Phật giáo & Doanh nhân
Danh hài Hoài Linh tôi thích triết lý đạo Phật
Tiểu Bình thực hiện
24/01/2011 19:49 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nghe đến tên của Hoài Linh, khán giả trong và ngoài nước không ai không biết tới. Với vóc dáng cao gầy, gương mặt thiện cảm, lối diễn xuất dí dỏm, dễ thương, anh là một trong những số ít danh hài níu chân khán giả đến phút cuối trong từng vở diễn. Ai cũng nghĩ rằng một người luôn mang đến cho khán giả tiếng cười sảng khoái sau những giờ làm việc mệt mỏi chắc hẳn đời sống sẽ được thăng hoa, sẽ được vui tươi và không có gì phải lo lắng. Thế nhưng, Hoài Linh ngoài đời hoàn toàn không phải vậy. Sau đây là chia sẻ của anh dành cho Đạo Phật Ngày Nay.

Đạo Phật để lại trong anh những ấn tượng gì?

Đối với đạo Phật tôi có rất nhiều ấn tượng đẹp, bởi Phật giáo có nhiều học thuyết hay như: Nhân quả, Nghiệp báo, Luân hồi v.v… và còn rất nhiều triết lý sống, để học theo và áp dụng. Đó là những tư tưởng có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời tôi và tôi đã áp dụng vào cuộc sống của mình.

Được biết anh là một người con rất hiếu thảo, nhất là đối với mẹ. Một mùa Báo hiếu nữa lại trở về, anh dành món quà gì dâng mẹ cũng như anh có muốn nhắn gửi gì đến bạn đọc gần xa?

Với tôi thì mẹ là thần tượng tuyệt vời nhất. Mùa Vu lan nhắc ta nhớ đến ngài Mục Kiền Liên đã tu hành đắc đạo, cứu mẹ thoát khỏi những nỗi khổ đau bị treo ngược. Có câu “Nhất nhơn thành đạo cửu huyền thăng” nghĩa là một người tu hành đắc đạo có thể cứu độ cửu huyền thất tổ. Nhờ sự tích cứu độ mẹ của ngài Mục Kiền Liên mà Việt Nam có rằm tháng Bảy dành riêng cho mẹ cha.

Ngày rằm tháng Bảy là ngày rất đặc biệt, theo đó, con cháu tỏ bày tấm lòng của mình đối với cha mẹ và ông bà. Ngày đó mọi người hướng lòng về Tam bảo, cầu xin cho hai đấng sinh thành được mạnh khỏe, sống lâu. Riêng tôi thì ngày Vu lan, tôi sẽ dành thời gian đến chùa ngắm nhìn những cánh hoa hồng cài trên áo. Tôi xin hai hoa, một cài lên áo mình để biết rằng mình đang hạnh phúc còn mẹ, và một xin mang về tặng mẹ, dù chỉ là tượng trưng thôi nhưng đó là tấm lòng nhớ đến mẹ.

Tôi nghĩ rằng nếu những tháng ngày qua, lỡ mình làm mẹ giận hay cả gan giận mẹ thì trong ngày này hãy dành trọn tình cảm cho mẹ, và bắt đầu từ đây hãy biết trân trọng, yêu thương mẹ hơn. Nhân ngày này tôi khuyên các bạn trẻ hãy bỏ qua những cuộc vui chơi để về với mẹ và cha. Hãy dành một ngày đặc biệt cho mẹ, để tỏ lòng tri ân mẹ đã mang nặng, đẻ đau, dưỡng dục...

Anh là người sống có tình nghĩa. Điều này do truyền thống gia đình hay do anh cảm nhận từ dòng đời?

Cả hai, nhưng cái chính là do gia đình huân tập. Do những suy nghĩ sâu sắc từ cuộc sống nội tâm và kinh nghiệm của gia đình đã hun đúc thành một Hoài Linh như ngày hôm nay. Tôi nghĩ cuộc sống như một dòng sông lúc ghềnh lúc thác; khi có dòng nước chảy qua, cục đá cũng phải gồng mình lên mới qua được, cuộc đời cũng vậy. Nếu mình sống có tâm, tôn kính những bậc đáng được tôn kính, làm theo lời chỉ dạy của họ, thì đó là cách để mình tích lũy phước báu. Được như vậy thì cuộc đời có gặp nhiều ngang trái ta cũng dễ dàng vượt qua.

Phật giáo chú trọng về nội tâm. Anh có nghĩ mình có duyên với đạo Phật?

Dĩ nhiên tôi đã có duyên với đạo Phật, mặc dù Phật giáo chưa chính thức là tôn giáo của tôi, nhưng ít ra tôi đã bị cái hay, cái đẹp của tôn giáo này ảnh hưởng rất nhiều, qua những chuyến từ thiện xã hội cho cộng đồng. Rất nhiều ngôi chùa trong nước có quý thầy cô nuôi trẻ em mồ côi, người khuyết tật, già bệnh. Những lần đến đó làm từ thiện, tôi đã được gặp và tiếp xúc nhiều Tăng, Ni. Những ấn tượng đẹp đó không thể xóa nhòa trong tôi. Đạo Phật dạy hãy đem tấm lòng từ bi hỷ xả đến với mọi người. Lời dạy này đã ảnh hưởng lớn đến lối sống của tôi.

Cuộc đời của người nghệ sĩ thành danh chắc chắn đã đi qua không ít những đắc, thất, vinh, nhục. Anh hóa giải những tâm lý đó như thế nào để có được cuộc sống tích cực như ngày hôm nay?

Những khi gặp chuyện vui, tôi thường tạ ơn Trời Phật. Còn khi gặp chuyện buồn… tôi không quá đau khổ, mặc dù đời tôi không cô đơn nhưng rất cô độc. Bởi bạn bè bên cạnh tôi rất nhiều, nhưng khi cần một người để chia sẻ, an ủi, giải bày tâm sự thì chẳng có ai. Ngày xưa tôi thường tâm sự với mẹ, để mẹ chia sẻ cùng tôi. Nhưng giờ mẹ tôi già rồi, tâm sự với bà chỉ khiến bà lo thêm, nên tôi không dám tâm sự. Bây giờ để giải tỏa những nỗi buồn, uất ức, vấp ngã trong cuộc sống, tôi thường hướng về Trời Phật, để phấn đấu vươn lên và vững tin bước tiếp vào cuộc đời.

Tôi không có tâm niệm trả thù những ai đã hại mình hay nói xấu mình. Khi giúp người, tôi cũng không muốn ngày sau họ phải giúp lại tôi. Trên một phương diện tâm linh nào đó, tất cả những cái tôi đạt được bây giờ là những gì tôi đã từng cho đi và bây giờ tôi được nhận lại. Mặc dù họ không trả trực tiếp cho tôi, nhưng Trời Phật sẽ cho tôi những cái đó trở lại. Đó là điều tôi rất tin tưởng.

Sống trong bận rộn, làm thế nào anh có dành thời gian để đến chùa lễ Phật và cầu nguyện?

Những lúc gặp chuyện trắc trở, tôi thường đến chùa cầu nguyện. Lúc bi đát nhất tôi lại đi nhiều hơn. Nhờ đó, tôi giải tỏa được mọi điều. Trước khi thực hiện một show nào, tôi đều cúng kiến đàng hoàng. Gặp những lúc trời mưa, tôi thường cầu xin Bồ-tát Quan Âm Nam Hải hãy đưa gió, đưa mây đi cho tôi thực hiện tốt chương trình. Một điều thật mầu nhiệm linh thiêng là 100 show tôi làm, thì có đến 98 show dứt mưa hẳn. Nhiều lúc đã 18h30 rồi mà trời đổ mưa như trút, gió thổi ào ạt. Vậy mà chỉ cần tôi thiết bàn, thắp 3 cây hương, cúng 20 bông huệ, rót ba chung nước, đứng thành tâm cầu nguyện Mẹ Nam Hải trong thời gian ngắn thôi, trời dứt mưa liền (cười). Cũng từ những điều kỳ diệu đó mà bên giới nghệ sĩ đặt biệt hiệu cho tôi là “Ông thần khô ráo” (cười).

Mọi người thấy anh xuất hiện nhiều hoạt động của các chương trình từ thiện ở chùa và các trung tâm xã hội, động lực nào khiến anh nhiệt tình tham gia như thế?

Tôi may mắn sinh ra trong một gia đình có truyền thống hay chia sẻ những niềm đau nỗi khổ. Ngày xưa bố mẹ, bà nội, bà ngoại và tất cả những người trong gia đình đã làm từ thiện nhiều. Dù không giàu có lắm nhưng hễ giúp được ai cái gì thì giúp. Một phần thừa kế từ gia đình, một phần do tôi nhận thức rằng cuộc sống là một chuỗi dài vật lộn với buồn vui, đau khổ nên chia sẻ làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn. Đôi khi tôi nhịn một bữa ăn xa xỉ hay không mặc một cái áo hơi đắt tiền, để dành số tiền đó chia sẻ với người bất hạnh. Mặc dù không lớn nhưng sự giúp đỡ đúng lúc sẽ là động lực giúp họ sống tiếp những ngày tháng còn lại. Câu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” giúp tôi sống gần gũi người bất hạnh.

Điểm tựa tâm linh của anh sau ánh đèn sân khấu là gì?

Điểm tựa tâm linh của tôi sau ánh đèn sân khấu bao giờ cũng là Trời Phật. Những lúc chạm trán với những nỗi đau thương nhất trong cuộc đời là tôi tâm sự với tất cả các đấng tối tôn như Trời Phật, Mẹ Quán Thế Âm, Đức Thánh Trần. Các bậc ấy có thể lắng nghe tôi bằng lòng từ bi, bao dung mà không phán xét, không trách móc, không kết tội... Không có những chỗ dựa tinh thần này, thì tôi đã gục ngã và thế gian sẽ không còn một Hoài Linh này nữa. Tôi cũng thờ Đức Trần Triều, tức Đức thánh Trần Hưng Đạo. Tôi rất thần tượng công hạnh của ông và lấy hình tượng đó phấn đấu cho đời mình vươn lên.

Có một lần anh từng khẳng định, “Nếu không do duyên thì không có một Hoài Linh như ngày hôm nay”, vậy anh quan niệm về duyên như thế nào?

Dòng họ nhiều đời của tôi không có duyên làm nghệ sĩ. Trời Phật đã sắp đặt sẵn cho tôi ở lĩnh vực nghệ thuật. Tôi chưa trải qua các lớp đào tạo. Cả thời tuổi thơ tôi chưa hề tính, vậy mà lớn lên tôi theo nghề này. Trước khi vào nghề, tôi làm đủ mọi thứ để mưu sinh như buôn gánh, bán bưng, cũng bán trà đá, mía gim, cóc, ổi. Nhiều khi nằm suy nghĩ, tôi cũng không biết tại sao mình nổi tiếng. Những gì thành công của hôm nay là do Phật thương, Tổ đãi tôi (cười).

Hiện tại, cả nước đang tổ chức Đại Lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Là một công dân nước Việt anh có suy nghĩ gì khi đại lễ này được tổ chức long trọng như thế?

Với tôi đây là một lễ rất lớn. Từ thời vua Lý tới giờ đã trải qua 10 thế kỷ, một khoảng thời gian quá dài. Chúng ta có cơ hội ôn lại mốc lịch sử kỷ niệm 1.000 năm (1010 - 2010) ngày dời đô của vua Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) từ Hoa Lư (Ninh Bình) đến thành Đại La (Thăng Long - Hà Nội ngày nay), và cũng để tưởng nhớ những vị anh hùng một thời đã cống hiến cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Qua đại lễ này, chúng ta hãnh diện mình là con Hồng cháu Lạc. 1.000 năm đã trôi qua, tổ tiên ta phải đổ biết bao xương máu, bây giờ ta mới có được ngày hôm nay, sống trong đất nước hòa bình thạnh trị. Một năm mỗi người có một ngày sinh nhật, đã vui rồi, huống gì đây là lễ sinh nhật của thủ đô và cả dân tộc 1.000 năm qua, niềm hân hoan vui sướng khiến cảm xúc không thể tỏ bày, nói chung tôi rất vui và tự hào khi được làm dân nước Việt.

Chúc anh luôn thành công trong nghệ thuật và hạnh phúc trong cuộc đời.

Theo: DPNN

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch