Thiền học
Duy Lực Ngữ Lục
03/09/2015 11:59 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Mục lục
Xem toàn bộ

460. HỎI: Kinh nói  “Chư Phật và chúng sanh đã đồng một bản thể” thì tại sao lại do vô minh vọng động biến thành chúng sanh?

  • Ø ĐÁP: Bản thể không thể trở thành chúng sanh được, vì không có sanh diệt. Ví như tôi thí dụ “Chỗ búng” ở trên, do tâm chấp của mình nên có vô minh, vô minh vốn không, Tâm Kinh nói “Vô vô minh, diệc vô vô minh tận”. Nay dù nói thế nào, cũng là việc trong chiêm bao, phải tự thức tỉnh rồi mới biết những gì trong chiêm bao vốn chẳng thật có.

461. HỎI: Chơn như Phật tánh cùng khắp mọi nơi, vậy vô thỉ vô minh có cùng khắp không? Nếu có, tại sao biết từ vô minh khởi?

  • Ø ĐÁP: Vô thỉ vô minh cũng theo Phật tánh cùng khắp. Như tôi vừa thí dụ ở trên: Cái biết của cơ thể cùng khắp, chẳng có chỗ biết và không biết, hễ muốn tìm ra chỗ biết tức không cùng khắp rồi. Đối với vấn đề này, phải tự thức tỉnh mới được, chưa thức tỉnh thì tất cả đều là ở trong chiêm bao, ra ngoài chiêm bao chẳng được.

462. HỎI: Cũng vì chấp thật, nên có Chơn như Phật tánh và vô thỉ vô minh, nếu không chấp thì chính ngay vô thỉ vô minh là Chơn như Phật tánh, phải không?

  • Ø ĐÁP: Người đã kiến tánh rồi, tất cả vũ trụ vạn vật, mặc áo ăn cơm đều thành Phật tánh, đều bất nhị, nhưng hiện nay chưa giác ngộ thì có muôn ngàn sai biệt, có vấn có đáp, nói có nói không.

Chưa ra khỏi sanh tử luân hồi thì phải có thiện có ác, có sanh tử luân hồi. Do đó, làm thiện được phước báo, làm ác chịu khổ báo, chịu nhân quả trong chiêm bao, nói “Không chấp” tức chấp vậy. Tất cả biết của hiện nay đều là sự biết của người mù, Phật cần chúng ta trị hết bệnh mù, thành người mắt sáng, thấy rõ việc chơn thật. Nhưng các người học Phật chẳng chịu trị hết bệnh mù, cứ muốn ở trong Kinh điển tìm chơn lý, cho đó là mặt trăng, nên Phật nói là rất đáng thương xót.

463. HỎI: Sư phụ đã nói biết cũng là bệnh, không biết cũng là bệnh, mà sao gặp Sư phụ cứ muốn hỏi hoài?

  • Ø ĐÁP: Vì không tin tự tâm, nên có câu hỏi; và dù tin nhưng tin chưa đầy đủ, nên cứ muốn hỏi. Được tôi trả lời để tăng thêm lòng tin, khi lòng tin đầy đủ thì tự nhiên không cần hỏi nữa.

464. HỎI: Đã làm đủ điều lầm lỗi, có chướng ngại cho việc nhận lại tự tánh sẵn có của mình không?

  • Ø ĐÁP: Tự tánh đâu có những thứ đó? Ấy là do tâm chấp mới có. Trong Pháp Môn An Tâm của Tổ Đạt Ma nói: “Nếu thấy được bản tánh, ví như người đã thức tỉnh, tất cả tội lỗi trong chiêm bao đi đâu tìm?”. Sở dĩ có tất cả tội lỗi, đều do bị lục căn lừa gạt thôi.

465. HỎI: Sư Phụ cho biết sự truyền thừa của ngài về pháp Tổ Sư Thiền từ ai?

  • Ø ĐÁP: Sự truyền thừa của Tổ Sư Thiền chia làm hai phái: Một phái là Thế Độ (xuống tóc), một phái là Pháp phái, thường gọi là Thế pháp và Pháp phái.

Về Thế pháp của tôi là Tông Lâm Tế, về Pháp phái thuộc Tào Động. Sự truyền thừa của cá nhân tôi có ghi trong pháp quyển: Từ đời Phật Thích Ca đến Ma-ha Ca-diếp … đến đời tôi là đời thứ 89, không có sự gián đoạn. Nay ở đây giải đáp thắc mắc, không thể kể ra, sau này khi cần, tôi sẽ lưu lại pháp quyển, để quý vị được biết.

466. HỎI: Tại sao Sư phụ Pháp phái được truyền từ Tào Động, mà Thế pháp lại là dòng Lâm Tế?

  • Ø ĐÁP: Trước đời nhà Tống, khi đệ tử kiến tánh, được thầy ấn khả, thì thầy ấn khả thuộc về Pháp phái. Đến sau này, người có tham thiền dù chưa kiến tánh vẫn được nối pháp, rồi dần dần người không có tham thiền cũng được nối pháp, tu Tịnh độ cũng nối pháp Thiền tông, cũng nói là Thiền sư. Có tu cũng còn khá, sau này kể cả người không tu pháp môn nào cũng nối pháp, trong pháp quyển cũng gọi là Thiền sư, thật là phỉ báng Phật Tổ!

Riêng về sự truyền thừa của cá nhân tôi, nếu gặp được một người để giao lại, tôi sẽ bàn giao. Nay nhiều người muốn nối pháp của tôi, nhưng tôi chưa đưa nguyên lưu cho ai (Nguyên lưu tức cội nguồn truyền thừa), cũng có người mượn danh nghĩa tôi, nói là đệ tử tôi đi xin đóng góp, lừa gạt người.

467. HỎI: Khi vắng Sư phụ, chúng con công phu gặp trở ngại, biết hỏi ai?

  • Ø ĐÁP: Bây giờ tôi cũng chưa biết là vị nào, nhưng chín chữ “VÔ SỞ ĐẮC, VÔ SỞ CẦU, VÔ SỞ SỢ” trong cuốn Đường lối thực hành tham Tổ Sư Thiền là để phá ngã chấp, nếu tự hỏi không vi phạm chín chữ này sẽ chẳng có gì trở ngại, thực hành được chín chữ này là không thể nhập ma được. Có chướng ngại là do ngã chấp, có sở cầu sở đắc sở sợ, hễ tin tự tâm 100%, tự nhiên sẽ thực hành được chín chữ này.

- Nếu thật đã kiến tánh, có người mắt sáng thì nhờ người ấy ấn chứng, nếu không gặp người mắt sáng, có thể lấy Truyền Đăng Lục hoặc Kinh Hoa Nghiêm ấn chứng cũng được.

Tham thiền cần tự mình đi, có đi ắt sẽ đến, khi đến nơi rồi người ta nói mình chưa đến cũng đâu được! Hễ chưa đến mà nói đã đến rồi là đại vọng ngữ, phải đọa địa ngục.

468. HỎI: Theo sự hiểu biết của con, mười hai bộ Kinh 
của chư Phật và lời của chư Tổ đều chưa qua khỏi vô thỉ vô minh?

  • Ø ĐÁP: Nói chư Tổ kẹt nơi vô thỉ vô minh là không đúng, ngoại đạo và Tiểu thừa mới bị kẹt nơi vô thỉ vô minh, cho vô thỉ vô minh là cứu cánh. Phá được vô thỉ vô minh mới gọi là kiến tánh, hễ chưa phá thì chưa được gọi là kiến tánh.

469. HỎI: Sư phụ nói các pháp môn khác chỉ có chứng quả chứ chưa kiến tánh, vậy giữa kiến tánh và chứng quả khác nhau như thế nào?

  • Ø ĐÁP: Tiểu thừa có bốn quả:

Sơ quả Tu-đà-hoàn: dịch là Nhập lưu, nhưng chẳng phải có chỗ nhập. Kinh Kim Cang nói: “Chẳng nhập sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, gọi là nhập lưu”. Tức đã lìa được lục trần là chứng sơ quả, phải sanh cõi người bảy lần nữa, theo Kinh nói là “Đã dứt hết kiến hoặc của Tam giới”.

- Nhị quả Tư-đà-hàm: dịch là Nhất vãng lai, tức sanh cõi Trời một lần, sanh cõi người một lần. Tư hoặc của tam giới gồm chín phẩm, chứng được Tư-đà-hàm thì dứt được sáu phẩm, còn ba phẩm sau chưa dứt, nên phải sanh cõi người (Dục giới) một lần nữa.

- Tam quả A-na-hàm: gọi là Bất lai, tức đã dứt hết tư hoặc của dục giới, không cần thọ sanh nơi dục giới nữa, chỉ ở cõi Trời chứng quả A-la-hán.

- Đến tứ quả A-la-hán là xuất sanh tử luân hồi, nhưng chưa phải kiến tánh, còn chưa phá được vô thỉ vô minh.

* Giáo môn có năm thứ phiền não: Dục ái trụ địa phiền não là Dục giới, Sắc ái trụ địa phiền não là Sắc giới, Hữu ái trụ địa phiền não là Vô sắc giới, A-la-hán dù dứt bốn thứ phiền não trên, nhưng còn Vô minh trụ địa phiền não. Vô minh là chẳng nổi ý niệm gì, thanh thanh tịnh tịnh, không vọng tưởng, không gì hết, nên người ta tưởng lầm là Niết-bàn, kỳ thật chỗ đó là cội nguồn nổi lên nhất niệm vô minh. Nên nói chứng quả chưa phải kiến tánh.

* Đại thừa chứng quả lại khác: Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa,cho đến Đẳng Giác, Diệu Giác là Phật, thường là 52 cấp, Kinh Lăng Nghiêm thì có 57 cấp. Người chứng quả Thập địa vẫn chưa kiến tánh triệt để.

470. HỎI: Sư phụ nói Phật giáo không kiến lập chơn lý, vậy Tam tạng giáo điển của Phật chẳng phải chơn lý sao?

  • Ø ĐÁP: Không phải. Tam tạng giáo điển đều quét sạch chơn lý. Chơn lý là chấp thật, Tam tạng giáo điển là quét sạch tất cả chấp thật, kể cả chấp Phật. Bất cứ chấp vào cái gì đều là chấp.

471. HỎI: Thế thì người tu đạo Phật không có chơn lý sao?

  • Ø ĐÁP: Nếu nói “Không” là chấp thật vào không, bệnh càng nặng hơn. Có và không là đối đãi, nếu chấp không là thật, thì Có cũng là thật. Vì CÓ tiêu diệt rồi mới thành KHÔNG, vốn là chẳng có cái CÓ để tiêu diệt, làm sao có cái KHÔNG để chấp! Thành lập CÓ rồi mới thành lập KHÔNG, CÓ đã không thành lập thì KHÔNG làm sao thành!

472. HỎI: Như vậy thế nào là chơn lý của Đạo Phật?

  • Ø ĐÁP: Đã chẳng kiến lập chơn lý, làm sao có “Chơn lý của đạo Phật”? Pháp, phi pháp, phi phi pháp. Kinh Kim Cang nói: “Nếu người nào nói Như Lai có thuyết pháp là phỉ báng Phật”, chẳng có pháp để Như Lai thuyết, làm sao có chơn lý của nhà Phật?

473. HỎI: Chúng con có thể tự độ được không?

  • Ø ĐÁP: Lục Tổ nói “Tự tánh tự độ”, nhưng phải nhờ chư Phật chư Tổ chỉ dẫn đường lối thực hành để tự độ. Cũng như Tổ Sư Thiền là do Phật Thích Ca đích thân chỉ dạy thực hành để tự độ, chứ chẳng phải là Phật Thích Ca độ hay ai độ.

474. HỎI: Trong Cội Nguồn Truyền Thừa, ngài Nguyệt Khê nói đến Tự tánh Bát-nhã: “Thật tướng Bát-nhã là Pháp thân, phương tiện Bát-nhã là kiến, văn, giác, tri, dùng phương tiện Bát-nhã để phá vô thỉ vô minh, sẽ chứng được Thật tướng Bát-nhã”. Vậy dùng kiến, văn, giác, tri chuyển thức thành trí rồi trở thành Bát-nhã, phải không?

  • Ø ĐÁP: Nói Tự tánh Bát-nhã, Thật tướng Bát-nhã, Phương tiện Bát-nhã … đều là phương tiện, phàm dùng lời nói đều là phương tiện, phương tiện thì không đúng với thực tế, phải tự ngộ rồi, sự ngộ ấy mới đúng với thực tế. Hễ chấp vào cảnh giới ngộ vẫn còn chưa đúng với thực tế, huống là chưa ngộ!

Cái biết của kiến, văn, giác, tri là tác dụng của bộ não, cái không biết cũng vậy, nay mình còn là chúng sanh, hiện hành đều là tác dụng của bộ não. Bát-nhã vô tri mà vô sở bất tri, đã kiến tánh rồi, biết cũng là Bát-nhã, không biết cũng là Bát-nhã; chưa kiến tánh thì tri cũng là bệnh, bất tri cũng là bệnh.

Bây giờ nói “Dùng cái không biết của bộ não, chấm dứt tất cả biết của bộ não”, cũng là chiếu theo ý giải của ngài Nguyệt Khê: Ví dụ kiến, văn, giác, tri là do bộ não đặc ra cái tên, các tướng; người đã kiến tánh không kẹt vào danh tướng, người chưa kiến tánh đuổi theo danh tướng, có kiến, văn, giác, tri, không kiến, văn, giác, tri v.v… Kỳ thật, có kiến, văn, giác, tri với không chẳng khác, cho nên, bất cứ phương tiện gì hễ nói ra đều không đúng với thực tế.

475. HỎI: Bất nhị là gì?

  • Ø ĐÁP: Bất nhị chẳng phải là một, có một tức có hai, là nhị. Nói “Bất nhị” cũng là phương tiện để chúng ta đừng chấp thật, vì chấp thật tức có giả, có chơn tức có vọng, là nhị. Nghĩa bất nhị không đối đãi, không tương đối, chẳng dính dáng với Có và Không, cũng là nghĩa vô trụ, vô thỉ vô sanh. Nhưng nếu chấp thật “Vô sanh” cũng là nhị. Muốn chứng thật nghĩa bất nhị, phải tự ngộ mới được.

476. HỎI: Nếu tất cả mọi người đều tham thoại đầu, không dùng lời nói văn tự, người đời sau làm sao biết đến Phật 
pháp?

  • Ø ĐÁP: Đức Phật thuyết pháp 49 năm, tất cả lời dạy đều được ghi trong Kinh điển, cuối cùng truyền pháp Tổ Sư Thiền. Giáo môn nói trong Kinh điển gồm 84 ngàn pháp môn, thuộc pháp gián tiếp, còn Tổ Sư Thiền là pháp trực tiếp. Nếu người tin pháp thiền trực tiếp không nổi thì phải tin pháp gián tiếp. Vì người thường tin vào pháp gián tiếp, nên Phật thuyết về pháp gián tiếp nhiều hơn, còn Pháp thiền trực tiếp, Đức Phật chỉ truyền trong sát-na.

Nay tôi hoằng pháp Tổ Sư Thiền, chẳng có ý muốn tất cả đều tu theo Tổ Sư Thiền, chẳng học Giáo môn. Nhưng vì Giáo môn đời nay khác với Giáo môn đời xưa: Giáo môn đời xưa gọi là tri văn khởi quán, học đến đâu quán đến đó, tức vừa học vừa tu, sự học với sự tu đi song song. Giáo môn đời nay chỉ có học, không có tu. Chớ nói là pháp xuất thế gian, pháp thế gian như khoa học, học lý luận cũng phải qua sự thực nghiệm để chứng tỏ phần lý luận đúng hay sai, còn học Giáo môn chỉ có phần lý luận, không thực hành thì đâu thể biết đúng sai? Chỉ cho học nhiều là cao, là hơn người, tăng thêm ngã chấp, thêm cống cao ngã mạn, nghịch với Chánh pháp!

Như câu hỏi của cô là hỏi theo ngã chấp, chẳng biết thiền là gì, chẳng biết Tổ Sư Thiền như thế nào, nên sợ tất cả mọi người đều tu pháp Tổ Sư Thiền thì không còn người biết đến Phật pháp!

Nếu thật sự mọi người đều tu pháp Tổ Sư Thiền, Phật pháp sẽ càng thịnh vượng hơn; vì người chứng quả nhiều. Một người chứng quả độ vô biên chúng sanh, khiến giáo pháp càng phát triển. Nếu chẳng ai tu Tổ Sư Thiền, mà chỉ học Phật pháp không chứng quả thì Phật pháp tại thế gian phải tiêu diệt! Chẳng những bị tiêu diệt, sẽ trở thành ngoại đạo, vì không phá ngã chấp.

477. HỎI: Tụng Kinh Pháp Hoa và tu Tổ Sư Thiền, phước đức như thế nào?

  • Ø ĐÁP: Tụng Kinh là để cầu phước, phải không? Tu Tổ Sư Thiền cũng là để cầu phước? Phước nếu có thể do cầu mà được thì không có nhân quả, không nhân quả thì không Phật pháp, không Phật pháp thì không có chùa! Muốn được phước quả phải gieo thiện nhân, chứ chẳng phải chỉ tụng Kinh là có phước, thế thì người nào biết chữ đều tụng được! Nay không chịu gieo nhân muốn đắc quả, có thể được chăng?

Bất cứ học theo pháp môn nào cũng phải tin nhân quả, không những trong Phật pháp có nhân quả, các tôn giáo khác, người đời nơi thế gian, dù có tín ngưỡng hay không, đều nằm trong nhân quả. Hễ phước báo có thể cầu được là ở ngoài nhân quả, chứ đừng nói tụng Kinh Pháp Hoa hay tu Tổ Sư Thiền.

478. HỎI: Thế thì Phật tử đến chùa tụng Kinh gieo nhân gì?

  • Ø ĐÁP: Tụng Kinh để hiểu được ý Phật trong Kinh, dù không theo Kinh tu hành, cũng được gieo nhân, muôn ngàn kiếp sau cũng được quả. Còn nếu tụng Kinh mà không hiểu ý, tụng như không tụng.

479. HỎI: Nếu người tụng Kinh hiểu được lời Kinh, thực hành theo Kinh thì được lợi ích, phải không?

  • Ø ĐÁP: Kinh Pháp Hoa nói: “Chư pháp tùng bổn lai, thường tự tịch diệt tướng”. Các pháp từ xưa nay, vốn là tướng tịch diệt, đó cũng là nghĩa vô sanh. Vô sanh thì đâu có sự cầu và không cầu, lợi ích hay chẳng lợi ích? Ví như trong Kinh Duy Ma Cật, La Hầu La nói về lợi ích của sự xuất gia mà bị ngài Duy Ma Cật quở! Pháp đã vô sanh, đâu có lời nói để chấp thật? Tất cả Kinh Phật đều chỉ là phương tiện để phá chấp, Kinh Pháp Hoa cũng vậy. Phá được sự chấp là được lợi ích, nếu chấp vào đó cho là thật, lại thêm bệnh chấp chứ chẳng lợi ích gì.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch