Danh lam
Bái Đính - địa linh ngôi Phật Việt
08/10/2010 07:16 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Được xây dựng nhằm kỷ niệm 1000 năm vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Thăng Long, Bái Đính là ngôi chùa có quy mô hoành tráng nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, nằm trong một thung lũng mênh mang hồ và núi đá, thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Du khách đến đây không chỉ thăm quan, vãn cảnh chùa mà còn được chiêm ngưỡng những kỳ tích của Phật giáo Việt Nam.


Chùa Bái Đính

Cho muôn đời sau

Quần thể chùa Bái Đính rộng 107 ha, gồm một khu chùa cổ và một khu chùa mới (Bái Đính tân tự rộng 80 ha) nằm trên đồi Ba Rau, được xây dựng từ năm 2003. Cả một quần thể chùa nằm trên núi Bái Đính, nhìn ra hồ Đầm Thị ở phía bắc và xa hơn nữa là sông Hoàng Long, bốn bề cảnh sông nước và núi đá vôi rất hữu tình. Chùa Bái Đính thuộc Khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư, với nhiều kỷ lục được xác lập bởi Trung tâm Kỷ lục Việt Nam như: Khu chùa rộng nhất Việt Nam; Tượng phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á; Hai chuông đồng lớn nhất Đông Nam Á (chuông 36 tấn và chuông 27 tấn); Chùa có nhiều tượng La Hán lớn nhất Việt Nam; Khu chùa có giếng nước lớn nhất Việt Nam; Số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam (100 cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề Ấn Độ)…

Cổng Tam quan của chùa Bái Đính mới dài 200m. Chiều cao tới đỉnh 16,5m, gồm 3 tầng mái lợp ngói men ống Bát Tràng màu nâu sẫm. Hai bên cổng đặt 2 tượng hộ pháp bằng đồng cao 5,5m, mỗi pho nặng 12 tấn (lớn nhất Việt Nam).

Qua cổng Tam quan, là Tháp chuông được xây dựng bằng bê tông cốt thép giả gỗ, kiến trúc theo kiểu tháp chuông cổ hình bát giác, cao 22m. Tháp chuông cao 3 tầng mái cong, tất cả 24 mái ở tám phía với các đầu đao. Tháp chuông treo một quả chuông lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam nặng 36 tấn, đường kính 3,5m, cao 5,5m đúc tại Huế.

Tiếp đến là sân chùa và vườn cây, rồi điện thờ Quan Âm Bồ Tát có diện tích 800m2, gồm 7 gian với hệ thống cột bằng gỗ tứ thiết. Phía sau điện là hậu cung, nơi tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay ngự trị. Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát làm bằng đồng lớn nhất ở Việt Nam cao 9,57m, nặng 80 tấn.

Một nét độc đáo của chùa Bái Đính là hành lang La Hán có tổng chiều dài 1.052m, chạy dọc hai bên từ cổng Tam quan đến điện Giáo Chủ. Trong các nhà hành lang này đặt 500 vị La Hán bằng đá cao từ 2-2,5m. Mỗi vị La Hán có một dáng vẻ khác nhau để miêu tả sự sống trần thế. Nơi đây còn đặt thêm một số tượng các vị chân tu Việt Nam như: Phật hoàng Trần Nhân Tông, Bồ tát Thích Quảng Đức… Trên bức tường của dãy hành lang này còn có 4.000 tượng Phật Thích Ca nhỏ bằng đồng.

Trong điện Giáo Chủ rộng trên 2.000m2, có tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni được hiện thân trong pho tượng bằng đồng cao 10 m, nặng 100 tấn, lớn nhất Việt Nam. Hai bên là hai vị thị giả A-Nan, Ka-Diếp và Bát Bộ Kim Cang bằng đồng nặng nhất Việt Nam. Điện Giáo Chủ gồm hai tầng mái cong, có 8 mái ở 4 phía, có một hàng cổ lâu có tác dụng nâng độ cao của điện thờ, đồng thời vừa lấy ánh sáng vừa để thông khí. Điện có 5 gian với hệ thống cột bằng bê tông cốt thép sơn giả gỗ. Tất cả cột chính ở giữa điện thời đều trang trí những câu đối bằng chữ Nho với ánh vàng lấp lánh. Trong điện còn treo 3 bức hoành phi và 3 cửa võng lớn nhất Việt Nam. Trên ba bức tường của điện thờ là 1.284 ô nhỏ đặt tượng Thích Ca Mâu Ni.

Lên đỉnh đồi Ba Rau là điện Tam Thế. Bốn phía nền của điện Tam Thế đều xây các tường đá thấp, tam cấp theo độ dốc của đồi và xây nhiều bậc đá để đi lên, tạo không gian hoành tráng, trang trọng. Điện có diện tích gần 3.000m2, 3 tầng mái cong có hai hàng cổ lâu, 12 mái ở bốn phía, với hệ thống cột bằng bê tông cốt thép sơn giả gỗ cao từ 22-30m. Mỗi cây cột có đường kính 80-90cm. Tam Thế điện thờ ba vị Phật đại diện cho ba giai đoạn của đời người là quá khứ, hiện tại và tương lai. Ba pho tượng bằng đồng dát vàng lớn nhất Việt Nam, mỗi tượng nặng tới 50 tấn, cao 7,2m ngự trên 3 tòa sen.

Trên đồi cao về phía bên trái tòa Tam Thế cũng treo một quả chuông cao 5,6m, nặng 27 tấn. Ngoài ra, khu vực chùa Bái Đính còn có giếng Ngọc, hồ phóng sinh, vườn tượng, khu thờ Mẫu, nhà thờ Tổ, khu nhà khách, nhà Tăng-Thiền viện, bảo tàng Phật giáo Việt Nam… và tháp 9 tầng cao nhất trong các chùa ở nước ta hiện nay.

Bái tạ Tổ tông giống Lạc Hồng

Khu Chùa Bái Đính cổ do Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không khai sáng nằm cách điện Tam Thế của khu chùa mới khoảng 800m men theo sườn núi Bái Đính. Lên thăm hang động ở núi Bái Đính, du khách bước trên 300 bậc đá. Giữa đường lên động có hang Voi Phục ở bên phải, hang thờ Đức Ông Mặt Đỏ, là người canh giữ khu chùa Bái Đính. Càng lên cao không khí càng trong lành và thoáng mát. Một vùng rừng núi khá yên tĩnh, hội tụ đầy đủ yếu tố địa linh sinh nhân kiệt, theo quan niệm dân gian Việt Nam, đó là đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần. Theo lộ trình du khách lên hết dốc là tới ngã ba: Bên phải là động thờ Phật, bên trái là động thờ Tiên. Phía trên cửa động Phật (hang Sáng) có 4 chữ đại tự do Lê Thánh Tông khắc trên đá có nghĩa là: “Lưu danh thơm cảnh đẹp”. Đi tiếp theo ngách đá bên trái cuối động sẽ dẫn tới một hang nhỏ hơn, đó là hang thờ Thần Cao Sơn - một vị tướng tài gắn với đất Cố đô.

Trở lại ngã ba đầu dốc, du khách theo đường rẽ trái  khoảng 50m là tới động Tiên (còn gọi là hang Tối), thờ Tam tòa Thánh Mẫu. Động Tiên lớn hơn động Phật nhiều lần gồm 7 “buồng” (tức 7 hang) thông nhau, có hang được tạo hóa ban tặng cho một trần nhũ đá rủ xuống muôn hình vạn trạng lung linh huyền ảo. Bà Chúa Thượng Ngàn được đặt thờ giữa hang chính với các tượng bằng đá được sơn son thếp vàng.
Lễ hội chùa Bái Đính bắt đầu từ ngày mồng 6 tháng Giêng và kéo dài trong suốt mùa xuân. Lễ hội diễn ra trang trọng vì ở đây không chỉ thờ các vị Sơn Thần, Phật Tổ, Chúa Thượng Ngàn mà còn gắn với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, với các danh nhân Đức Thánh Nguyễn, Quang Trung, Đinh Bộ Lĩnh. Ngôi chùa từng là nơi tu hành của vua Lý Công Uẩn, lưu lại dấu ấn Đức Phật. Các hoạt động trong các ngày lễ hội diễn ra sôi nổi với đấu vật, ném còn, đánh bài, kéo co, thi hát, các trò chơi dân gian được đông đảo khách hưởng ứng, diễn ra nhộn nhịp, sôi nổi.

 
Ngày Xuân lên non thiêng
Lá thắm xanh một miền
Muôn Bảo tòa trùng điệp
Rơi rụng bao não phiền.

Sáng 3-3-2010, chiếc bánh dày khổng lồ có trọng lượng 2.010 kg được đưa đến chùa Bái Đính để phát lộc cho nhân dân. Chiếc bánh dày có hình bông hoa sen, mặt trên bánh có chạm hình rồng đời Lý. Đây là chiếc bánh dày được làm để chào đón Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đồng thời tôn vinh làng nghề bánh dày Quán Gánh nổi tiếng. Cùng ngày, ba viên Ngọc xá lợi được Giáo hội Phật giáo Việt Nam chuyển về từ Ấn Độ bằng một chuyên cơ riêng và đã được đặt tại chùa Bái Đính trong nghi lễ trang nghiêm, trước sự đón đợi của hàng vạn khách thập phương cũng như đông đảo tăng ni, phật tử. Đây là lần thứ hai Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức tổ chức đại lễ cung nghinh Ngọc xá lợi Phật tại chùa Bái Đính.

Cuộc hành hương về chùa Bái Đính tạo tâm lý kỳ vọng, muốn vươn tới cái đẹp, cái thiện, giúp ta thêm phần sảng khoái, tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn.
Nguồn tin: Theo HNM

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch