Phật giáo & Tuổi trẻ
Chuyện những thí sinh lần đầu ở chùa
Tâm Minh St
16/07/2013 14:30 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Qua những cuộc tiếp xúc, chúng tôi cảm nhận được rằng, đa số các bạn thí sinh đều muốn ở lại chùa...

Lần đầu tiên em rời xa quê lên chốn đô thành đông đúc, với một mớ những nỗi lo, lo về nơi ăn chốn ở, địa điểm thi, lo đường sá với xe cộ đông nghẹt và gặp những người xa lạ không biết họ như thế nào và thấy lo… Nỗi lo không chỉ riêng em mà còn của ba mẹ và cả gia đình, nhưng nó đã được xóa mờ khi được “tiếp sức” bởi chương trình Tiếp sức mùa thi do Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư tổ chức.

Các bạn được ăn, ở miễn phí tại các ngôi chùa, được các tình nguyện viên (TNV), quý thầy, sư cô hướng dẫn đường đi lối về, và có khi chở đến tận địa điểm thi.

danh 1.jpg

Các thí sinh ở chùa Bửu Đà (Q.10, TP.HCM) được tặng đồng phục, quà may mắn 
cũng như được nhà chùa tổ chức một buổi lễ cầu nguyện riêng - Ảnh: Như Danh

Các thí sinh lần đầu ở chùa chia sẻ rằng, những lời nói, cũng như sự quan tâm từ quý thầy, sư cô, rồi không khí thanh tịnh trang nghiêm ở chùa đã giúp cho nhiều bạn cũng như phụ huynh rất yên tâm, tinh thần thoải mái nên việc thi cử trở nên tốt đẹp hơn.

Trước khi đến ở chùa, nhiều bạn thí sinh và phụ huynh cũng rất lo lắng nhưng sau khi sống ở chùa rồi thì muốn… ở luôn. Đó là trường hợp của bạn Lý Hưng Phát, thi đợt 1, đăng ký vào Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, đến từ Bảo Lộc (Lâm Đồng), lưu trú tại chùa Bửu Đà (Q.10). Hưng Phát bộc bạch: “Trước khi đi em nghĩ mình sẽ đến ở một nơi xa lạ, lần đầu mới tới chắc sẽ bơ vơ, không ai hướng dẫn. Nhưng đến đây, mọi thứ đều khác so với suy nghĩ của em. Quý thầy chăm lo từ ăn, uống, ngủ nghỉ đến đi lại, dặn dò từng ly từng tí về cách thức làm bài thi, rồi quý thầy còn tổ chức lễ cầu nguyện, tặng bút, áo cho tụi em nữa. Giờ em thích ở chùa luôn à. Ở đây quý thầy tận tình chăm sóc chu đáo cho bọn em như cha mẹ vậy”.

Bạn Trần Thị Bích Phượng cũng đến từ Bảo Lộc, thi vào Trường Đại học Công nghệ thực phẩm, ở tại chùa Phước Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM) thì cảm nhận: “Em có đạo Công giáo, biết đến chương trình là do bạn học cùng lớp giới thiệu, trước khi đến chùa, em nghĩ nơi này gò bó, nhiều quy tắc nhưng khi vào chùa sống, em thấy mọi người rất hòa đồng, vui vẻ, các bạn thí sinh đều rất dễ gần khi lần đầu tiên gặp. Nếu như điểm thi đợt 2 của em không quá xa chùa thì chắc là em không chuyển đi đâu. Ở đây quý sư cô lo lắng, quan tâm hết mực cho bọn em. Trước ngày đi thi, các cô nấu những món ăn rất bổ dưỡng và ngon cho bọn em, rồi khi bọn em chuyển chùa cô còn tặng quà cho bọn em…”.

Các bạn sau khi được sống ở chùa, đều rất thích và học được nhiều bài học về tình thương cũng như sự hòa đồng cũng như tính tự lập. “Em cảm thấy rất thú vị khi được ở chùa vì ở đây có các sư thầy rất tốt, vui tính, tạo cảm giác thoải mái cho bọn em. Em biết bình tâm suy nghĩ trước việc làm của mình, đặc biệt là học được bài học từ tấm lòng vị tha của các thầy nơi đây”. Bạn Nguyễn Quang Vỹ đến từ Đắk Lắk, thi đợt 1 vào Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ở tại chùa Phước Tường, Q.9 chia sẻ.

Một bộc bạch khác: “Ở chùa em học được tính tự lập, hòa đồng với bạn bè và cách sống làm sao cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế và môi trường mình sống”, đó là lời của bạn  Đặng Thị Hữu Duyên, đến từ Bình Thuận, bạn thi khối A vào ngành Sư phạm tiểu học Trường Đại học Sài Gòn, ở trọ tại chùa Phước Hải, Q.10.

Nhiều phụ huynh cũng đã rất xúc động khi được PV hỏi về cảm nhận lần đầu ở chùa. Cô Hồng, ở Đắk Lắk, dẫn con gái đi thi và lưu trú tại chùa Bửu Đà, Q.10 nói: “Tuy ở có vài ngày, nhưng cái tình của thầy và các em làm mình thấy gắn bó lắm”. Hai mẹ con cô không biết đến chương trình Tiếp sức mùa thi của Phật giáo, chỉ là tình cờ gặp, rồi được các TNV tận tình chỉ dẫn, chở đến tận nơi. Cô bảo: “Mình thật sự rất may mắn, chắc phải có phước duyên nhiều lắm mới được ở chùa, quý thầy ở đây quá tốt, quá chu đáo, chỉ biết là khuyên con cố gắng thi thật tốt để trả ơn quý thầy, quý cô Phật tử nhà bếp đã chăm lo chu đáo mọi việc”.

Qua những cuộc tiếp xúc, chúng tôi cảm nhận được rằng, đa số các bạn thí sinh đều muốn ở lại chùa mình đã trọ thi trong đợt 1, nhiều bạn quyến luyến quý thầy, quý cô không muốn qua chùa khác. Có nhiều thí sinh và phụ huynh quyết định ở lại chùa dù địa điểm thi đợt 2 khá xa.

Thiết nghĩ, đó là thành công của chương trình Tiếp sức mùa thi của Phật giáo mà không có chương trình nào có thể so sánh được, ở đó, đọng lại tình thương và những điều rất giản dị nơi lòng từ bi của quý thầy, sư cô cũng như lòng nhiệt huyết của người trẻ TNV. Tất cả gieo vào lòng các sĩ tử và phụ huynh niềm yêu mến đạo Phật...


Từ “mặt trận” Cần Thơ

Quý và thương trước sự tận tình của đội ngũ tình nguyện viên (TNV), không ít phụ huynh gọi điện thoại nhờ người thân gửi lên mớ chôm chôm, thanh long, cây nhà lá vườn đãi TNV thay cho lời cảm ơn.

danh 2.JPG

Thí sinh cùng TNV chế tác bữa ăn cho chính mình - Ảnh: Ngọc Trân

Trong chiếc áo bà ba cũ, sờn vai, phụ huynh của thí sinh T.T gửi gắm: “Đây là quà quê, gửi các cháu ăn lấy thảo, nhiêu đó chẳng là bao so với sự giúp đỡ của thầy, các cháu đối với em nó. Đừng từ chối, nhận cho cô vui. Mấy cháu nhường cả cơm cho 2 mẹ con cô ăn. Biếu mớ trái cây này, thấm vào đâu cơ chứ. Gia đình cô không bao giờ quên cái ơn này đâu”.

Được tiếp sức suốt mùa thi năm nay, 13 ngày ở chùa Khánh Quang, khi buổi thi gần kết thúc, chuẩn bị về quê, cô Tiến, phụ huynh của em Trịnh Minh Ngoan bày tỏ: “Ở quê lên đây đi thi, có chùa, có quý thầy với các em TNV giúp đỡ, sắp xếp chu đáo chỗ ăn, ở, với gia đình chúng tôi, đó là may mắn lớn. Ở chùa tốt lắm, ăn chay nhưng ăn rất ngon. Về nhà, chắc nhớ lắm”.

Còn em Lý Trần Kiên, quê Bạc Liêu bộc bạch: “Ở chùa, được lo đầy đủ, em không thiếu gì cả và được quý thầy chăm chút tận tình. Nếu như không được nhà chùa tiếp sức, mùa thi năm nay chắc gia đình em tốn bộn tiền. Có chương trình TSMT, thí sinh đi thi xa quê như tụi em, đỡ lắm. Em cảm ơn BTC rất nhiều”.

Nhận được sự hỗ trợ của chương trình, không ít thí sinh hứa rằng sẽ xin đăng ký làm TNV cho mùa sau. “Em thấy các anh, chị TNV rất tốt, giúp chúng em rất nhiều nên dù năm nay có đậu đại học hay không thì năm sau, em vẫn muốn đăng ký làm TNV để tiếp sức lại cho các em đến sau. Nếu không đậu đại học, em sẽ học trung cấp và cố gắng sắp xếp để thực hiện công việc của người TNV đầy ý nghĩa này”, Nguyễn Thị Thắm, thí sinh đến từ Kiên Giang bày tỏ.


Theo: www.giacngo.vn

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch