Danh lam
Ấn tượng chùa Bà Đanh
07/04/2011 00:53 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 Nói đến chùa Bà Đanh, điều đầu tiên người ta thường nghĩ tới câu nói cửa miệng đã được truyền trong dân gian “Vắng như chùa Bà Đanh”. Nhưng bây giờ thì khác, cổng chùa luôn rộng mở, hàng ngày Chùa Bà Đanh đón nhiều đoàn khách đến hành hương, đi lễ.


Từ ngã 3 Hồng Phú, thành phố Phủ Lý (Hà Nam) nếu du khách đi theo quốc 21B thì đúng 10km, còn nếu lãng mạn hơn để ngắm cảnh sông nước thì ngồi thuyền du lịch theo đường sông khoảng chừng 8km sẽ đưa du khách đến một điểm tham quan nổi tiếng. Đó là chùa Bà Đanh.
 
Chùa Bà Đanh hay còn gọi “Bảo Sơn Nữ”, tọa lạc trên một vùng đất tại thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Chùa có diện tích khoảng 10ha, được xem là một trong những ngôi chùa đẹp và cổ kính nhất Hà Nam nói riêng và của miền Bắc nói chung, bởi ngôi chùa có vị trí là nơi sơn thủy hữu tình. Khuôn viên chùa là một tổng thể bao gồm nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật với gần 40 gian nhà lớn nhỏ.
 
Cầu Cấm Sơn bắc qua dòng sông Đáy nối quốc lộ 21B với chùa Bà Đanh

Cũng như bao ngôi chùa khác, chùa Bà Đanh thờ phật, song ngoài tượng Bồ Tát còn có tượng Nam Tào, Bắc Đẩu, Thái Thượng Lão Quân và các tượng của tín ngưỡng Tứ Phủ, một tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Tương truyền rằng vào thế kỷ thứ VII, đây là một ngôi đền nhỏ thờ tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Đến thời Lê Huy Tông (1675 - 1750), chùa được xây dựng đàng hoàng và to đẹp hơn.

Năm 1994 chùa Bà Đanh được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể Thao - Du Lịch) cấp bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2007, UBND tỉnh Hà Nam phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đầu tư gần 20 tỷ đồng để tôn tạo và nâng cấp chùa Bà Đanh.

Bên cạnh đó, cây cầu Cấm Sơn dài hơn 100 m nối từ quốc lộ 21B qua sông Đáy sang chùa Bà Đanh, kết hợp với con đường bê tông dọc sông Đáy kéo dài 3 km từ thị trấn Quế, huyện Kim Bảng tới chùa Bà Đanh luôn thông thoáng. Đặc biệt, tháng 9/2010, nhà chùa đã khánh thành nhà khách khang trang phục vụ cho khách hành hương.

Sư thầy Thích Đàm Đam cho biết: “Chùa nay không vắng khách như trước nữa. Nhiều hôm chùa đón đến hàng trăm khách đến hành hương. Có người đã đến nhiều lần…”.

Từ ngày 25 - 26/03/2011 (tức 21 - 22/2 Tân Mão), lễ hội chùa Bà Đanh đã được tổ chức với nhiều nghi thức và diễn xướng truyền thống cổ như lễ cáo yết, lễ mộc dục hay lễ rước thành Hoàng Làng cùng các trò chơi dân gian như: Bịt mắt đập niêu, đua thuyền trên sông, chọi gà…. thu hút hàng ngàn du khách tới tham dự.

Trong tương lai gần chùa Bà Đanh với đền Trúc, Ngũ Động Thi Sơn (núi Cấm), khu du lịch sinh thái Tam Chúc (Ba Sao), Bát cảnh Tiên cùng với hệ thống các bến thuỷ dọc dài sông Đáy từ ngã 3 Hồng Phú, thành phố Phủ Lý sẽ hợp thành một tua du lịch “non nước hữu tình” giữa đường thuỷ và đường bộ, khá hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
 
Những hình ảnh ấn tượng về chùa Bà Đanh do PV Dân trí ghi lại:
 
Cảnh đẹp hút hồn du khách khi đứng trên cầu Cấm Sơn nhìn Chùa Bà Đanh
 
Sân chùa không còn vắng khách
 
Du khách tới chùa hành hương, đi lễ
 
Nét thanh tịnh, cổ kính nơi Tam quan
 
Những nét chạm trổ tinh xảo
 
Bến nước chùa Bà Đanh bên cạnh con sông Đáy hiền hoà
 
Cổng chùa rợp bóng hàng cây nhãn thẳng tắp
 
Cảnh đẹp của bãi đá cố nằm phía sau Đền Trình
 
Từ chùa nhìn ra cầu Cấm Sơn

Nguyễn Hải - Duy Tuyên (Dân trí)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch