Phật giáo & Doanh nhân
Cải hoá Dũng “Hồng Bàng” - Bài 2
Thiện duyên sau cánh cửa thiền
06/03/2011 01:55 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Làm ăn thua lỗ, nghiện ma tuý nặng, Dũng lún sâu vào vòng xoáy tội lỗi. Và, khi cánh cửa cuộc đời chuẩn bị khép lại thì tại chốn quê nghèo, nơi cửa thiền, Dũng gặp ông Kiên, người đã giang tay cứu rỗi đời gã…


Loay hoay ngoài xã hội, mấy lần định “làm ăn lớn” nhưng đều đổ bể, nhờ mối quan hệ của gia đình, Dũng được nhận vào làm nhân viên trong một doanh nghiệp nhà nước. Thế nhưng, những cơn nghiền ma tuý đã khiến ý định “ẩn mình” của Dũng thất bại.

Cứ khi rảnh, ông Kiên lại cùng Dũng (phải) trò chuyện tri giao.

Giang hồ gãy cánh

Đói thuốc, Dũng làm liều, viết hoá đơn khống để chiếm đoạt tiền. Sự việc bị phát giác, Dũng khăn gói vào tù. Đó là lần đi trại đầu tiên trong đời. Và, cũng chỉ lần đó Dũng nhớ mình bị đi tù vì lý do gì. Các lần sau, bởi tần suất quá dày, bởi sống trong mộng mị, nên Dũng chẳng còn nhớ mình “xộ khám” vì tội danh gì nữa.

Lần cuối cùng Dũng khoác trên mình bộ quần áo sọc trắng đen ấy là vào khoảng năm 1995. Khi ấy, bết bát bởi nghiện, lại thấy các băng nhóm khác nổi lên tranh giành lãnh địa sau khi các bậc “tiền bối” như Lâm Già, Cu Nên, Dung Hà bị công an đánh tơi tả, Dũng đã ngấm ngầm “vũ trang” để “lấy số giang hồ”. Thế nhưng, chưa kịp động thủ thì Dũng bị bắt bởi tội mua bán, tàng trữ vũ khí quân dụng.

Mấy năm bóc lịch, khi ra tù, như mọi lần, Dũng lại dấn sâu thêm vào “con đường tội lỗi”. Và, sau một phi vụ làm ăn, Dũng lại bị công an truy nã. Biết số mình đã tận, ngó quanh chẳng thấy ánh sáng tương lai đâu, lại thêm đứa em thứ ba chết bởi ma tuý, hai anh em Dũng đã bàn với nhau về quê ngoại ở xã Nam Thái, huyện Nam Trực (Nam Định).

Những lần trước về quê, anh em Dũng được dân làng vô cùng ngưỡng mộ, bởi họ ăn mặc sành điệu, phóng xe máy vè vè, tiêu tiền như rác. Thế nhưng, lần trở lại này, anh em Dũng đã khiến mọi người bất ngờ và… sợ hãi.

Dũng xăm trổ kín người, gặp bất cứ ai “nóng mắt” là vác dao tới chém. Quá mệt mỏi với sự ngang tàng của anh em Dũng, họ hàng thân thích cũng dần xa lánh. Lúc đó, bởi nghiện ma tuý đã nặng, thân xác Dũng tiều tụy, mụn nhọn nổi khắp người. Nghĩ mình chẳng sống được bao lâu, Dũng càng tuyệt vọng, càng phá phách hơn.

Bồ Tát hiển linh

Khi ấy, ông Kiên đang trông việc nhang khói ở chùa. Tận mắt thấy Dũng gây gổ, tận mắt thấy Dũng huỷ hoại đời mình, ông đau xót lắm. Gần Đức Phật, thấm câu “cứu một mạng người bằng xây bảy ngôi chùa”, ông muốn dang tay cứu vớt Dũng, người khi ấy đã tự “đặt vé” cho mình trên “chuyến tàu về bên kia thế giới”.

Ông Kiên kể, thực tình, nhìn sự ngổ ngáo của anh em Dũng, ban đầu ông cũng ngại tiếp xúc. Nhưng sau một vài lần trò chuyện, ông thấy ở Dũng mầm thiện vẫn còn. Vậy là, một lần, thấy Dũng đang ngáo ngơ ở gần chùa, ông đã vẫy Dũng vào trò chuyện.

Ông Kiên kể, thực tình, nhìn sự ngổ ngáo của anh em Dũng, ban đầu ông cũng ngại tiếp xúc. Nhưng sau một vài lần trò chuyện, ông thấy ở Dũng mầm thiện vẫn còn.

Sau buổi nói chuyện thân tình ấy, ông biết, Dũng đang rất tuyệt vọng. Bị dân làng, họ hàng xa lánh, anh em Dũng định quay lại Hải Phòng. Quay lại “đất dữ” ấy là quay lại con đường tội lỗi, là tìm về cõi chết nhanh hơn. Thế nhưng, lúc đó Dũng nghĩ mình không còn sự lựa chọn nào khác. Thôi thì cứ ra đấy, cứ sống huy hoàng, mặc kệ số phận, đẩy đến đâu thì đẩy, trôi đến đâu thì trôi.

Sụt sùi nước mắt, Dũng bảo: “Bố ạ, đời con chẳng còn gì! Con đã đánh mất tất cả! Bây giờ con chỉ muốn chết thôi! Chết cho đỡ khổ, đỡ nhục bố ạ!”.

Nắm chặt bàn tay gầy guộc của Dũng, ông vỗ về: “Thôi con ạ, mọi thứ qua rồi, có tiếc cũng chẳng được gì. Con còn trẻ, còn có tương lai. Nếu con không ngại thì ta sẽ nhận làm con nuôi và ở hẳn đây với ta, đừng đi đâu nữa!”.

Nghe ông Kiên nhắc lại mấy lời gan ruột ấy, ngồi bên cạnh, Dũng lấy tay ôm mặt. Dù cố nén, cố ngăn nhưng nước mắt vẫn lã chã tuôn rơi. Lau nước mắt bằng bàn tay chai sần, bàn tay đã từng cầm dao cầm kiếm, rồi cầm cuốc cầm cày, Dũng nghẹn ngào: “Những lời đó, đến giờ tôi vẫn khắc cốt ghi tâm. Không quên được! Không thể nào quên được! Những lời đó đã cứu cả đời tôi!”.

Ngay sau buổi gặp mặt định mệnh ấy, Dũng chuyển ra chùa sống chung với ông Kiên. Tiếp nhận “đứa con bất trị”, ông Kiên đã phải… giả điếc trước những lời dị nghị, đàm tiếu của dân làng. Ai cũng bảo ông dở người, an nhàn chẳng muốn lại muốn rước vạ vào thân.

Thế nhưng, ông bảo, tên ông là Trung Kiên nên khi đã quyết định cái gì thì cứ thế mà làm, chẳng bàn cãi gì thêm nữa.

Đã nhận con thì phải có trách nhiệm với con. Việc đầu tiên là phải kéo Dũng thoát khỏi bàn tay tử thần. Ông muốn cai nghiện cho Dũng bởi chỉ khi làm được việc đó thì đời con mình mới có hy vọng.

Ở làng ông từ trước tới nay chẳng có ai nghiện ma tuý cả. Tuy nhiên, ông biết, cai nghiện là việc khó tựa lấp biển, dời non. Qua sách báo, ông thấy có người cai đến cả chục lần mà vẫn chứng nào tật nấy, ngựa cũ quen đường. Thế nhưng, ông tin cha con ông sẽ thành công nếu cả hai cùng cố gắng.

Sau mấy đêm hàn huyên, ông đã truyền cho Dũng ngọn lửa quyết tâm đang rừng rực cháy trong mình. Nghe như nuốt từng lời ông nói, Dũng cũng thấy cơn nghiện đã dày vò mình ngót hai chục năm dịu bớt. Dũng quyết tâm cai. (Còn nữa)

----------------

Bài cuối: Một tình yêu xúc động

Đào Thanh Tuy (Dân Việt)

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch