Phật giáo & Tuổi trẻ
Thay đổi thói quen
07/12/2013 08:51 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thay đổi thói quen cũng chính là chuyển nghiệp, đó là cả một quá trình chứ không phải việc có thể làm dứt điểm ngay trong một sớm một chiều. Sự thay đổi ấy tùy thuộc vào ý chí, quyết tâm của người mắc thói quen và thói quen đó thuộc loại dễ bỏ hay khó bỏ.

Một số hoạt động nào đó trong đời sống được lặp đi lặp lại dần dần sẽ trở thành tập quán, thói quen; một phần không thể thiếu trong đời sống của con người. Ban đầu con người tạo ra các tập quán, thói quen. Sau khi các tập quán, thói quen hình thành chúng trở lại chi phối con người, con người xem chúng như những nhu cầu của đời sống.

Những ai có thói quen hút thuốc, khi không có thuốc thì họ sẽ mất tỉnh táo sáng suốt, cảm giác thèm thuốc hành hạ họ rất khổ sở. Người nhà quê ngày trước thường hay dán đuôi điếu thuốc rê vào cột nhà sau khi hút xong. Khi nào hết thuốc thì gỡ những đuôi điếu thuốc vấn đó xuống hút cho đỡ thèm.

images1063041_1.jpeg

Còn người có thói quen uống rượu, khi không có rượu thì tay chân yếu ớt, run rẩy, tinh thần không phấn chấn, không có sức làm việc. Ngày trước có một thời gian Nhà nước cấm nấu rượu, những người nghiện rượu không biết phải làm sao, bèn lấy men đem chôn dưới gốc cây dừa, mỗi khi thèm rượu thì hái dừa xuống uống. Họ bảo rằng chôn men lâu ngày dưới gốc dừa, khi uống nước dừa có mùi giống như rượu, có cảm giác như uống rượu, tuy không bằng rượu nhưng cũng đỡ thèm.

Người có thói quen cờ bạc, khi không có tiền để chơi thì cảm thấy ngứa ngáy tay chân, khó chịu trong lòng, có người không chịu nổi phải vay mượn tiền để chơi, hoặc lấy đồ nhà đem cầm đem bán, thậm chí sinh tâm trộm cướp. Mấy người ghiền số đề thì khi ngủ thường thấy người cho số để đánh, hoặc thấy trúng đề, lúc thức lúc ngủ thấy bất cứ chuyện gì cũng đem ra bàn để đánh số. Những người ghiền đề dù tán gia bại sản cũng khó bỏ thói quen đánh đề.

Nhiều thanh niên trẻ bây giờ có thói quen, hễ tối đến thì nhảy lên xe chạy ra đường, hôm nào không ra đường là không chịu nổi. Họ đi đâu? Ra các quán cà-phê, quán nhậu, ngồi đó nhâm nhi tì tì, rung chân huýt sáo, thả hồn theo tiếng nhạc hoặc tiếng tỉ tê của mấy cô phục vụ, tiếp viên. Có người thì đến các quán bar, vũ trường để tham gia các hoạt động ồn ào náo nhiệt.

Nhiều người đàn ông, phụ nữ đã có gia đình cũng thế, cũng tạo cho mình những thói quen như vậy, vì thế mà sự ấm áp trong gia đình không còn nữa, tình cảm gia đình ngày càng nhạt phai. Bởi sáng thì cả nhà tản ra đi làm, tối về lại chạy theo niềm vui riêng của mình, ai cũng có chỗ để đi, cho nên các thành viên trong gia đình đâu có thời gian gặp mặt, ngôi nhà chỉ là chỗ nghỉ qua đêm. Sau thời gian làm việc cần được nghỉ ngơi, có không gian thư giãn, giải trí, tuy nhiên việc ra quán cà-phê, quán nhậu, vũ trường đã trở thành một thói quen, khi không thực hiện thì mình cảm thấy khổ.

Trong xã hội tiêu thụ, người ta nghĩ nếu có nhiều điều kiện vật chất, được tiêu thụ càng nhiều thì đời sống sẽ là thiên đường hạnh phúc. Chính vì thế mà phải “cày bừa” từ sáng tới tối, đến bữa ăn phải mang công việc lên mâm cơm, đến giờ ngủ phải mang công việc lên giường ngủ. Bao nhiêu sự lao tâm khổ trí đều chỉ vì thói quen hưởng thụ do mình tạo ra. Mình tự tạo cho mình thói quen hưởng thụ và chiều theo nó, nô lệ cho nó, làm ra bao nhiêu tiền của vật chất cũng không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Bởi vì khi làm ra được thêm tiền của, có được thêm nhiều điều kiện hưởng thụ thì người ta lại tạo thêm cho mình những thói quen mới, có tiền nhiều thì xài nhiều, hưởng thụ nhiều hơn, đó chính là thói quen đua đòi, hưởng thụ.  

Con người ngày nay bị nhiều thói quen làm khổ, nào là thói quen ăn chơi hưởng thụ, thói quen đỏ đen (bài bạc, cá độ, đá gà, số đề…), thói quen chưng diện, thói quen lười vận động, thói quen đua đòi, tranh cạnh, thói quen mua sắm, thói quen xa xỉ, thói quen ong bướm, quan hệ tình cảm, giới tính bừa bãi, thói quen bấm điện thoại, lên mạng internet tán gẫu, chơi game, xem phim ảnh bạo lực, đồi trụy v.v… Hầu hết các thói quen, nghiện ngập trên đều làm khổ con người, làm khổ bản thân và những người thân của mình, những người xung quanh, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, xã hội. 

Việc thay đổi thói quen, bỏ những thói quen xấu, có hại là điều rất cần. Muốn làm được điều đó, bản thân người có thói quen phải ý thức được tác hại của thói quen mình mắc phải. Phải nhận thức rõ tác hại của nó và quyết tâm từ bỏ, sau đó mới thực hiện các biện pháp cần thiết.

Không tạo cơ hội, điều kiện cho thói quen đó tiếp tục. Ví dụ người có thói quen hút thuốc, uống rượu thì nên tránh xa hoặc hạn chế tiếp xúc với những người hút thuốc, uống rượu. Không để mắt tới những nơi có bán rượu, thuốc lá, không mua những thứ đó cất chứa trong nhà và cũng không mua giùm người khác (vì nó gợi lại những ham muốn, thèm thuồng).

Tạo những thói quen tốt, có lợi để dần dần thay thế những thói quen xấu, có hại. Sinh hoạt lành mạnh, tham gia các hoạt động nghệ thuật, thể thao, từ thiện, công ích, các hoạt động tâm linh, hoạt động văn hóa, học tập, nghiên cứu v.v..

Đối với những thói quen khó bỏ, người mang thói quen hoàn toàn bị lệ thuộc về tâm lý, thể chất, nếu ý chí họ kém cỏi, không mạnh mẽ để dứt bỏ thì nên bỏ từ từ, giảm dần tần suất thực hiện thói quen cho đến khi bỏ hẳn. Ví dụ như trước đây mỗi ngày hút một gói thuốc, nay giảm dần dần còn 2/3 gói, 1/2 gói, rồi mỗi ngày còn ba bốn điếu, hai ba điếu, sau đó bỏ hẳn. 

Tuy nhiên điều quan trọng nhất là phải quyết tâm, có thái độ dứt khoát, không nên có suy nghĩ: “Chỉ một lần này thôi”, “Đây là lần cuối cùng rồi mình từ giã vĩnh viễn”, “Thôi kệ, bỏ từ từ, không thể bỏ ngay được” v.v...

Thay đổi được những thói quen xấu, có hại thành những thói quen tốt, có lợi chính là chuyển nghiệp thành công, là làm mới mình, làm mới đời sống của mình theo chiều hướng tích cực. 

Phan Minh Đức

giacngo.vn

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch