Phật giáo & Tuổi trẻ
Tìm lại chính mình
PHAN MINH HIỀN
03/05/2015 21:35 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tiền của vật chất, danh vọng quyền thế không mang lại hạnh phúc thật sự cho con người, tất cả chỉ là phù du tạm bợ. Niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và khổ đau xen lẫn, chồng chéo lẫn nhau, hiện hữu cuộc đời như những tấn tuồng không hơn không kém.

Trên thế gian, con người đổ xô đi tìm hạnh phúc, nhưng hạnh phúc tìm được hóa ra chỉ là ảo ảnh của cuộc đời. Nó mong manh, phù phiếm, có đó rồi mất đó, và tự trong nó đã mang mầm mống của khổ đau.

Tiền của vật chất, danh vọng quyền thế không mang lại hạnh phúc thật sự cho con người, tất cả chỉ là phù du tạm bợ. Niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và khổ đau xen lẫn, chồng chéo lẫn nhau, hiện hữu cuộc đời như những tấn tuồng không hơn không kém. Đời sống con người ngắn ngủi, mục đích của đời sống ấy là gì? Trước và sau đời sống ấy là gì? Chúng ta vẫn chưa trả lời những câu hỏi đó.

Một lần Đức Phật trở lại Ưu-lâu-tần-loa, một thị trấn trong thành Vương xá nước Ma-kiệt-đà. Đức Phật đến khu rừng nơi Ngài thành đạo với ý định thuyết pháp cho những người đã cúng dường Ngài thực phẩm khi Ngài còn là nhà tu khổ hạnh. Dọc đường Ngài ngồi nghỉ dưới một gốc cây trong rừng, thình lình có ba mươi thanh niên chạy đến hỏi xem Ngài có trông thấy một cô gái chạy qua không. Đám thanh niên bảo rằng họ cùng các cô vợ trẻ đến khu rừng vui chơi, một người trong bọn họ còn độc thân nên mang theo một nữ tỳ, cô ta đã thừa lúc sơ hở trộm tiền bạc của họ và trốn mất, bọn họ đang cố công truy tìm.

Đức Phật hỏi các thanh niên: “Này các thiện nam tử, chư vị nghĩ thế nào? Đi tìm cô gái đã bỏ trốn và đi tìm chính mình, việc nào tốt hơn?”. Các thanh niên trả lời: “Thưa sa-môn, đi tìm chính mình tốt hơn”. Đức Phật bảo: “Vậy này các nam tử, hãy ngồi xuống đây và Ta sẽ nói pháp cho chư vị nghe”.

Rồi Đức Phật thuyết pháp thuận thứ và giảng Tứ Thánh đế cho các thanh niên nghe. Sau thời pháp, ba mươi thanh niên giác ngộ cầu xin xuất gia và được Phật nhận lời*.

Đi tìm chính mình mới là việc làm quan trọng nhất và cần kíp nhất. Ta là ai? Ta từ đâu đến và sẽ đi về đâu? Bộ mặt thật của ta khi cha mẹ chưa sanh ta ra là gì? Tất cả vẫn là câu hỏi của những người đang tìm lại chính mình. Cách đây trên 2.500 năm, Đức Phật cũng đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó. Sáu năm tầm sư học đạo và tu hành khổ hạnh, bốn mươi chín ngày đêm thiền định, cuối cùng Ngài đã tìm ra câu giải đáp.

Tự cổ chí kim có biết bao công trình, kiệt tác được tạo dựng lên, nhưng không có thành tựu nào vĩ đại bằng sự tìm lại được chính mình, bằng sự giác ngộ tìm ra chân lý, trí tuệ giải thoát mọi khổ đau. Có biết bao anh hùng hào kiệt làm nên những kỳ công kỳ tích, có biết bao danh nhân bác học nhưng vẫn mờ mịt trước bản chất của cuộc đời. Có biết bao nhà hiền triết lặn ngụp trong biển kiến thức, tư duy để mong khám phá những bí ẩn của đời sống và tìm lại chính mình. Nhưng tất cả đều vô vọng cho đến khi Đức Phật tìm ra chân lý vượt ra ngoài bản ngã của chính mình. Con đường tìm lại chính mình là con đường Bát Chánh đạo, là con đường đi đến sự rũ bỏ ngã ái chấp thủ. Đức Phật đã nói điều này trong bài pháp đầu tiên Tứ Thánh đế và kế đó là kinh Vô Ngã Tướng, giúp cho năm vị đệ tử đầu tiên là anh em ông Kiều-trần-như đều chứng quả giải thoát.

Trong bài kinh Vô Ngã Tướng, Đức Phật dạy: Vì năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức là vô ngã nên vô thường, biến hoại, do đó dẫn đến khổ não và ta không thể mong năm uẩn như thế này hay như thế khác theo ý muốn của ta. Phàm sắc gì, thọ gì, tưởng gì, hành gì, thức gì thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai, hoặc trong hay ngoài, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, cần phải được như thật quán với chánh trí như sau: “Cái này không phải là của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta”. Khi quán sát như vậy, vị thánh đệ tử nhàm chán sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy được tự tại giải thoát.

Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy vì ảo tưởng về một cái ngã nên chúng ta đi từ mê lầm này đến mê lầm khác. Chúng ta cho rằng tấm thân năm uẩn này là ta, là của ta. Tức thân vật lý (sắc), tri giác (thọ), ý thức, tư duy, hành động, nhận thức hiểu biết (tưởng, hành, thức) là ta, là của ta. Từ đó chúng ta sinh tâm yêu mến, gìn giữ, muốn nuôi dưỡng, tô điểm trau chuốt, bảo hộ nó v.v.

Đó là đối với con người ngũ uẩn, còn đối với thế giới ngũ uẩn cũng vậy, ta cho rằng mọi sự mọi vật ngoài ta cũng có chủ thể, cũng có thật tướng và tồn tại độc lập với ta, từ đó ta thấy có sự đối đãi rồi sinh tâm yêu ghét, khởi niệm điên đảo.

Trong kinh Pháp môn căn bản (Trung Bộ kinh I), Đức Phật dạy: “Vì phàm phu tưởng tri 24 pháp (địa, thủy, hỏa, phong, sinh vật, tình cảm, nhận thức hiểu biết, các cõi trời, các quả thánh v.v.) là có chủ thể nên người ấy nghĩ đến 24 pháp, nghĩ đến tự ngã đối chiếu với 24 pháp, hoặc nghĩ tự ngã như là 24 pháp, hoặc nghĩ 24 pháp là của ta, từ những nguyên nhân đó kẻ phàm phu dục hỷ 24 pháp. Còn các bậc giác ngộ A-la-hán và Phật thì thắng tri 24 pháp, nên không nghĩ đến 24 pháp, không nghĩ đến tự ngã đối chiếu với 24 pháp, không nghĩ tự ngã như là 24 pháp, không nghĩ 24 pháp là của ta, không dục hỷ 24 pháp, vì các bậc A-la-hán và Phật đã liễu tri 24 pháp, các Ngài biết rõ dục hỷ là căn bản của khổ đau, từ hữu sanh khởi lên, và già chết đến với các loài. Do vậy, với sự đoạn tận khát ái, sự ly tham, sự xả ly, các Ngài đã giác ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Muôn sự trong đời và tất cả những nỗi khổ đau đều do chấp ngã và tham ái gây ra. Con người thật sự của chúng ta và bộ mặt của cuộc đời là thực tại vô ngã. ■

Đức Phật và Phật pháp, Nàrada Mahà Thera, Phạm Kim Khánh dịch.

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 167

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch