Phật giáo & Tuổi trẻ
Hè, nhà chùa và trẻ học tu
28/06/2010 00:04 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Mùa hè đến, thiếu những sân chơi lành mạnh cho con trẻ, các bậc phụ huynh tìm câu trả lời cho cả vấn đề không gian, cả vấn đề tu tập đạo đức ở nơi cửa Phật. Nhưng...


Trong khi những vỉa hè vẫn là nơi kinh doanh buôn bán, các công viên vốn ít ỏi với các trò chơi cũ kỹ và đơn điệu, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, bác sĩ nghỉ hưu tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, nhận ra tất cả không gian cho cháu bà mùa hè này là “mỗi cái nhà và cái máy vi tính”.

Trẻ đang chơi trò chơi - một phần nội dung của khóa học tu
ở Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên mùa hè 2010. Ảnh: Tâm Vương.

Trong khi đó, báo chí đầy các dòng tít như “Hà Nội nháo nhào vì cắt điện”, “Vì sao phải cắt điện luân phiên”, “Miền bắc thiếu điện trên diện rộng”... tìm trên Google câu “sân chơi cho trẻ em” thì gặp những câu chuyện về trẻ em thôn quê chết đuối do tắm sông, trẻ em thành phố đá bóng trên đường gây tai nạn, học sinh phạm tội vì nghiện trò chơi điện tử...

Kỳ vọng nơi cửa Phật

Đưa cháu nội 10 tuổi tới Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), bà Lan thấy cả ngàn phụ huynh khác cũng đưa con, cháu họ tới đây, để tìm “giải pháp mùa hè”.

Sự thành công của khóa tu cai nghiện game tại Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên hè 2009 đã làm “bùng nổ” lòng tín nhiệm của các bậc phụ huynh đối với cửa Phật. Việc này khiến nhà chùa lúng túng và nhiều học sinh cũng như chính các bậc phụ huynh thất vọng.

Hòa thượng Thích Kiến Nguyệt, trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, cho biết vốn chỉ chủ trương đào tạo tăng ni nhưng do yêu cầu của phụ huynh, hè năm ngoái nhà chùa tổ chức thử nghiệm khóa cai nghiện trò chơi điện tử cho khoảng 80 thanh thiếu niên. Sau khóa tu đầu tiên các em đều tiến bộ, có ý thức hơn đối với bản thân, siêng năng làm việc, siêng năng học hành, có hiếu thảo với cha mẹ. “Có vị nói, tôi nuôi con tôi 10 năm không bằng các thầy nuôi nó 10 ngày”, hòa thượng kể.

Bà Vũ Thị Thoa ở Nhân Chính, Hà Nội đăng ký cho cháu họ là Nguyễn Quý Dương, 10 tuổi, theo học. Như hầu hết các thiếu niên thành phố khác, ở nhà Dương “lười chảy thây, chả bao giờ động tới việc gì”. Ba ngày kể từ ngày hai bà cháu lên đây, dưới sự hướng dẫn của các thầy, cậu bé đã tự giặt quần áo, tự rửa bát đũa của mình.

Cũng đưa con tới từ chiều hôm trước ngày khai giảng, anh Sơn ở Tân Lập, Từ Liêm, Hà Nội, cho biết con anh 11 tuổi và học hành không được tốt. Hè năm nay, trước khi cho con học thêm ở trường, anh cho cậu bé theo khóa tu tại Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên. “Nó cần tĩnh tâm trước khi bắt đầu một cái gì đó. Có thoải mái thì làm việc mới hiệu quả được,” anh nói. “Các thầy có phương pháp còn tốt hơn giáo viên và gia đình.”

Trong giảng đường là những con mắt ngây thơ sau kính trắng, các cô bé, cậu bé trong bộ trang phục tu hành xám nhạt rộng thùng thình đang chắp tay trước ngực nghe giảng. “Nói đến Phật là nói đến lòng từ bi, bác ái. Các con đến đây để học làm Phật tức là học làm người,” giọng thầy nhẹ như gió thoảng.

Lễ khai giảng kết thúc bằng tiếng hô đồng thanh “Vâng lời! Vâng lời! Vâng lời!”.

Không phải em nào cũng vâng lời

Nhưng không phải em nào cũng sẽ vâng lời bởi không dễ gì thích nghi với lối sống tu hành, nhất là khi hầu hết các em là con em các gia đình khá giả ở thành phố.

Trong nhà ăn, một ni cô đang dỗ dành bé Ái Linh, 10 tuổi, nhà ở phố Thái Thịnh, Hà Nội. Sư cô múc một thìa cơm vào cái tô to bằng inox của bé. “Ăn chuối xào đậu phụ nhé?” Cô bé lắc đầu. “Bí luộc nhé?”. Lại lắc đầu. “Ăn xoài nhé?”. Thêm một cái lắc đầu.

Trốn chùa! Một phụ huynh đẩy ba đứa trẻ vào xe hơi đưa tới nhà hàng dưới núi, ăn bữa ăn thịnh soạn: chúng không ăn được thức ăn nhà chùa nấu buổi đầu tiên này.

Giờ ăn trưa, các sư thầy phải liên tục nhắc nhở, “Bỏ chân xuống và ngồi yên!”

Một phụ huynh (từ chối nêu tên) nói anh biết có trường hợp trẻ không theo được khóa học đã tự gọi taxi để về nhà. “Ở nhà ngủ đến 10 giờ, phở bưng đến tận miệng. Ăn xong là chơi điện tử. Ở đây 3 giờ rưỡi sáng đã phải dậy rồi.”

Nằm dài trên lối đi, Đinh Tuấn Thành, lớp 7, trường Trung học cơ sở Kim Giang, Hà Nội, đang chờ người nhà lên đón. Thành bị trả về vì phạm kỷ luật.

Theo hòa thượng Thích Kiến Nguyệt, sẽ có nhiều em nữa bị trả về gia đình, bởi hiện tại nhà chùa đang quá tải.

Nhà chùa quá tải

Giờ nghỉ trưa. Ngồi bệt trên lối đi trước cửa ký túc xá nam, cậu bé Lê Quang Anh, 10 tuổi, trường Tiểu học Phương Liệt, Hà Nội, mắt đỏ hoe, “Con không ở được!”. Người mẹ dỗ dành, “Con ở thêm vài ngày nữa xem sao!”. “Con không chịu được! Tắm thì chờ mãi!” cậu bé khóc òa.

“Từ khi tới đây con đã tắm lần nào đâu. Các anh lớn chen hết chỗ,” một cậu bé nói và lao nhanh xuống con dốc dẫn ra cổng như sợ nếu đứng lâu hơn người ta sẽ lại bắt em vào.

Một nhóm học sinh khác đi qua cũng nói, “Bọn cháu muốn bỏ chùa!”.

Nguyễn Thành Tùng, học sinh lớp 11 ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội, cùng các cư sĩ tập tu khác được giao quản lý các học sinh nam. Tùng kể, khi các em nhỏ khóc các cư sĩ phải “dỗ như cha dỗ con”. Vừa lúc một cậu bé chừng 12 tuổi tai đeo khuyên đi qua, Tùng đe dọa nếu cậu bé không tháo khuyên ra Tùng sẽ “giật đứt tai!”.

Hòa thượng Thích Kiến Nguyệt cho biết cở sở vật chất và nhân lực của thiền viện chỉ đáp ứng được chừng 200 em. Nhưng ngay buổi khai giảng, nhà chùa đã phải tiếp nhận hơn 600 em (khóa này giới hạn độ tuổi từ 10-13), từ rất nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái, Lạng Sơn... “Rất khó cho các thầy, từ chối thì phụ huynh học sinh không đồng ý. Cứ gởi, gởi, gởi thêm hoài.” Hiện tại tăng ni tại chùa chỉ chừng 20 người.

Năm ngoái chỉ có lớp cai nghiện game. Năm nay, “có cả các em hư hỏng, có cả “con nhà lành”, không có tiêu chuẩn nào mà chọn lựa,” hòa thượng Kiến Nguyệt phân trần, trên gương mặt vị cao tăng mối lo âu hiện rõ.

Tại phòng đón tiếp, một vị sư đã mất giọng hoàn toàn nhưng vẫn phải tiếp tục làm thủ tục đăng ký cho những khóa học sau.

Giờ giải lao sau bài học Phật pháp đầu tiên, Lê Quang Anh thẫn thờ ra cửa giảng đường. Được hỏi, “Đã thấy muốn ở lại chưa?”. Cậu bé mắt lại đỏ hoe, “Con muốn về!”.

Ở bậc tam cấp dẫn lên giảng đường, một người đàn ông từ Tuyên Quang vẫn đang năn nỉ xin cho ba bé gái và một bé trai vào học dù các vị sư ra sức giải thích khóa học đã bắt đầu và nhà chùa hiện đã quá tải rồi.

Một ngày học tập bắt đầu vào 4 giờ sáng và kết thúc lúc 9 giờ tối. Nội dung học bao gồm tọa thiền, thể dục, làm vệ sinh cá nhân, làm vệ sinh phòng ở và vệ sinh chung. Mỗi ngày sẽ có hai buổi học Phật pháp, mỗi buổi kéo dài một giờ rưỡi. Học viên cũng được dạy các trò chơi giúp phát triển trí tuệ và cách đi đứng, cách giao tiếp với mọi người, cách nấu cơm chay, giặt giũ quần áo, cách sống ngăn nắp...


Học viên không được dùng điện thoại di động hay bất cứ thiết bị điện tử nào trong suốt khóa học, tuyệt đối không được mang dao kéo, côn gậy hay bất cứ loại vũ khí nào vào trong chùa.

Theo Vũ Huyền - TBKTSG

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch