Thiền học
Duy Lực Ngữ Lục
03/09/2015 11:59 (GMT+7)
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Mục lục
Xem toàn bộ

320. HỎI: Tín tâm bất nhị, nếu tự tánh chẳng xứ sở thì dựa vào đâu? Làm sao phát khởi tín tâm?

  • Ø ĐÁP: Nói “Bất nhị” là chẳng phải vật chất, chẳng có nơi chốn. Bất nhị thì làm sao có năng sở? Làm sao có ai tin hay không tin? Chẳng có năng tin và sở tin. Tại chấp mới có tin tâm. Do đó, tất cả tôn giáo đều bắt nguồn từ hai chữ “Tín ngưỡng”, hễ không có tín ngưỡng thì không có tôn giáo.

Còn Phật giáo là xóa bỏ tín ngưỡng. Tại sao? Tự tánh bất nhị, nếu có tín ngưỡng là nhị; có ta tín ngưỡng Phật, tín ngưỡng Thiên Chúa v.v… Tôi nói Phật giáo xóa bỏ tín ngưỡng, mọi người đều cảm thấy ngạc nhiên, nay chưa kiến tánh thì nói là phải tin tự tâm, đến khi kiến tánh rồi, tự động sự “Tin tự tâm” cũng không còn. Tại sao? Vì chẳng còn năng tin sở tin, chẳng phải có mục tiêu để cho mình tin. Nói “Xóa bỏ tín ngưỡng” không phải có cái năng xóa và sở xóa, vì tánh vốn như thế, do có câu hỏi nên phải trả lời như thế; vốn là chẳng có tín ngưỡng để xóa bỏ, thì làm gì có cái năng tin sở tin mà khởi lên tín tâm? Chẳng có AI thì lấy gì để tu đạo?

321. HỎI: Phạm vi ngã chấp rất rộng, làm sao lấy chín chữ “Vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ” để phá?

  • Ø ĐÁP: Ngã chấp là ta, có ta thì phải có sở đắc. Nay gặp được Chánh pháp, phát tâm tu hành cầu giải thoát, tham thiền cầu đắc đạo, tâm cầu giải thoát ấy là có sở cầu, là muốn chứng đắc, dể lọt vào năm mươi thứ ngũ ấm ma hoặc tà ma ngoại đạo. Vậy tại sao nói tham thiền được kiến tánh? Sự kiến tánh đó chẳng phải là có sở đắc sao? 

Đối với người chưa kiến tánh thì cho là mình sẽ được kiến tánh; người chơn thật kiến tánh không cho mình đã được kiến tánh, người thật đã giác ngộ thành Phật, mới biết là chẳng có Phật để thành, làm sao có sở đắc? Nếu có sự chứng đắc, tức chưa giác ngộ, chưa thấy tánh, chưa thành Phật, vì còn có ngã, bất quá là ngã chấp vi tế thôi.

Nếu vô sở đắc thì trong tâm chẳng có cái “Đạo” để đắc. Nói như thế không phải là không đắc đạo, không chứng đắc, chỉ là hết ngã chấp thôi. Đã không có cái TA thì ai cầu? ai sợ?

Nói tóm lại, nếu làm được chín chữ “Vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ” tức phá được ngã chấp, không những mê thức tứ tướng của phàm phu, kể cả mê trí tứ tướng của bậc Thánh đều phá sạch.

322. HỎI: Thiền sư Minh Bổn trong cuốn Trung Phong Pháp Ngữ có dạy: “Ngoài thoại đầu ra không riêng có sanh tử, ngoài sanh tử ra không riêng có thoại đầu” là thế nào?

  • Ø ĐÁP: Tự tánh bất nhị, Lục Tổ nói: “Thuyết pháp chẳng lìa tự tánh”. Tham thoại đầu khởi lên nghi tình, nghi tình mịt mù không biết gì cả là bất nhị, hễ có sự biết thì không có nghi tình, lọt vào tứ cú là nhị. Nếu không lọt vào tứ cú thì nghi tình tức tự tánh, tự tánh tức nghi tình, chẳng những như thế, sắc thân tức pháp thân, pháp thân tức sắc thân, ở ngoài sắc thân không có pháp thân, ở ngoài pháp thân không có sắc thân. Tại do tâm chấp thành nhị.

323. HỎI: Có một hành giả đang công phu đắc lực, được mọi người khen ngợi, khiến ngã chấp nổi lên, phiền não ập đến, đánh mất công phu, lại đổ lỗi cho mọi người xung quanh chướng ngại công phu của mình. Ghét luôn cả chính mình, muốn trốn đi một nơi hẻo lánh để bỏ thân xác này. Nhân sự việc kể trên, xin Sư phụ khai thị thêm cho chúng con.

  • Ø ĐÁP: Phật pháp khác với ngoại đạo là phải phá ngã chấp; muốn giải quyết việc sanh tử, muốn tu giải thoát, phải phá ngã chấp, nếu không sẽ thành ngoại đạo. Cho dù làm bao nhiêu phước thiện, sau khi hưởng hết phước báo cũng phải bị đọa.

Nếu lấy sự phá ngã chấp làm căn bản, dẫu cho người xung quanh có trực tiếp chướng ngại, cũng là thiện tri thức của mình. Nếu không phá ngã chấp thì không có chướng ngại cũng thành chướng ngại.

324. HỎI: Làm sao “Hữu tình vô tình đồng thành Phật đạo?”

  • Ø ĐÁP: Tất cả duy tâm tạo, đâu có cái nào ở ngoài tâm? Hữu tình do tâm tạo, vô tình cũng do tâm tạo; nếu tâm chẳng tạo thì hữu tình cũng không, vô tình cũng không, tức đã thành Phật, làm gì có sự  khác biệt giữa hữu tình và vô tình? Do tâm có tạo mới thành đủ thứ sai biệt: Hữu tình cũng muôn ngàn sai biệt, vô tình cũng muôn ngàn sai biệt.

325. HỎI: Hư Vân Thiền sư có nói: “Thiền và Tịnh là một; tham thiền cũng là câu thoại đầu, niệm Phật cũng là câu thoại đầu”, nghĩa là thế nào?

  • Ø ĐÁP: Ngài Hư Vân chỉ nói: “Niệm Phật là niệm, tham thiền là tham, nếu không có tham thoại đầu mà chỉ niệm thoại đầu, tức thành thoại vĩ, chi bằng niệm Phật”. Đâu có nói Thiền và Tịnh là một? Nhưng kết quả thành Phật là một, chứ chẳng phải đường lối thực hành là một.

326. HỎI: Thế nào là nghi tình tức tự tánh, tự tánh tức nghi tình?

  • Ø ĐÁP: Chẳng những nghi tình tức tự tánh, tất cả đều là tự tánh, ấy mới thật sự bất nhị. Nếu có cái gì khác hơn tức là nhị.

327. HỎI: Làm thế nào khiến nơi nào cũng thiền đường, ở đâu cũng thiền thất, để công phu được đắc lực?

  • Ø ĐÁP: Trong bài kệ Kinh Hoa Nghiêm:

“Nhược nhơn dục liễu tri,

Tam thế nhất thiết Phật,

Ưng quán Pháp giới tánh,

Nhất thiết duy tâm tạo”

Tất cả đều do tâm tạo, khắp không gian thời gian, tất cả đều chẳng ở ngoài tâm. Thiền đường cũng là do tâm tạo, do người đời chấp tâm quá nặng, nên Tổ Sư mới lập ra thiền đường, tạo điều kiện cho mọi người tham thiền.

Người chơn thật tu hành muốn giải quyết việc sanh tử thì nơi nào cũng là thiền đường, bất cứ đang lao động, đang làm nghề gì cũng tham được, chẳng phải ở nơi vắng lặng mà tham. Đó là tùy theo căn cơ trình độ của mỗi người, dĩ nhiên có thiền đường sẽ dễ thực hành hơn, tăng trưởng lòng tin. Như Lục Tổ nói: “Tất cả đều chẳng chướng ngại”, nếu quyết tử tham thiền thì không có phân biệt, cứ tùy duyên mà tu tập.

328. HỎI: Có thể biết thêm kinh nghiệm của chư Tổ để tăng trưởng lòng tin ?

  • Ø ĐÁP: Muốn biết về kinh nghiệm của chư Tổ, hãy xem Truyền Đăng Lục: Ban đầu chỉ có một ngàn bảy trăm công án, về sau là bảy ngàn công án. Công án mặc dù nhiều, nhưng kinh nghiệm mỗi người mỗi khác, nếu chấp vào đó thì chướng ngại sự tham của mình.

Chứng Đạo Ca nói: “Chớ nên hướng vào chỗ đường đi của Phật mà đi”. Đường đi của Phật là của Phật, chẳng phải của mình, Tổ Sư Thiền không phải là học, mà là thực hành, tự tánh bất nhị, phải là của chính mình, chứ không được của người khác.

Giáo môn nói: “Ngoài tâm chẳng Phật, ngoài Phật chẳng tâm; ngoài tâm chẳng pháp, ngoài pháp chẳng tâm”, tâm, Phật và chúng sanh không sai biệt. Hành giả tham thiền chỉ để ý đến câu thoại đầu của mình, chứ không biết tới người khác.

329. HỎI: Tại sao Kinh nói “Vô tướng mới thấy tánh, vô niệm mới thấy tâm”?

  • Ø ĐÁP: Tự tánh vốn chẳng khác, tướng là tánh, tánh là tướng, nếu phân biệt tánh tướng khác nhau, như Giáo môn nói: “Tướng có thay đổi, tánh thì không”, ấy là nhị. Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Sắc thân tức pháp thân, pháp thân tức sắc thân, ngoài sắc thân không có pháp thân, ngoài pháp thân không có sắc thân”. Giáo môn thì có phân biệt tánh với tướng, tham thiền không cần biết tới, chỉ đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình tham tới mãi, luôn cả thân mình và thế giới đều quên.

Một vị Tăng trình lên công phu của mình và hỏi: … Sau một thời gian công phu, khi có người hỏi về điều gì, tự nhiên tuôn trào những thơ kệ, rồi có lúc tham đến không biết giờ ăn giờ ngủ. Mấy lần đem công phu trình hỏi Sư phụ, Sư phụ không trả lời cũng không gật đầu. Lúc đầu con nghi đó là thủ đoạn của Sư phụ, nhưng đến nay thì hết nghi. Đối với những Kinh kệ và ngữ lục của chư Tổ, bây giờ phát sáng lên, và biết đó là tự tánh sẵn có, khi vô minh phai mờ thì con được tự tại. Đối với sự chẳng hứa khả của Sư phụ, con lĩnh hội rằng: “Kiến sắc phi chơn sắc, văn thinh phi thị thinh”, vậy có đúng không?

ĐÁP: Tất cả những gì sư nói, toàn là tu theo ngã chấp, vì có sở đắc, nên lọt vào ma ngũ ấm mà chẳng hay, còn tự tung ra thơ kệ, thêm nhiều chướng ngại. Ấy là có sở đắc, có sở cầu, có ngã chấp, nếu nói như thế là công phu miên mật, là có nghi tình thì không đúng. Vì hễ công phu miên mật, đâu còn tâm sở đắc? Hãy về xem kỹ lại cuốn 50 thứ ngũ ấm ma sẽ tự rõ.

Tăng nói: Nay con đã bỏ hết tất cả những thơ kệ trong khi tiếp chuyện, con trình công phu là để thể hiện do công phu nên đối với những cảnh nghịch duyên, lăng mạ của người khác, con chẳng những không sanh tâm sân hận, trái lại rất tự tại và thấy thương cho họ.

ĐÁP: Nói tự tại thì chẳng phải tự tại, nếu công phu không mất, thơ kệ làm sao nổi lên được? đã có thơ kệ là vọng, là bị gián đoạn rồi. Lại, biết thương  và ghét cũng là vọng, nói tóm lại, nếu còn tu theo ngã chấp, mặc dù có thiền định cao, cuối cùng không lọt vào tà ma cũng lọt vào ngoại đạo, chẳng thể giải thoát. Nay cứ đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình, đừng có biết tới nữa, biết là tai họa.

330. HỎI: Tại sao phải tham thiền? Mục đích tham thiền là gì?

  • Ø ĐÁP: Nếu nói đến mục đích là kiến tánh thành Phật. Nhưng thật sự khi kiến tánh thành Phật thì quả vị Phật là “Viên mãn Bồ-đề, quy vô sở đắc”. Thật đến mục đích là không có mục đích: Bồ-đề là giác ngộ, viên mãn là đầy đủ, hễ giác ngộ đầy đủ rồi, tất cả đều quy về vô sở đắc, tức chẳng có giác ngộ, chẳng có đầy đủ. Nếu có ngộ tức còn mê, có thành Phật tức còn chúng sanh, còn ngã chấp.

Đối với người sơ cơ thì nói là có mục đích, là đến kiến tánh thành Phật, giải thoát tất cả khổ, cũng là từ mở mắt chiêm bao thức tỉnh, ra khỏi sự ràng buộc của sanh tử … tạm gọi là như thế. Tất cả Chánh pháp, lời dạy của Phật Thích Ca đều như thế.

331. HỎI: Thế nào là ngũ đình tâm quán?

  • Ø ĐÁP: Ngũ đình tâm quán là thiền Thanh-văn, thuộc Tiểu thừa. Tại sao gọi là đình? Đình là đình chỉ, tức ngưng vọng tâm lại. Năm thứ thiền quán để ngừng tâm lại gồm: Quán sổ tức, quán nhân duyên, quán Từ bi, quán lục thức, và quán bất tịnh. Nay phần nhiều tu theo quán sổ tức, cũng có một số người tu theo quán bất tịnh, còn ba thứ quán kia ít người tu. Ngoài ra phải tu thêm ba mươi bảy phẩm trợ đạo để phá ngã chấp, ấy mới đúng theo tông chỉ của thiền đó, nếu không cũng sẽ lọt vào tà ma ngoại đạo.

332. HỎI: Tu hành là muốn kiến tánh thành Phật, vậy có phải là có sở cầu, có sở đắc không?

  • Ø ĐÁP: Ở trên tôi đã nói, khi tu đến thành phật rồi mới biết là không có Phật để thành, mới quy vô sở đắc. Bây giờ muốn vô sở đắc, mặc dù biết nhưng làm không được, tâm cứ muốn đắc hoài. Vậy thì phải làm sao? Phải nhờ nghi tình mới quét sạch được.

333. HỎI: Đức Phật thường nói là “Lời nói chơn thật”, tức muốn chỉ cho người kiến tánh là phải qua tướng. Còn Sư phụ thì nói là lời Phật không chơn thật, vậy có phải Đức Phật lừa gạt người ta?

  • Ø ĐÁP: Phật với Tổ vốn chẳng có ý muốn gạt người, tại người thấu qua không được, nên bị chư Phật chư Tổ gạt. Cũng như núi sông vốn chẳng có tâm chướng ngại người, tại con người đi qua không được nên bị chướng ngại. Do đó, người đã kiến tánh nói: “Về sau chẳng bị Phật  gạt nữa!”

Chính Đức Phật ở trong Kinh Lăng Già nói: “Lời nói của ta là ngôn ngữ vọng tưởng”, Kinh Lăng Nghiêm nói: “Phàm là lời nói đều chẳng có nghĩa thật”. Lời nói của Phật cũng là lời nói, đâu thể chấp thật?

334. HỎI: Nói “Tâm không” thì Không đó về đâu?

  • Ø ĐÁP: Tâm không chẳng có về đâu. Chơn tâm bất nhị, khắp không gian thời gian, chỗ nào không có? Làm sao có về đâu? Hễ có chỗ về là nhị. Nói KHÔNG mà chẳng phải thật không, nếu là thật không, tức như đoạn diệt, làm sao khởi dụng? Có dụng chẳng phải thật không, nhưng muốn tìm bản thể thì không được, vì khắp không gian thời gian, nên chẳng có chỗ về. Như trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật bảo A-nan chỉ ra nhưng chỉ không được, vì chẳng phải vật.

335. HỎI: Cái gì đã chướng ngại cho sự vào đạo? Làm sao khắc phục?

  • Ø ĐÁP: Sự chướng ngại phổ biến nhất là ham tìm hiểu, tập khí này rất chướng ngại cho việc tham Tổ Sư Thiền. Tất cả Kinh Đại thừa liễu nghĩa đều muốn chúng sanh thành Phật, nhưng phải chấm dứt sự tìm hiểu, phá hết tất cả chấp thật, tin vào tự tâm. Do tập khí này đã vun trồng từ nhiều kiếp, chẳng thể phá được, nên phải nhờ câu thoại đầu khởi lên nghi tình, nghi tình tự động quét sạch tất cả vọng chấp, dần dần công phu thuần thục, thành khối rồi tự nhiên chấm dứt được.

Bây giờ biết là không nên cầu vẫn còn cầu, biết không nên chấp vẫn còn chấp, đa số là chấp thật lời của Phật, của Tổ mà chẳng biết chư Phật chư Tổ chỉ vì sự chấp của chúng sanh, phương tiện đặt ra để phá chấp mà thôi, chứ chẳng phải là chơn lý thật.  Có người nói “Tôi không chấp”, chẳng biết cái “Không chấp” đó đã là chấp rồi.

Cho nên phải lìa tứ cú, tứ cú đều chẳng trụ. Kinh Kim Cang nói: “Công đức bố thí hằng hà sa số thất bảo, luôn cả thân này, không bằng thấu được tứ cú kệ và giải thích cho người nghe”. Lìa được tứ cú mới là vô sở trụ.

336. HỎI: Thế nào là “Lấy vô trụ làm gốc, vô tướng làm thể, vô niệm làm tông”?

  • Ø ĐÁP: Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ giải thích: “Vô niệm chẳng phải không có bản niệm, ngoài bản niệm ra không được mống khởi niệm gì khác, mới gọi là vô niệm, chứ chẳng phải tuyệt luôn bản niệm, nếu bản niệm tuyệt là chết”. Dù người chết, bản niệm cũng y nguyên không mất, vì đó là bản thể của tự tánh, chẳng đồng như  gỗ đá.

Nhiều người hiểu lầm cho vô niệm là trăm tư tưởng đều dứt, ấy là sai. Ngài Lục Tổ giải thích: “Lục căn tiếp xúc lục trần, sanh ra lục thức, không nhiễm không chấp thật tức vô niệm”. Hễ thấy cái gì thì chấp cái đó, nghe được cái gì chấp vào cái đó, là có niệm. Thấy như không thấy, nghe như không nghe, chẳng phải là không biết, biết mà không chấp thật, mới là vô niệm.

Kỳ thật, vô niệm tức vô tướng, vô tướng tức vô trụ, mặc dù danh từ có ba, sự thật chỉ là một. Ngài Lục Tổ sợ người hiểu lầm, nên đã hai lần giải thích về vô niệm.

337. HỎI: Pháp môn Tổ Sư Thiền nên tu xuất gia hay tại gia?

  • Ø ĐÁP: Lục Tổ nói: “Nếu chấp phải xuất gia mới tu được thì chấp đó cũng là chấp”, nếu sự chấp không bỏ thì xuất gia không bằng tại gia. Tu pháp môn Tổ Sư Thiền là quét sạch tất cả đối đãi, xuất gia và tại gia là đối đãi, người chơn tu tại gia hay xuất gia đều kiến tánh được, vì tất cả pháp đều bình đẳng, không phải là nhị. Chấp vào bên nào cũng không đúng, chẳng chấp hai bên, chấp vào trung đạo cũng không đúng.

Cho nên, Giáo môn nói “Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên”, hễ có nhân duyên thì xuất gia cũng được, nếu không có nhân duyên, chớ nên mống niệm phải xuất gia mới tu được, ấy là chướng ngại.

Chỉ cần chuyên chú đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình, ngoài ra, quá khứ không ghi nhớ, hiện tại không trụ, vị lai không sắp đặt, việc đến thì đối phó, xong việc thì quên đi, không cần ghi nhớ sắp đặt, công phu mới được thành khối.

338. HỎI: Hòa Thượng Bác Sơn trong Tham Thiền Cảnh Ngữ nói đến ba thứ bệnh: “Chấp thành bệnh, trước thành ma, kế thành ngoại đạo” là như thế nào?

  • Ø ĐÁP: Ba thứ bệnh này chẳng ngoài chấp ngã. Sự chấp của phàm phu rất nặng, Nhị thừa phá được ngã chấp, nhưng còn chấp pháp sở tu, chấp quả sở chứng của mình. Đại thừa phá luôn pháp chấp, tất cả pháp đều không, tức chẳng trụ vào pháp nào. Còn ngoại đạo thì chấp vào tri kiến, hay so đo, cho cái này là chơn lý, cái kia chẳng phải chơn lý, gọi là kế. Như các giáo chủ ngoại đạo, cũng ngồi thiền, cũng có sự ngộ, tự cho đó là chơn lý, rồi tự làm giáo chủ để hoằng dương chơn lý của mình.

Đạo Phật chẳng kiến lập chơn lý, vì tất cả pháp đều chẳng tự tánh, nếu có cái chơn lý để làm tự tánh, thì chơn lý đó là vật. Trụ nơi chơn lý vẫn là trụ, Phật thì chẳng trụ sanh tử, chẳng trụ Niết-bàn, chẳng trụ phàm, chẳng trụ thánh. Vì đối với phàm mới lập thánh, đối với chúng sanh mới lập chư Phật, tất cả đều là đối đãi. Có mê mới có ngộ, khi người triệt ngộ rồi mới biết chẳng có ngộ, nên chư Phật nói “Phiền não tức Bồ-đề, sanh tử tức Niết-bàn”.

339. HỎI: Thế nào là hiện tại chẳng trụ?

  • Ø ĐÁP: Nói quá khứ, hiện tại, vị lai là chỉ về thời gian. Thời gian không bản thể, làm sao có quá khứ, hiện tại, vị lai? Muốn cho cái gì là thời gian? Nay người ta dùng vọng tâm phân biệt một phút 60 giây, rồi cho 60 phút là một tiếng, cho 24 tiếng là một ngày, rồi chia thời gian thành ngày, tháng, năm, đều do vọng tâm tạo nên, bản thể thời gian đâu có những thứ đó?

Kinh Kim Cang nói: “Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc”, là phá khái niệm thời gian. Tại sao? Vì  thời gian do tâm tạo, nên bất khả đắc.

Nhưng bây giờ nói hiện tại vô trụ, làm sao vô trụ được? Hằng ngày bất cứ tiếp xúc việc gì, chẳng khởi niệm chấp thật tức vô trụ; chẳng chấp cái bàn này là thật, cái ghế này là thật, kể cả chẳng chấp câu Kinh đang đọc là thật. Vì đều không có bản thể, chỉ do tâm tạo ra, do con người đặt ra. Nếu không có con người, thì bản thể vạn pháp trống rỗng, diệu dụng vô biên.

Muốn đạt đến hiện tại vô trụ, chỉ có đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình, tiếp tục tham mãi, thấy cảnh trước mắt cũng như không thấy, nghe lời tán thán hoặc chê trách đều như không nghe, tán thán chẳng mừng, chê trách không giận, vậy là vô trụ rồi.

Bao Hiem BSH
» Video
» Ảnh đẹp
» Từ điển Online
Từ cần tra:
Tra theo từ điển:
» Âm lịch