Kiến trúc - Nghệ thuật
Độc đáo mộc bản Phật giáo
11/10/2010 08:42 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hơn 3.000 mộc bản kinh sách Phật duy nhất về thiền phái Trúc Lâm - thiền phái tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam hiện đang được bảo quản tại chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang). Căn cứ vào chất liệu gỗ, có thể ước đoán bộ cổ nhất xuất hiện từ thế kỷ 14 - 15, bộ gần đây nhất cũng vào đầu thế kỷ 20. Kho di sản quý giá này vừa qua vòng thẩm định của UNESCO, đề cử là Di sản tư liệu thế giới. Cơ hội được vinh danh trước thế giới đã mở ra tương lai được bảo tồn một cách đầy đủ và phát huy được giá trị của di sản..

Giá trị độc đáo có một không hai

Việt Nam đã từng tự hào với kho di sản tư liệu mộc bản triều Nguyễn thì nay sẽ càng tự hào hơn nữa khi sở hữu một kho tư liệu khác quý giá không kém: mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Những tư liệu này được xem là có lịch sử tồn tại lâu đời và chưa được nhiều người biết đến. Đại đức Thích Thanh Vịnh, phó trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm cho biết, đây là tập hợp 34 đầu sách bao gồm kinh, luật giới, trước tác nhà phật, sách thuốc... được san khắc nhiều đợt, chứng tỏ rằng hơn 700 năm qua chùa Vĩnh Nghiêm đã là nơi tàng bản, in ấn kinh điển cho Phật giáo Việt Nam. Bộ mộc bản Phật giáo là di sản, báu vật không riêng của Phật giáo mà của cả quốc gia.

Theo ông Trần Văn Lạng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, người tham gia vào việc hoàn thiện hồ sơ mộc bản Phật giáo chùa Vĩnh Nghiêm gửi UNESCO cho hay: Một số nơi khác cũng có như chùa Bổ Đà ở Bắc Giang còn 2.000 tấm, chùa Phúc Chỉnh -Ninh Bình hiện còn hơn 100 tấm... nhưng nội dung chỉ là những bài kinh Phật. Kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là lớn nhất và còn được lưu giữ đầy đủ nhất. Điều ông Lạng tâm đắc là bộ mộc bản này còn lưu giữ vẹn toàn tư tưởng về thiền phái Trúc Lâm, đó là tư tưởng của vị minh quân, anh hùng dân tộc Trần Nhân Tông: "rèn lòng làm Bụt", rèn lòng để tu thân. Không cứ gì trên núi cao, ở trong chùa hay vào thiền viện. Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba mới tu chùa....

Trải qua mấy trăm năm, các tấm mộc bản hầu hết còn nguyên vẹn, từng chữ vẫn rõ ràng, sắc nét, trăm chữ như một, đẹp đẽ, vuông vức. Tận mắt nhìn những tấm ván in có tuổi đời vài trăm năm mới thấy khâm phục sự tài hoa, kiên nhẫn, cái tâm của những người thợ. Ông Nguyễn Văn Phong, nhà nghiên cứu Hán Nôm, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang chỉ cho chúng tôi cách bố trí của từng bản in: thường mỗi tấm ván được in 2 mặt. Mỗi mặt ván là hai trang sách, khắc chạm đúng chuẩn mực theo kiểu đóng sách của người xưa. Nhìn vào chữ khắc có thể thấy những người thợ làm nên ván khắc này đều rất giỏi nghề, có tâm và trách nhiệm cho nên một phường thợ làm nhưng bản sách nào cũng chuẩn mực. Có những ô khoảng 1cm2, người thợ khắc 4 - 5 chữ mà có chữ hơn 20 nét. Quả là sự kỳ diệu và tài hoa.

Trọng trách bảo tồn

Qua mấy trăm năm, các mộc bản này vẫn được bảo quản tại chùa nhưng chưa có một phương án bảo tồn nào khoa học. Hiện nhiều mộc bản cũng đã có dấu hiệu mục, sứt và nhiễm nấm mốc. Về lâu dài thì việc bảo quản như cũ không ổn. Nhà chùa đang xin làm Nhà Đại tạng Kinh cất giữ mộc bản. Nhưng hiện giờ mới trình lên, kết quả như thế nào hiện vẫn đang phải chờ. Hiện tỉnh Bắc Giang đang tìm kiếm, khai thác những kỹ thuật bảo quản hiện đại giúp cho việc bảo quản bộ mộc bản này. Bà Hoàng Thị Hoa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang cho biết, ngành văn hóa tỉnh và các cơ quan chức năng thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ mộc kinh trình UNESCO công nhận là Di sản tư liệu trong chương trình Ký ức thế giới từ đầu năm 2010. Nay, hồ sơ mộc bản đã qua vòng thẩm định. Đây là một tin vui đặc biệt đối với những người làm công tác văn hóa và di sản của Bắc Giang. Khi đã được công nhận, có nhiều sự quan tâm của cộng đồng, của bạn bè quốc tế thì sẽ có phương án bảo tồn tối ưu được áp dụng cho kho mộc kinh góp phần gìn giữ kho báu vật này cho muôn đời sau.

Bà Hoa cũng cho biết, đầu tháng 11 tới, tỉnh Bắc Giang sẽ phối hợp với UNESCO Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học về các giá trị văn hóa - lịch sử của tư tưởng thiền phái Trúc Lâm tam tổ và mộc bản Kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm trong quá trình phát triển của Phật giáo Việt Nam.

Theo Lan Anh - SK&ĐS

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch