Danh lam
Chùa Vàng trên đỉnh Kyaiktyio
07/05/2011 11:31 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

12 giờ đồng hồ, từ sáu giờ chiều hôm trước tới sáu giờ sáng hôm sau - quãng thời gian đủ để “khảm” vào hồn tôi hai khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày của chùa Đá Vàng - trong nắng sớm và lúc chiều tà.

Vẻ lộng lẫy, huyền ảo của cảnh sắc mang đến cho tôi một niềm vui sướng tới độ khi tôi hiểu rằng, có những vẻ đẹp ta được ngắm lần đầu trong đời và chỉ có thể quay ngắm lại khi niềm vui sướng ấy đã từ từ tan chảy qua năm tháng...

“Từ tháng Mười một tới tháng Ba là mùa hành hương của người Myanmar. Chùa Shwedagon ở thành phố Yangon, chùa Đá Vàng (Golden Rock) trên đỉnh núi Kyaiktyio (thị trấn Kyaiktyio, vùng Thaton, bang Mon), chùa Maha Myat Muni (vùng Mandalay) - ba nơi hành hương nổi tiếng mà các Phật tử Myanmar mơ ước được chiêm bái một lần trong đời”, anh Ko Ko - nhân viên Cty dịch vụ du lịch Myanmar (MTS) - giới thiệu với chúng tôi.

Hoàng hôn ở chùa Đá Vàng trên đỉnh Kyaiktyio.     Ảnh: Lương Văn Khoa
Hoàng hôn ở chùa Đá Vàng trên đỉnh Kyaiktyio. Ảnh: Lương Văn Khoa

Gần 160km đường từ Yangon tới chân đỉnh núi Kyaiktyio đường đi bằng phẳng, phong cảnh thân quen như đường từ Sài Gòn về miền Tây Nam Bộ - vườn cây trái xanh, ruộng đồng thẳng cánh cò bay. Đường tới Bago (Pegu) - thủ đô của người Mon cổ, cách Yangon 80km về phía bắc - điểm giữa của hành trình, chúng tôi ghé thăm nghĩa trang Taukkyan nơi có 33.374 phần mộ và bia những người lính nước ngoài (còn danh tính và vô danh) chết trận tại Myanmar trong Chiến tranh Thế giới thứ II; chùa Shwemawdaw - có ngọn tháp cao 98m, được xem là chùa cao nhất Myanmar, nơi lưu giữ xá lợi tóc, răng Phật, Tu viện Rắn thiêng. Đang mùa nghỉ hè của học sinh (từ tháng ba đến tháng năm), tu viện đông các chú tiểu, bởi theo truyền thống của người Myanmar, mùa hè, các nam sinh sẽ có những ngày được gia đình gửi lên chùa, tăng viện học đạo.

Tới bến xe Yatetaung thị trấn Kinpun, tất cả các xe chở khách đều phải dừng. Muốn lên tới chân núi Kyaiktyio khách nhất định phải chuyển qua đi một loại xe đặc chủng - xe tải chở hàng (lain - ka), chủ yếu của Nhật. Ghế trong thùng xe chỉ là 8 thanh gỗ bắc ngang. Vé mỗi người 2000K (chạt). Cả bến có cả thảy 600 xe như vậy. Khi xe leo lên cung đường một chiều cheo leo, xoắn như ruột gà, chúng tôi mới hiểu, vì sao nhà xe nhất thiết chờ đủ 48 khách - chật một thùng xe, mới rồ máy. Khách ngồi nêm chật, leo dốc, mới “đằm” xe. 45 phút đồng hồ, nhiều khúc cua xe lượn, khách thót tim; lại có khúc bởi xe trần không mui nên lồng lộng nắng gió...

Tới chân núi, xe dừng. Người Myamar có thể lên núi, cũng vẫn bằng xe tải, nhưng khách nước ngoài chỉ có thể hoặc leo bộ khoảng một giờ đồng hồ, hoặc đi kiệu. Gọi là kiệu cho sang, thực ra là một chiếc ghế vải nhựa cũ kỹ căng giữa hai cây tre già, một kiệu, bốn trai choai người địa phương áo xanh, đeo biển số đàng hoàng, khiêng. 10.000 chạt cho một kiệu. “Quý vị cứ thảnh thơi lên kiệu. Đừng thương xót chúng tôi vác vất vả.

Chỉ nhờ khách nước ngoài đi kiệu, chúng tôi có thu nhập, có cơm ăn”, một cậu trai nói với chúng tôi.

Chùa Đá Vàng, theo truyền thuyết, được xây trên 2400 năm, là một kỳ quan tôn giáo có một không hai của thế giới. Nó cheo leo trên một tảng đá chênh vênh trên đỉnh cao núi Kyaiktyio 1200m. Người ta nói rằng bởi chùa thờ sợi tóc của Phật nên hòn đá không bao giờ lăn xuống dưới thung lũng…

Thiếu nữ Myanmar.     Ảnh: T.L.T
Thiếu nữ Myanmar. Ảnh: T.L.T

Trong hoàng hôn tím phớt hồng bảng lảng sương, hay ráng hồng tươi ngày mới, chùa Đá Vàng đều bật lên lộng lẫy, chói lọi và rực rỡ. Triệu triệu lá vàng thếp của triệu triệu tín đồ, người hành hương, khách du lịch hàng trăm năm qua đã thếp nạm lên chùa. Tất cả các ngôi chùa ở Myanmar đều có hai quy tắc tín đồ, người hành hương, khách đều phải nghiêm ngặt thực thi: Vào chùa phải đi chân trần, và có những khu vực phụ nữ không được phép vào, tới gần.

Ở chùa Đá Vàng, phụ nữ không được phép chạm vào đá thiêng. Muốn cúng dường thếp vàng, họ mua lá vàng mỏng như cánh bướm, cung kính nhờ một vị tăng hay một Phật tử đàn ông mang vào cầu nguyện, rồi thếp hộ vào đá. Lớp lớp gần đá thiêng, người hành hương thành tâm rì rầm cầu nguyện…

Tôi thích cái không khí sống động nơi sân chùa lát đá hoa mát rượi chân và rộng như… quảng trường. Theo Phật lịch của người Myanmar, từ giữa tháng Ba tới giữa tháng Tư gọi là tháng Tagu - tháng đầu tiên của năm - cao điểm của mùa hành hương. Sân chùa đông chật người hành hương. Họ, hoặc đi lẻ hay đi cả gia đình quây quần dưới những gốc bồ đề, dọc theo những chiếc ghế đá, trò chuyện với nhau vừa đủ nghe, thành kính sửa soạn các mâm lễ Phật nhỏ gọn, tinh tươm, thanh sạch như nhau: trái cây, nước lọc, cơm, sữa. Họ sẽ qua một đêm ở lại chùa.

Trời tối, và se lạnh, trong ánh đèn nêông mờ, mọi người bên nhau im lặng, nụ cười dịu lành, thân thiện, trong khi đó, những đứa trẻ hồn nhiên lăn trên sân hay đuổi theo những trái bóng phát sáng…

Từ bốn giờ sáng, có những người lục tục xuống núi kịp chuyến xe đầu tiên của ngày. 6 giờ sáng những tia nắng đầu tiên bắt đầu dát lên chùa rực rỡ. Không gian ngát hương trầm, gió nhẹ và vầng trời hửng sáng. Cũng có những người trong nắng sớm lại chọn một góc vắng, lặng im ngồi, đắm vào một không gian thanh sạch…

Lâm Tuyền

theo laodong.com.vn

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch