còn tin vào những thể chế tôn giáo và họ nhìn các thầy tu với cặp mắt đầy ngờ vực. Nhưng, phải chăng chỉ có khoa học mới mang lại cái ăn, cái mặc và chỗ ở cho hàng triệu người đói khát?

Tất cả những điều này đều đúng cả. Nhưng như tôi đã nói ở trên, sự thật là những sự đối kháng hay chống đối tôn giáo đều là những việc sai lầm. Trong khi có những người vô đạo đức đã lợi dụng tôn giáo thì cũng có những nhà lãnh đạo tôn giáo và những nhà hoằng pháp rất đáng kính.

Những lời dạy của họ đã góp phần tạo nên nền hòa bình và mang lại niềm an lạc tinh thần cho nhân loại. Giới trẻ cần được học hỏi để có thể phân biệt giữa hai phạm trù tôn giáo l‎ý thuyết và tôn giáo thực nghiệm. Nếu như tôn giáo thực nghiệm quả thật vô nghĩa thì người trẻ tuổi cứ việc phản đối và thực hành những đường hướng mới theo giáo l‎ý chân chính của tôn giáo mà mình ưa thích.

Chẳng hạn như có nhiều người Phật tử trẻ tuổi từ chối việc đốt vàng mã và tham dự những nghi lễ rườm rà, vì họ cho rằng những việc này vô nghĩa và chẳng giúp ích gì cho nền tri thức của loài người. Nhưng họ nên biết rằng Phật giáo không bắt buộc họ tham dự vào những lễ nghi như thế.

Việc hành lễ chí thành có tác dụng riêng mà nhờ đó ngay cả một người thất học cũng có thể thể nghiệm được những kinh nghiệm tôn giáo, nhưng tất nhiên khi một nhà trí thức cho rằng anh ta có thể lãnh hội được những kinh nghiệm tôn giáo một cách sâu sắc mà không cần đến nghi lễ thì anh ta cứ tự do làm như vậy. Trong Phật giáo, nghi lễ chỉ là giai đoạn đầu để đưa đến sự thăng hoa tâm linh. Khi tâm thức của một người càng tiến bộ bao nhiêu thì người đó càng ít quan tâm đến những sinh hoạt văn hóa này bấy nhiêu, nhưng anh ta không nên chỉ trích những người tham dự các sinh hoạt như thế hay lên án những tôn giáo nào cho phép tín đồ mình làm như vậy.

Những lối sinh hoạt này đã từng phát triển trong quá khứ vì những l‎ý do đúng đắn và cuối cùng chúng trở thành một bộ phận của nền văn hóa nhân loại. Vốn là một yếu tố đặc thù, nét văn hóa này làm cho con người cảm thấy an tâm bởi vì nó giúp cho họ không bị cô đơn, có ‘gốc rễ’ và họ có thể quay về nếu cảm thấy nó có nguy cơ bị biến mất. Giới trẻ ngày nay cần được học hỏi từ cội nguồn của những sinh hoạt tôn giáo và tự xem xét có nên duy trì những nếp sinh hoạt đó theo giáo l‎ý của tôn giáo mình hay không. Họ chỉ nên chống lại những nếp sinh hoạt này nếu như chúng có hại và hoàn toàn vô nghĩa.

Những người trẻ tuổi cần phải hiểu rằng khoa học đã làm thỏa mãn những nhu cầu vật chất của con người nhưng nó không đáp ứng được những nhu cầu tâm linh. Một con người hoàn toàn thiên về vật chất sẽ không thể nào cảm nhận được những cảm xúc cao thượng của lòng tri ân, tình thương, sự hối tiếc, sự cảm thông và lòng từ ái. Người ấy có thể nghĩ rằng việc gì phải biết ơn những bậc song thân già nua của mình dù họ đã làm tròn bổn phận nuôi dưỡng mình. Tại sao ta lại không xa lánh họ, cũng như ta có thể đốn một cội cổ thụ một khi không cần đến tàn che của nó?

Khác với khoa học, tôn giáo dạy cho bạn những giá trị tâm linh thánh thiện. Theo Phật giáo, con người thường có ba bản năng: thú tánh, nhân tánh và thiên tánh. Thiên tánh là khả năng phát triển những giá trị đã được đề cập ở trước. Nhờ vào sự phát triển những giá trị tâm linh mà tôn giáo đã giảng dạy, người trẻ tuổi mới có thể sống đúng với thiên tánh. Sự thành tựu thiên tánh này có thể là mục đích tối hậu và đó không phải là lời hứa suông về một thiên đường hoang tưởng hay một thứ hạnh phúc giả tạm bên ngoài.

Tất nhiên việc phát triển tâm linh và những giá trị tinh thần trong một thế giới mà dục vọng và những cảm xúc thỏa mãn đang ngự trị quả là một điều khó khăn. Ngày nay công nghệ giải trí đã trở nên quá kĩ xảo trong việc thỏa mãn những thú tánh của con người và vì thế việc thăng hoa tâm linh không dễ dàng chút nào.

Tuy nhiên, vì kế thừa được những trào lưu tâm linh được phát triển trong quá khứ, một số người trẻ tuổi đã trở nên gắn bó với các sinh hoạt tôn giáo. Những vị này đã bắt đầu khuyến hóa những người khác và chỉ ra cho họ thấy rằng hạnh phúc có được từ kinh nghiệm tâm linh luôn bền vững và lâu dài hơn hạnh phúc bắt nguồn từ sự thỏa mãn dục lạc.

Phần lớn những thứ dục lạc này luôn làm tổn thương đến thể xác và nghiêm trọng hơn, chúng còn làm hoen ố tâm thức trong trắng của con người. Không ai đã từng tham đắm dục lạc lại dám tuyên bố rằng những cảm xúc thấp hèn đó không còn đọng lại trong họ những vết bẩn của tội lỗi và ân hận.

Tất nhiên tội lỗi và ân hận rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, sự tham đắm dục lạc còn gây ra những nỗi khao khát to lớn và chừng nào những khao khát này chưa được thỏa mãn thì khi đó con người vẫn còn bi lụy và khổ đau.

Chỉ khi nào từ bỏ được sự tham đắm vào dục lạc và phát triển được sức mạnh tâm linh thì khi đó người ta mới mong có được một niềm hạnh phúc chân thực. Những người trẻ tuổi có trách nhiệm phải nỗ lực tự mình là những tấm gương sáng cho những người khác sao cho thế giới này trở thành một hành tinh an lạc cho mọi sinh linh.

Tất nhiên tất cả những điều này không có nghĩa là giới trẻ ngày nay phải hoàn toàn từ bỏ mọi thú vui trên trần gian này. Điều này không những không đúng mà còn không cần thiết nữa. Có hai loại thú vui trong thế giới này. Loại thứ nhất chúng ta đã bàn đến, loại thú vui này nguy hại và không đưa đến sự thăng hoa tâm linh.

Ngược lại có nhiều niềm vui vô hại mà người trẻ tuổi cần phải hướng đến trong đời sống tâm linh của mình để có thể trở thành những người Phật tử tại gia cao thượng. Các hình thức giải trí như âm nhạc, ca hát, khiêu vũ, tiệc tùng... có thể sẽ vô hại nếu chúng mang tính văn hóa cao.

Tuy nhiên hòa trong những hình thức sinh hoạt đó con người cần trau dồi tâm thức của mình và đừng để cho thú tánh khởi lên. Chúng ta không nên chần chừ trong việc triển khai các hoạt động văn hóa để làm cho con người quan tâm hơn đến những điều cao thượng trong cuộc sống này.

Phật giáo chưa bao giờ xem nhẹ các giá trị cao đẹp của tình thân hữu và tinh thần đoàn kết. Và nếu như thông qua các hoạt động xã hội như thế người trẻ tuổi tìm được những người bạn có thể hỗ trợ cho mình trong việc phát triển đời sống tâm linh thì những hoạt động này rất đáng được khuyến khích.

Thế giới hôm nay không khác gì thế giới ngày xưa và nhân loại cũng chẳng có gì đổi khác. Thực ra, trên phương diện vũ trụ học, suốt chiều dài sáu ngàn năm mà con người đã xây đắp nền văn minh vừa qua cũng chẳng là bao so với thời gian vô tận của vũ trụ.

Môi trường vật chất xung quanh ta đã trở nên an toàn và tiện lợi hơn nhưng thực ra sự thay đổi đó cũng chẳng là bao. Cái đổi thay chính là thái độ đối với cuộc sống và thái độ này vẫn đang thay đổi. Giới thanh niên của những thập niên sáu mươi cảm thấy choáng váng với cha mẹ mình bởi nền văn hóa “người bông” và những bậc cha mẹ ngày nay lại bị choáng váng với con cái của họ vì “văn hóa nhạc Rock” và những thứ “Rock” này trong tương lai sẽ làm choáng váng con cái của những ai đang say mê nó. Đây là một sự thực, một qui luật của vũ trụ.

Những gì mà người trẻ tuổi thông tuệ hay những người có tâm huyết đối với tôn giáo cần phải làm là phải nhận thức được những chân lý vĩnh cửu và bất biến trong Chánh pháp mà đức Phật đã từng khám phá. Họ phải thấu hiểu được những chân l‎ý này và cố gắng sống có ý nghĩa. Rồi sau đó họ phải khuyến hóa những người khác cùng noi theo nếp sống chân chính của mình, không phải bằng cách rao giảng hay mua bán tôn giáo, mà bằng chính tấm gương của mình.

Khi những người khác thấy rằng nếp sống thấm nhuần tinh thần Phật pháp của bạn đã mang lại cho bạn sự an tịnh, tự tại và thanh thản, thì họ cũng sẽ bị cuốn hút theo bạn. Đừng bao giờ hạ thấp giá trị cao thượng của Chánh pháp bằng ý đồ vụ lợi.

Tốt hơn hãy noi theo lời dạy của bậc Đạo sư: “Nếu các vị muốn tôn vinh Như Lai thì hãy sống theo giáo pháp mà Như Lai đã dạy”. Đừng lo lắng về việc “cứu độ” người khác, hãy cố gắng “tự cứu” mình trước. Nếu mỗi và mọi người cố gắng “cứu độ” mình thì có lẽ niềm tin về một vị cứu tinh cũng không cần đến. Hãy nhớ những gì mà đức Phật đã dạy: “Dầu tại chiến trường thắng được ngàn quân địch chưa thể gọi là chiến thắng; tự thắng được chính mình mới là chiến công oanh liệt nhất.”

Dhammananda
Thích Đồng Thành (dịch) (Theo Phapluanonline)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch