Phật giáo & Tuổi trẻ
Nên hỏi ý kiến trẻ trước khi đưa lên chùa mùa nghỉ hè
27/06/2010 00:41 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thay vì việc cho trẻ về quê hoặc ép trẻ chạy xô theo những lớp học hè, nhiều bậc cha mẹ lại gửi con lên chùa theo học khoá tu để nghe giảng dạy về Phật pháp, cho trẻ làm quen với cuộc sống tự lập.


Miễn học phí

Đây là năm thứ hai thiền viện Trúc Lâm - Tây Thiên (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) mở khóa tu mùa hè cho trẻ em. Khóa tu với mục đích giảng dạy Phật pháp, giúp các em khám phá thiên nhiên và yêu thương mọi người. Ngoài ra, các em còn được học thiền, tập làm những việc lặt vặt như giặt quần áo, tự vệ sinh cá nhân...

Sư trụ trì Kiến Nguyệt đang giảng Phật pháp cho các trẻ. Ảnh: Hoài Nam

Em Nguyễn Quốc Khánh, 13 tuổi, quê ở Thái Nguyên, được bố mẹ xin lên ở chùa để học Phật pháp và học thiền ngay từ khi bắt đầu vào hè. Mặc dù thân hình nhỏ bé nhưng Khánh có thể ngồi thiền kiết già (vắt 2 chân lên đùi) 3 giờ đồng hồ không mỏi. Khánh khoe, em có pháp danh là Tuệ Hiếu Quốc, vì ngoan ngoãn thích tu hành nên các sư cho em ở lâu hơn các bạn khác. Ở thiền viện các em phải dậy từ 4 giờ sáng để tụng kinh hoặc ngồi thiền. Do đi ngủ từ 9h tối nên với Khánh không có gì là mệt mỏi.

Cũng giống như nhiều em trong lớp, Khánh thích nhất lên chùa là để được ăn chay. Em nói rất già dặn: "Giờ ăn thịt em thấy sợ, ăn chay để bảo vệ động vật, bảo vệ môi trường".

Em Đoàn Thị Phương Thục (15 tuổi), ở Hà Nội, cho biết: "Em theo trường phái Thiền Tông từ ngày còn tiểu học. Năm nào em cũng tu ở thiền viện Sùng Phúc - Hà Nội, năm nay em mới lên đây tu. Em rất thích đạo Phật, nó làm cho con người ta thanh tịnh và sống tốt đẹp hơn. Bố em cũng là người theo đạo Phật. Đạo Phật đã giúp bố vượt qua những mệt mỏi trong công việc và trong cuộc sống".

Sư Kiến Nguyệt Thích - Trụ trì thiền viện Trúc Lâm - Tây Thiên cho biết, khóa học hoàn toàn miễn phí, các phụ huynh chỉ mất tiền mua quần áo cho con, còn đóng góp tùy tâm. Năm đầu tiên nhà chùa chỉ nhận 60 em cho 1 khóa tu, nhưng khoá học năm nay lên tới 600 em.

Nên hỏi ý kiến trẻ

Mỗi ngày, sư thầy Huệ Tịnh phải ngồi bên chiếc điện thoại bàn để trả lời những câu hỏi của phụ huynh gửi con em lên thiền viện. Từ chuyện ăn uống, học tập đến chuyện quậy phá của con cái họ. Rút kinh nghiệm của các khóa tu trước, sư thầy Kiến Nguyệt cho rằng, để các khóa tu có hiệu quả, các bậc phụ huynh phải hỏi ý kiến của con em mình về khóa tu. Mỗi đứa trẻ có một cá tính khác nhau, không phải tất cả những đứa trẻ đều phù hợp với không khí thiền viện. Sắp tới thiền viện cũng sẽ thay đổi các môn học, dành nhiều thời giờ cho khám phá thiên nhiên.

Cũng theo các nhà sư, nếu trẻ không thích thì cha mẹ đừng nên ép để tránh tình trạng nhiều trẻ bị cha mẹ ép lên đây, nhưng không thích học đã tìm đủ mọi cách quậy phá để được về nhà. Có trường hợp trẻ đi chơi xa khiến các nhà sư phải chia nhau ra cả bến xe để tìm. Nhiều trẻ nghiện điện tử, nghiện ma túy, quậy phá, bố mẹ không quản nổi nên cho con lên đây phó mặc cho nhà chùa. Nhiều trẻ ăn xong ngại rửa bát nên mang ra núi vứt khiến các sư phải gom cả xe về rửa.

Người viết bài cũng đã từng gặp một nhóm trẻ vác gậy khắp rừng tìm rắn nước để đánh. Mấy phụ huynh lên đăng kí khóa tu thứ 2 cho con mình hỏi: "Này, cháu ơi, lên đây là cấm sát sinh cơ mà sao cháu lại tìm bắt rắn?". Cậu bé đeo kính cận, dáng công tử từ Hà Nội vừa lùng sục mấy con rắn trong hang vừa nói: "Ôi, cháu có phải thầy tu đâu mà không sát sinh. Bọn cháu chỉ lên đây hai tuần thôi”.

Dưới những tán cây thông thi thoảng lại gặp các sư đi tìm và dắt những đứa trẻ bỏ trốn về để chuẩn bị cho buổi nghe giảng pháp vào 2h30 chiều. Sư Đàm Nghiên cho biết, khi bắt đầu khoá học là 600 em nhưng sau một tuần chỉ còn 400, vì nhiều em không chịu nổi nên bố mẹ phải đưa về. Nhiều em thì buộc nhà chùa phải gọi bố mẹ đưa về vì quản không nổi, làm ảnh hưởng tới các em khác. Vì vậy, để cho những khoá học hè trên chùa được hiệu quả, các bậc cha mẹ nên hỏi ý kiến trẻ trước khi đưa con lên chùa.

Thủ tục đăng ký học trên chùa
- Đơn xin học cho trẻ của bố hoặc mẹ.
- Giấy khai sinh của trẻ.
- Chứng minh thư của bố mẹ, hộ khẩu gia đình.
- Sắp tới, thiền viện sẽ yêu cầu thêm giấy của nhà trường hoặc nơi cư trú.
- Điện thoại liên hệ: 2113814207

Theo Hoài Nam - GĐN

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch