Du lịch Tâm linh
Từ Viên Chăn tới Luông Pra Băng- Kỳ cuối: Thăm thẳm đường dài
Tô Đức Chiêu
04/05/2010 22:53 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Luông Pra Băng càng yên tĩnh hơn giữa những cánh rừng già bạt ngàn và con sông lớn nhất Đông Dương từ phía Côn Minh - Trung quốc trôi sang. Thăm thú khắp nơi mệt mỏi chỉ cần ra bờ sông ngồi nghỉ trước chùa Xiêng Thoong có từ thế kỷ 12, ngắm những con thuyền xinh đẹp trôi nhẹ nhàng, gân cốt nhanh chóng giãn ra và nỗi ê ẩm sẽ tan biến.


Cổng tới chùa Thạp Luông

Đường dài! Xuất phát ở Viên Chăn 7h30 sáng mà 5h chiều mới đến Luông Pra Băng. Tôi miên man nghĩ về những tháng ngày năm 1960 khi Coongle làm đảo chính và ngay sau đó các đơn vị pháo 105mm của quân đội nhân dân Việt Nam được phái sang. Ba sĩ quan mà tôi biết trong nhóm ấy là:Trí Năng, Ba Bút và Nguyễn Trác. Tất nhiên về sau còn có nhiều người khác nữa nhưng tôi dù là lớp đàn em có thời gian cùng ở Bộ Tư lệnh pháo với các vị này. Ông Ba Bút không còn nữa sau khi công bố quyển sách Tấm Huân chương Van Tượng. Đại tá Nguyễn Trí Năng đang nghỉ hưu ở Hà Nội. Ba năm trước đây khi viết cuốn Đường về Thà Khẹt tôi điện hỏi thăm giọng trả lời của ông xem ra đã yếu lắm rồi. Trước khi có đảo chính Coongle, ngày 26 tháng 7 năm 1959, Phủi Xananicon đã lật đổ Chính phủ do Hoàng thân Phuma làm Thủ tướng và liền sau đó đã bắt giam Hoàng thân Xuphanuvông cùng 16 cán bộ cao cấp Pathét Lào là đồng đội và đồng chí của ông.

Chúng giam giữ những con người yêu nước và yêu chuộng hòa bình ấy tại trại giam đặc biệt trên đồi Phôn Khiêng. Chúng còn toan tính đưa các vị ra xét xử nhưng bị nhân dân phản đối mạnh mẽ và quốc tế lên án nên không dám làm. Cuộc giải thoát thần kỳ cho đoàn của Hoàng thân do nhóm chiến sĩ đặc công Việt Nam dũng cảm tài ba là Nguyễn Ngôn, Kiều Sơn Đen, Phan Dĩnh, Nguyễn Văn Du, Trần Văn Điển phối hợp cùng các bạn Lào đảm nhiệm đã được mở đầu đêm 24 tháng 5 năm 1960. Con đường từ ngày ấy đến nay dài sâu thăm thẳm, đầy những sự kiện bi hùng, đầy những chiến công hiển hách, để nước Lào anh em tươi sáng như hôm nay. Các vị tiền bối của thế hệ ấy như Cayxỏn Phômvihẳn, như Hoàng thân Xuphanuvông, như các ông Nuhắc, Vôngvichít… mãi mãi ghi dấu ấn vàng son trên từng bước đi ngày càng tươi sáng của nhân dân Lào và của tình hữu nghị Việt - Lào.

Thủ đô Viên Chăn xinh đẹp và thoáng đãng với công viên Patuxay, với quảng trường Xuphanuvông, với khu vực bảo tàng Cayxỏn, với quần thể di tích Tháp Luông… Những di sản văn hóa được trân trọng giữ gìn. Ngôi chùa Xỉ Mương cổ kính với gần ngàn tuổi. Kể rằng: Ấy là năm 1009 người dân Viên Chăn bắt đầu xây chùa. Nhưng cứ xây lên là bị đổ. Cọc cắm xuống và lấy đó làm trung tâm Viên Chăn đời đời con cháu phát triển ra bốn chung quanh. Năm này qua năm khác công việc không sao tiến triển được. Một cô gái xinh đẹp tên là Xỉ Mương đã tình nguyện nhảy xuống hố móng sâu hiến mình cho thần linh ngôi chùa quý mới dần dần hình thành. Tên cô được đặt làm tên ngôi chùa.

Dùng bữa trưa ở bãi cỏ bên thác nước Kuangsi cách Luông Pra Băng 25 cây số giữa rừng già bạt ngàn hôm ấy, đoàn nhà văn Việt Nam 12 người, đoàn nhà văn Campuchia 11 người cùng với các nhà văn Lào quần tụ. Và tôi nhớ lại buổi tiệc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chiêu đãi tại một khách sạn ở Bãi Cháy nhân hội nghị Quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài. Bàn ăn tròn và rộng.

Chẳng có ai sắp xếp mà ngồi bốn chung quanh bỗng nhiên cùng nhau nhận ra, phía Việt Nam có Nguyễn Xuân Hưng và tôi, phía Lào có Chủ tịch Hội Nhà văn Lào là chị Phuinavanh, phía Campuchia ba người, còn lại hai người là nhà văn Thái Lan. Gần trăm nhà văn thuộc năm mươi ba quốc tịch mà sao bốn anh em láng giềng ngẫu nhiên quần tụ? Giờ đây người ta đang bàn cần mở rộng giải thưởng Mekong để có thể kết nạp thêm Myanmar và Thái Lan.

Các bạn Lào chăm chút khách tận tình. Mới mấy ngày chị Phuinavanh đã gầy trông thấy nhưng nụ cười của chị dường như trong sáng hơn, thân thiện hơn. Trước giờ khai mạc hội nghị hai ngày, Chủ tịch Hội Nhà văn Lào đổ bệnh phải gấp gáp sang Bangkok chữa chạy. Gánh nặng đè trên vai chị cùng Panta Suovanhnalat, Manivanh Soutaphong, Somsouk Souksavaih, Thanongsach Vongsackda… và nụ cười hồn nhiên của các anh, các chị chủ nhà đã làm khách ấm lòng.

Đại sứ Tạ Minh Châu gắn bó chặt chẽ với đoàn và khi về nước công tác thì phu nhân của ông là bà Nguyễn Thị Luân thay mặt dự các buổi tiếp xúc. Bà tới khách sạn hỏi thăm về sinh hoạt của đoàn… Buổi gặp gỡ tối 28-3 với đại diện bà con Việt kiều trong câu lạc bộ đồng hương Xiêng Khoảng thật cảm động. Thân sinh anh chị em nơi đây đa phần đi phu cho Pháp làm đường số bảy từ đầu thế kỷ trước rồi ở lại làm ăn sinh sống tại Xiêng Khoảng.

Họ là thế hệ thứ hai, thứ ba, đã cùng nhân dân địa phương đứng lên làm cách mạng. Những năm 1968 - 1969 chiến tranh ác liệt bà con phải sơ tán về khu vực bản Sắn, xã Lục Gia, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Năm 1975, Việt Nam thống nhất và Lào đã thực hiện hòa hợp dân tộc, bà con xin Chính phủ ta cho ở lại Việt Nam. Phía bạn muốn bà con về. Họ về Xiêng Khoảng. Rồi nhanh chóng qui tụ ở Viên  Chăn, hiện nay câu lạc bộ có 175 gia đình với 800 nhân khẩu. Phu nhân đại sứ - bà Nguyễn Thị Luân có mặt từ rất sớm, Tham tán Công sứ Lương Quốc Huy, Bí thư thứ nhất Tạ Xuân Thanh cùng nhiều anh chị em khác làm việc trong tòa đại sứ ta tới dự. Khi mọi người bước xuống sân rộng tham gia vòng lăm vông thứ nhất thì một chị mặc áo dài đỏ chừng 45 hay 46 tuổi, dáng thướt tha mềm mại, tìm đến tôi thân tình:

- Anh ơi , nhà thơ Hữu Thỉnh vừa giới thiệu anh là sĩ quan pháo binh?

Tôi khẳng định:

- Thì đúng như thế mà.

Câu nói tiếp theo làm tôi đột ngột:

- Em cũng là lính pháo binh. Em là Dương Thị Hòa.

- Ua… Nhưng…

-   Em là lính pháo của Pathet Lào. Cối 82ly anh ạ. Em là chiến sĩ kế toán trắc địa trực tiếp chiến đấu.

Suốt chiến tranh tôi ở pháo cối 120 ly, rồi DKB, cả trung đoàn không bao giờ có bóng dáng một người con gái. Thì ra trong đơn vị pháo cối 769 của Pathét Lào ấy có 8 chị em Việt Nam đều trực tiếp chiến đấu. Họ là: Hà Thị Liên, Nguyễn Thị Loan, Dương Thị Hoa, Lê Thị Thuận, Trần Thị Nguyệt, Mùi, Phương, Nga. Hai chị đã mất và hai chị là Dương Thị Hòa và Hà Thị Liên có mặt nơi đây. Các chị đều nhập ngũ năm 1970, sau khi Hiệp định Viên Chăn về việc lập lại hòa bình và thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào  được ký kết mùa xuân 1973 các chị chuyển lên Sầmnưa. Các chị được về Việt Nam thăm Bộ Tư lệnh Pháo binh và ra Đồ Sơn xem biển vì Lào không có biển. Chị Liên cùng chồng người Lào là chủ khách sạn Duoang Pra Seuth trên diện tích mặt bằng 1.166m2 nơi đoàn ta và đoàn Campuchia đang ở. Chị xinh xắn và lúc nào cũng vui vẻ.

Phút chia tay lưu luyến. Vòng lăm vông cuối cùng xong rồi chẳng ai chịu về, cứ đứng quây quần, rồi bất ngờ vừa vỗ tay vừa hát vang: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…
 
Theo: An ninh Thủ đô

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch