Sắc màu cuộc sống
Hủ tục và mê tín ở vùng xa…
11/06/2011 17:26 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ở những vùng nông thôn, hoặc miền núi xa xôi, do thiếu ánh sáng của giáo lý nhà Phật nên nhiều người vẫn còn theo những hủ tục, tin Phật mà không hiểu, thành ra mê tín. Vin vào niềm tin thiếu hiểu biết ấy nên nhiều “thầy bà” đã ngang nhiên làm càng, mượn hình ảnh Phật để “làm tiền” người dân…


wwwnhechnhac (3).jpg

Ảnh: Viên Quang

Những điều mắt thấy tai nghe

Tham dự lễ tang mẹ của một người bạn tại xã miền núi của huyện Bù Đăng (Bình Phước), nơi tập trung đa phần những người dân làm kinh tế mới. Cũng như một vài bộ phận dân cư nhỏ lẻ của các dân tộc ít người, chúng tôi mới được “mục sở thị” những chuyện tưởng chừng chỉ có trong những câu chuyện mà người ta tự… vẽ. Theo tục lệ, người chết khi đã được làm lễ khâm liệm, thì người đại diện trong dòng tộc sẽ làm lễ phát tang cho những người có cùng huyết thống. Thế nhưng, lại lễ tang này, “nhất cử nhất động” của hiếu quyến lại được “các thầy” chỉ đạo… từ xa. Theo chia sẻ của những người thân trong gia đình, thì với việc ma chay, trước làm sao thì giờ cứ vậy mà làm theo. Trước đây, khi thân phụ của họ qua đời, họ cũng nhờ “các thầy”, vì vậy giờ mẹ mất, lại phó mặc cho “các thầy”.

Nếu cứ thể theo tục lệ địa phương mà làm thì chuyện đã chẳng lạ lùng, đằng này “các thầy” lại đi ngược lại với những giá trị tâm linh mà người dân bản xứ đã và đang gìn giữ. Đám ma mà tuyệt nhiên không có khăn trắng, con cái chỉ thắt miếng bao bố ở bụng để chờ “các thầy” đến… phát tang. Sau gần một ngày phúng điếu, cùng với những ý kiến “bất bình” của những người cao tuổi trong làng vì “vụ việc” có một không hai này, cũng như sự phấp phổng, lo toan trong gia quyến thì “các thầy” mới xuất hiện. Vì từ Long Khánh (Đồng Nai) chạy xe máy, vượt qua quãng đường gần 200 km, nên “các thầy” phải “cơm no rượu say” rồi mới bắt tay vào công việc.

Cũng tò mò, vì chắc phải có gì đặc biệt nên tang quyến mới tin tưởng tuyệt đối vào “các thầy” như vậy. Nhưng, những dòng suy nghĩ của chúng tôi đã bị cắt ngang khi dõi tầm mắt nhìn theo “nhất cử nhất động” của “các thầy”. Nhà hiếu chủ khá khang trang, nhưng đàn tràng lại được lập to hơn cái… chuồng chim và ở ngay lề đường. Lễ vật là những thứ “các thầy” đã chuẩn bị như: tràng phan, lá sớ, thanh la, đạo bạt… Buổi lễ được diễn ra vào đầu giờ chiều, cảnh tượng nhấp nhổm của con cháu người mất, cũng như cách mà “các thầy” bày ra cho gia đình làm theo mới thật kỳ cục. Khoác trên mình những bộ “xiêm y” chẳng giống ai, “thầy pháp chủ” đứng giữa cũng đội mũ “thất Phật”, khoác áo cà sa (được may củn cỡn và cẩu thả), bên trong là áo sơ mi, phía dưới là quần jean và dép lào. Mắt thì ngó nghiêng nhìn sang hai “thầy” bên cạnh, cũng trong bộ dạng lôi thôi, khoác chiếc áo có biểu tượng “âm dương” của đạo Lão, đầu đội nón “lạ”, miệng thì oang oang ba thứ tiếng mà những người có mặt không thể hiểu ý nghĩa của nó là gì! Thậm chí, trong khi phát tang cho gia chủ, thi thoảng “các thầy” còn cười khẩy, hay nghe điện thoại di động. Chẳng biết lễ lạc như thế này được phúc, hay lại có tội, nhưng cứ nhìn những hành động “làm càn” của “các thầy”, thử hỏi sự tôn nghiêm và lòng tin vào tôn giáo được xây dựng ở đâu?

wwwnhechnhac (1).jpg

wwwnhechnhac (2).jpg

Sự nhếch nhác, thiếu trang nghiêm của những “thầy bà”
tại một đám tang ở xã Đức Liễu, H.Bù Đăng, tỉnh Bình Phước
- Ảnh: V.Quang

Đấy là câu chuyện mà chúng tôi nhìn thấy, còn những câu chuyện được nghe người dân địa phương kể lại thì còn xót xa hơn nhiều. Có những gia đình người dân tộc, cũng sống ở vùng núi này, dù nhà nghèo khó đến đâu, thì khi có người thân trong gia đình qua đời cũng phải vay mượn mà lo ma chay. Tưởng chỉ là chuyện mua chiếc hòm, hay nén hương, nải chuối để tỏ lòng thành với người đã khuất, nhưng “các thầy” lại chỉ dẫn phải sắm lễ rình rang. Chuyện giết trâu, giết bò để tế lễ, khao người dân sống xung quanh trở thành bắt buộc. Việc ăn đã no nê, khi ra về còn được “nặng tay” mới đáng để nói, bởi nếu không làm như vậy, sẽ bị mắng, bị chửi, hay nặng hơn có thể bị “khai trừ” khỏi địa phương. Theo như tìm hiểu, chúng tôi được biết, để trang trải cho việc ma chay như ở trên có khi phải tốn đến vài chục triệu. Nhà tang chủ miếng ăn còn thiếu, huống chi đồng ra đồng vào, ấy vậy mà khi người thân qua đời, sự mất mát chưa kịp nguôi thì tai họa chờ ấp tới, bởi nợ nần, lãi mẹ đẻ lãi con, con cái trong gia đình gánh đến nhiều thế hệ, âu cũng là do “các thầy” mặc sức và vét cho đầy túi tham! Bất chấp, những việc làm của họ để lại những hậu quả khôn lường: niềm tin tôn giáo trong mỗi con người bị lung lạc, cuộc sống của những “nạn nhân” bị rơi vào đường cùng…

Làm gì để đẩy lùi tệ nạn trên?

Trong thời điểm hiện tại, đáp án cho câu hỏi trên quả vẫn là vấn đề nan giải. Bởi sự bành trướng của những đối tượng đang lợi dụng niềm tin tôn giáo để trục lợi cho bản thân vẫn ngày càng âm ỉ, cũng như có nguy cơ trở thành một tệ nạn mới trong cuộc sống của chúng ta. Một lần nữa, câu hỏi làm gì để đẩy lùi tệ nạn trên cần phải được gióng lên, và câu trả lời là trách nhiệm không phải của riêng ai. Bắt đầu từ người dân, muốn không rơi vào những “cái bẫy” do “thầy bà” đánh vào tâm lý mê tín, hủ tục thì bản thân họ phải trang bị cho mình những kiến thức sơ đẳng về tôn giáo. Khi đã có kiến thức, họ sẽ nhận thức được rằng: tôn giáo được xây dựng bằng chính niềm tin của mỗi con người, niềm tin ấy sẽ giúp chúng ta sống tốt, sống đẹp, và sống có ích. Chứ không như những kẻ lợi dụng niềm tin tôn giáo, không bỏ sức lao động mà vẫn sống nhởn nhơ bằng đồng tiền làm ra từ mồ hôi nước mắt của người khác. Thứ nữa, chính quyền địa phương khu dân cư phải quản lý chặt chẽ về những hoạt động núp bóng tôn giáo này. Tuyên truyền, cũng như chia sẻ để người dân có thể hiểu được đâu là tôn giáo chính thống, và đâu là những kẻ đội lốt tôn giáo để… làm tiền.

Cuối cùng, người viết bài này mong rằng, nếu ở những vùng sâu, vùng xa, khu dân cư ít người, dân tộc thiểu số đâu đâu cũng nên có bóng dáng của những mái chùa, màu y vàng thanh thoát của chư Tăng, và đặc biệt là giáo pháp của chư Phật thì tệ nạn nói trên sẽ bị đẩy lùi. Được vậy, người dân sẽ không bị mập mờ về tôn giáo, từ đó nhận thức đúng đắn về những việc chi phối bởi yếu tố tâm linh ngõ hầu xây dựng một nếp sống văn minh cho hiện tại và những thế hệ mai sau!

Việc tổ chức ma chay cho cha mẹ khi lâm chung là cần thiết, nhưng cũng phải tùy thuộc vào hoàn cảnh và kinh tế của mỗi gia đình. Chúng ta không được nhắm mắt làm bừa, hoặc chạy theo xu hướng, hay nghe theo lời của một số phần tử xấu để rơi vào cảnh đã mất người lại còn mất luôn của.

Quan trọng là khi cha mẹ còn sống, phải hiếu kính, phụng dưỡng, giúp cha mẹ sống thiện lành… Còn trên tinh thần Phật giáo, khi cha mẹ mất, chúng ta thỉnh chư Tăng đến để trợ niệm vãng sinh, với nghi lễ thanh tịnh và đúng pháp Phật. Song song đó, gia quyến cũng phải sống trong chính niệm, tập ăn chay, không sát sinh… có như vậy công đức hồi hướng cho hương linh mới được trọn vẹn (TT.Thích Thanh Giác, Ủy viên HĐTS; Phó ban Hoằng pháp TƯ)

Viên Quang (GNO)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch