Thiền học
Duy Lực Ngữ Lục
03/09/2015 11:59 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Mục lục
Xem toàn bộ

180. HỎI: Học thuyết của Lão Trang có giống tông chỉ pháp môn Tổ Sư Thiền không?

  • Ø ĐÁP: Khác. Học thuyết Lão Trang còn ngã chấp; chấp chỗ thanh tịnh vô vi là tốt, còn đối với Tổ Sư Thiền thì thanh tịnh gọi là thiền bệnh. Tổ Sư Thiền lấy Vô Sở Trụ làm căn bản, chẳng lọt vào bên động, chẳng lọt vào bên tịnh, cũng chẳng lọt vào trung đạo, chẳng lọt vào chỗ nào cả.

181. HỎI: Mình nhờ người khác cứu độ được không?

  • Ø ĐÁP: Trồng bí được bí, trồng đậu được đậu, nếu không trồng bí mà mong cầu Phật cho mình quả bí, có được không? Có nhân mới có quả, không gieo nhân muốn có quả, ấy thành chẳng có nhân quả rồi. Nếu không có nhân quả tức không có Phật pháp.

Nói đến vấn đề “Cầu”, có cầu là phá hoại nhân quả, tức phá hoại Phật pháp. Nếu khỏi cần nhân mà có quả là không có nhân quả, không có nhân quả thì làm ác cũng chẳng sao, làm ác nhân rồi cầu Phật cho mình thiện quả cũng được vậy! Vã lại, cầu là thuộc về mê tín, Phật pháp là chánh tín, chánh tín phải phá trừ mê tín mới có thể giải thoát sanh tử, đạt đến tự do tự tại vĩnh viễn, nên phải tự độ độ tha.

182. HỎI: Thế nào là ác kiến ngoại đạo?

  • Ø ĐÁP: Theo Giáo môn, ác kiến có năm thứ: Thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ.

Thân kiến là chấp cái thân ta là thật, tất cả đều quy về thân ta trên hết.

Biên kiến là chấp về tương đối, chẳng chấp có thì chấp không, chẳng chấp thường thì chấp đoạn, chẳng chấp chơn thì chấp giả v.v…

Tà kiến là chấp không có nhân quả, hễ có sở cầu là lọt vào tà kiến, vì không cần nhân mà mong cầu được quả.

Kiến thủ là chấp vào ý kiến nào cao nhất, ví như nói vũ trụ là do một vị chúa tể nào tạo ra…

Giới cấm thủ: Ví như ở Ấn Độ có phong tục không ăn thịt heo, vì cho rằng ăn thịt heo không được giải thoát, nay dám phá giới cấm ấy, gọi là giới cấm thủ.

183. HỎI: Thiền tông lấy tâm truyền tâm, tại sao lại có   truyền y bát?

  • Ø ĐÁP: Về việc truyền y bát, bởi trước khi Tổ Đạt Ma từ Ấn Độ sang Trung Quốc, người Trung quốc chưa biết pháp môn Tổ Sư Thiền, nên có việc truyền y bát để làm vật tin cho người. Đến đời Lục Tổ thì việc truyền y bát trở thành sự tranh giành, và lòng tin của mọi người đã vững, nên không cần truyền y bát nữa.

Còn về vấn đề truyền tâm ấn, nói là truyền, kỳ thật không phải có tâm ấn thật để truyền, chỉ là trò kiến tánh rồi thầy ấn chứng cho, gọi là truyền tâm ấn. Nhưng đến đời sau này thì dù trò chưa kiến tánh, thầy vẫn ấn chứng, khiến việc truyền tâm ấn bị gián đoạn, tức sự ngộ bị gián đoạn. Thời nay, nói đến chữ “Truyền” chỉ là truyền thừa sự thực hành đúng theo Chánh pháp mà thôi. Như ngài Hư Vân đã ngộ, nhưng thầy của ngài chưa kiến tánh; Lai Quả Thiền sư đã ngộ mà thầy của ngài cũng chưa ngộ

Cũng như tôi chưa kiến tánh, chưa được truyền tâm ấn, nhưng vì tôi may mắn biết được cách thực hành tham Tổ Sư Thiền, nên tôi chỉ truyền lại cho quý vị về cách thực hành Tổ sư Thiền. Về cách thực hành, nếu siêng năng, quyết tử tham sẽ được ngộ, còn lôi thôi thì chẳng được ngộ. Trong lịch sử Thiền tông, cũng có trường hợp trò được ngộ mà thầy chưa kiến tánh, thầy lễ trò trở lại làm thầy, còn tâm ấn thì không có truyền nữa.

184. HỎI: Tham thiền đến đầu sào trăm thước thế nào?

  • Ø ĐÁP: Tham Thiền đến đầu sào trăm thước vẫn còn nằm trong ý thức, công phu thành khối vẫn nằm trong ý thức, phải lìa ý thức mới kiến tánh. Nói KIẾN TÁNH, nếu chấp “Thật có Phật tánh” ấy là thêm, nếu chấp “Không có Phật tánh” ấy là bớt, tự tánh chẳng thể thêm bớt, nên không thể dùng ngôn ngữ văn tự diễn đạt được, phải tự ngộ tự biết.

185. HỎI: Tu hành đến một lúc nào đó sẽ có thần thông, phải không?

  • Ø ĐÁP: Theo pháp môn khác như Mật tông thì tôi không biết rõ, nhưng theo pháp môn Tổ Sư Thiền rất kỵ thần thông. Lịch đại Tổ sư kiến tánh rồi đều có thần thông nhưng không cho ai biết, có khi sơ hở lộ ra cho người biết rồi liền thị tịch. Thần thông là bản tánh mọi người sẵn có, chứ không phải do học mà được, nhưng cái thiết yếu là cần phải đạt đến tự do tự tại, giải thoát vĩnh viễn, còn về thần thông, theo trong Kinh Lăng Nghiêm, tà ma ngoại đạo cũng có thần thông, nhưng chỉ khiến tạo thêm tội địa ngục chứ chẳng thể giải thoát. Cho nên Tổ Sư Thiền rất kỵ thần thông.

186. HỎI: Thế nào là “Bọt nước hư không trong biển giác”?

  • Ø ĐÁP: Trong Kinh Lăng Nghiêm có thí dụ: Giác tánh của mình là một biển lớn, hư không chỉ là một bọt nước trong biển, còn các thế giới như thế giới Ta Bà, thế giới Cực Lạc, thế giới Lưu Ly v.v… thì kiến lập ở trong bọt nước đó. Hễ bọt nước bể là hư không tan nát, quy về biển Giác, không có hư không thì thế giới còn không? Thế giới kiến lập ở đâu? Nếu đã hiểu Kinh Lăng Nghiêm thì vấn đề này không cần hỏi nữa.

187. HỎI: Kiến tánh rồi có thành Phật không? Như vậy là có sở cầu, có sở đắc không?

  • Ø ĐÁP: Kiến tánh không phải có Phật để đắc, Đức Phật trong Kinh Kim Cang  nói: “Nếu ta có thật chứng đắc A-nậu-đa-la Tam miệu Tam Bồ-đề, thì Phật Nhiên Đăng đã không thọ ký cho ta thành Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni, vì vô sở đắc nên Phật Nhiên Đăng thọ ký cho ta thành Phật, hiệu Thích Ca Mâu Ni”. Sau khi ngộ rồi mới biết trước kia chưa từng mê, tức sự ngộ ấy chỉ là biết mình là cái gì, biết mình đã sẵn có thôi, chứ không phải có đắc thêm cái gì từ bên ngoài.

188. HỎI: Trước kia đề lên câu thoại đầu khó khởi nghi tình, nay tham được dễ dàng rồi lại khởi vọng niệm muốn giúp cho người này, người kia, ấy là thế nào?

  • Ø ĐÁP: Ấy là do thói quen từ xưa nay, đừng nên để ý, cũng đừng nổi niệm  muốn giúp hay không muốn giúp, nói “Muốn giúp” cũng không được, nói “Không muốn giúp” cũng không được, chỉ  để ý câu thoại đầu. Tham Thiền chỉ là một câu thoại đầu, ngoài nghi tình ra, không được nổi thêm một niệm nào, cũng đừng có nói là quyết tử hay không quyết tử.  NGOÀI CÂU THOẠI ĐẦU RA, HỄ NỔI LÊN MỘT NIỆM KHÁC LÀ BIỆT NIỆM, LÀ THIỀN BỆNH. Cho dù nổi niệm muốn độ hết tất cả chúng sanh cũng là biệt niệm, muốn hiểu thiền hiểu đạo cũng là biệt niệm.

189. HỎI: Dụng công cách nào khi thân thể có bệnh?

  • Ø ĐÁP: Chẳng có phương tiện gì khác, chỉ có một câu thoại đầu: Hôn trầm cũng đề câu thoại đầu, tán loạn cũng đề câu thoại đầu, chỉ để ý câu thoại đầu, ngoài ra bất cứ hôn trầm, tán loạn, vọng tưởng, thanh tịnh v.v… cũng chỉ là đề câu thoại đầu. Lúc vọng tưởng nhiều, không biết tới; lúc không có vọng tưởng, được yên tịnh, cũng không biết tới, đừng có sợ hôn trầm, vọng tưởng, tất cả đều không biết tới.

190. HỎI: Phạm tứ trọng giới, tu lại có thành Phật không?

  • Ø ĐÁP: Trong Đại Tạng Kinh và Chứng Đạo Ca đều nói: “Tất cả chúng sanh đều được thành Phật”. Tỳ-kheo Dũng Thí phạm hai giới Ba la Di: Sát và dâm, sau khi phạm ăn năn sám hối, muốn tự tử và nhảy từ trên cao xuống, nhưng được cứu sống, sau đó quyết tử tu nên nay đã thành Phật.

Ý nghĩa của hai chữ sám hối: SÁM là diệt tội phá giới, HỐI là sau này không được tái phạm. Nếu còn tái phạm thì sự sám lần trước không tác dụng, tội còn nặng thêm. Có người buổi sáng sám hối, buổi chiều lại tái phạm, vậy làm sao diệt tội?

Sám hối diệt tội chỉ có thể diệt tội phá giới, còn tội nhân quả thì chẳng thể diệt được, cho nên, khi phạm tứ trọng giới Ba-la-di của Tỳ-kheo, nếu triệt để sám hối, quyết tử tham thiền có thể thành Phật.

191. HỎI: Tham thiền đến khi phát khởi chơn nghi, sự khai ngộ có bằng với chư Tổ không?

  • Ø ĐÁP: Nếu đã đạt đến chơn nghi thì có thể khai ngộ bằng với chư Tổ, bằng Phật nữa. Nói Tham thiền kiến tánh thành Phật, ấy là cái lý, còn về sự,  do tập khí lâu đời, nên khi kiến tánh thì sự ngộ bằng Phật, nhưng sức dụng so với Phật còn xa lắm, phải dứt sạch hết tập khí thế gian, tập khí xuất thế gian.

192. HỎI: Khi tu pháp môn Tổ Sư Thiền, kiến tánh rồi có còn tiếp tục tu nữa không?

  • Ø ĐÁP: Nói “Kiến tánh” là tự tánh tự hiện, gọi là kiến tánh thành Phật. Tổ Sư Thiền có ba lớp: Sơ quan, Trùng quan, Mạt hậu lao quan.

- Phá Sơ quan rồi cũng gọi là kiến tánh, nhưng chưa rốt ráo, thấy thì thấy nhưng rất mơ hồ, phải tiến thêm.

- Đến khi phá được Trùng quan, cũng gọi là kiến tánh, thấy thì thấy rõ, nhưng chính vì còn ghi nhớ cái thấy rõ ấy, còn giữ cảnh giới ngộ, không tan rã được; hễ còn ngộ tức sự mê chưa hết, vì mê với ngộ là tương đối, mê là bệnh, ngộ là thuốc, cảnh giới ngộ còn ghi nhớ trong lòng là không được triệt để cứu cánh.

- Đến chỗ Mạt hậu lao quan, cái ghi nhớ, rõ ràng ấy tan rã hết, là đến Mạt hậu lao quan, nên nói “Ngộ rồi đồng như chưa ngộ”.

Mặc dù đến đó, Phàm phu ngộ cũng đến đó, Thập Địa Bồ-tát ngộ cũng đến đó, sự ngộ bằng nhau, nhưng sự dụng thì khác xa nhiều. Tại sao? Vì phàm phu dù ngộ triệt để nhưng tập khí thế gian và xuất thế gian còn nguyên, Thập Địa Bồ-tát ngộ triệt để, tập khí thế gian đã sạch, tập khí xuất thế gian còn chút ít, rất vi tế. Nên sức dụng của Thập Địa Bồ-tát mạnh hơn sức dụng của phàm phu.

Phàm phu nếu ngộ triệt để rồi tập khí cũng sẽ tự hết dần,  cuối cùng cũng bằng với Thập Địa Bồ-tát, bằng với Phật, thần thông biến hóa, vô lượng vô biên, tất cả đều sẵn có.

193. HỎI: Ơn cha mẹ lớn hay ơn Phật lớn?

  • Ø ĐÁP: Ở trong Phật giáo có Tứ Ơn: Ơn Phật, ơn cha mẹ, ơn sư trưởng, ơn chúng sanh, tứ ơn đều bằng nhau, không có lớn nhỏ cao thấp. Cho nên, Đức Phật hy vọng mọi người đều thành Phật, chứ không có Phật phải cao hơn, chúng sanh phải thấp hơn. Lại, nói đến tứ ơn thì tất cả chúng sanh; Phật, cha mẹ, sư trưởng, cũng là ở trong chúng sanh, nên hễ báo đáp ơn của chúng sanh là báo đáp hết tứ ơn.

194. HỎI: Làm thế nào để đền ơn cha mẹ?

  • Ø ĐÁP: Nay chúng ta sanh ở kiếp này thì kiếp này có một cha một mẹ, nếu muốn đền đáp công ơn cha mẹ, phải khiến cha mẹ đạt đến tự do tự tại, vĩnh viễn giải thoát tất cả khổ, ấy mới là triệt để. Nếu chỉ nuôi dưỡng cha mẹ thì khổ của cha mẹ không thể hết được. Cho nên, người xuất gia không có nuôi dưỡng cha mẹ, theo thế gian là bất hiếu, nhưng ở trong Phật pháp gọi là đại hiếu. Sao gọi đại hiếu? Dù ở nhà phụng dưỡng cha mẹ, cha mẹ cũng phải già, phải bệnh và cuối cùng phải chết, chết rồi tùy theo nghiệp báo chịu khổ sanh tử luân hồi, không được giải thoát.

Còn người xuất gia, nếu tự chẳng làm tròn bổn phận, tự chẳng giải thoát được là phụ ơn cha mẹ; phải tận bổn phận của mình, tự giác giác tha, tự mình giác ngộ thành Phật rồi, giác ngộ tất cả chúng sanh. Trong tất cả chúng sanh có cha mẹ của mình, chẳng những cha mẹ kiếp này, kể cả cha mẹ từ vô lượng kiếp cũng bao gồm trong đó. Cho nên, Phật pháp gọi là đại hiếu, hiếu ấy mới triệt để.

Nay chúng ta tham Thiền, nếu siêng năng quyết tử tham đến kiến tánh thành Phật thì được viên mãn đại hiếu vậy.

195. HỎI: Phật Quan Âm có ngàn tay, ngàn mắt nghĩa như thế nào?

  • Ø ĐÁP: Ấy là hình dung cái dụng của Phật tánh, tức dụng của tự tánh. Phật tánh của mọi chúng sanh đều sẵn đủ sự dụng, vô lượng vô biên, mắt thấy khắp tất cả vi trần vô lượng vô biên thế giới, tay có thể lấy tất cả vật trong tất cả thế giới, đâu có hạn chế bởi ngàn tay ngàn mắt! Vì nói vô lượng vô biên thì mọi người khó hiểu, nên lấy ước số một ngàn, chứ chẳng phải một người có ngàn tay ngàn mắt.

196. HỎI: Tham thiền có chướng ngại việc làm không?

  • Ø ĐÁP: Tham Thiền đâu có cấm người đi kiếm cơm ăn việc làm! Chẳng những không chướng ngại đời sống của mình, còn có giúp ích cho đời sống; người nào làm nghề gì cứ chiếu theo nghề cũ, vẫn nuôi nấng cha mẹ, Tổ dạy là phải ở trong lao động mà tham, lúc đang làm cũng là lúc đang tham, đâu có chướng ngại! Nên tôi thường nói “Tham Thiền đệ nhất, đời sống đệ nhị”, vì nhất thiết do tâm tạo, sinh sống là có nhân quả, còn tham thiền có thể sửa đổi nhân quả, khi tâm lực mạnh rồi nhân quả có thể sửa lại được.

197. HỎI: Cầu siêu cho cha mẹ bằng cách nào tốt hơn?

  • Ø ĐÁP: Mục đích cầu siêu cho cha mẹ là muốn cha mẹ giải thoát tất cả khổ, đạt đến tự do tự tại, phải không? Vậy tụng Kinh lễ sám có thể đạt đến mục đích này không? Nếu không được thì phải có cách khác. Ví như Lai Quả Thiền sư nói: “Chỉ có câu thoại đầu mới được giải thoát tất cả khổ, đạt đến tự do tự tại”, nếu muốn cầu siêu cho cha mẹ, tự mình phải quyết tử tham thiền, ấy mới là thực tế. Còn về tụng Kinh lễ sám, cũng như Lai Quả Thiền Sư nói: “Chỉ gieo trồng được thiện nhân, để muôn ngàn kiếp sau, khi thiện nhân chín mùi mới bắt đầu tham thiền”. Như vậy nay ta bắt đầu tham thiền có phải mau hơn không?

198. HỎI: Kiếp này chết rồi, kiếp sau làm sao biết có nhân duyên hay không?

  • Ø ĐÁP: Về vấn đề sanh tử, trước mắt chúng ta thấy có sanh tử rõ ràng, nhưng kỳ thật ấy là do vọng tâm của mình ngày đêm hoạt động chẳng ngừng, sanh ra cảm giác sai lầm, mới thấy có sanh tử luân hồi. Tự tánh xưa nay vẫn như thế, vốn chẳng có sanh tử. Hạt giống nhân duyên nằm trong thức thứ tám, cũng như hạt lúa trong kho, dù cất giữ mười năm, trăm năm, vẫn là hạt lúa, không có mất, khi nào gặp trợ duyên, khởi lên hiện hành rồi mới tàn. Hạt lúa là nhân, nhân công trồng trọt, nước tưới, phân bón, nắng mưa … ấy là trợ duyên giúp cho hạt lúa trưởng thành, nên gọi là nhân duyên.

199. HỎI: Người tham Thiền đối với tình cảm vợ chồng như thế nào?

  • Ø ĐÁP: Theo ngũ giới của bậc cư sĩ chỉ cấm tà dâm, không cấm chánh dâm, vợ chồng chính thức thuộc chánh dâm. Còn theo Tổ Sư Thiền thì không để ý những vấn đề đó, chỉ để ý câu thoại đầu. Nếu đã tập trung tinh thần về câu thoại đầu thì những vấn đề trên đều quét sạch. Nay có nhiều Phật tử, xưa kia thích đi chơi, xem phim, mặc áo đẹp, tham thiền một thời gian sau không thích nữa. Đối với tình vợ chồng cũng thế, khi đi đến cảnh giới đó rồi tự nhiên quét sạch. Lại, nếu muốn chứng quả thì tất cả tình cảm cha mẹ, anh em, bạn bè đều dứt, không chỉ riêng tình cảm vợ chồng. Vì hễ tình sanh thì trí cách.

Kinh Lăng Nghiêm nói: “Tất cả sát, đạo, dâm đều lọt vào ma đạo, không có sát, đạo, dâm thì lọt vào Cõi Trời, vẫn chưa ra khỏi luân hồi, vì còn ở trong tương đối. Nên trong Tổ sư Thiền có và không đều quét sạch.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch